Nhà báo đến với Trường Sa
Với nhiều người Việt Nam nói chung và các nhà báo nói riêng, được đến với quần đảo Trường Sa tác nghiệp là một vinh dự, tự hào. Một “địa bàn” đặc biệt như Trường Sa là nơi để họ có điều kiện cảm nhận, trải nghiệm, phản ánh về vẻ đẹp của thiên nhiên, biển đảo, con người.
Phóng viên ghi hình lễ chào cờ trên đảo Song Tử Tây
Tới địa bàn, đi cơ sở để lấy tin, bài, thực hiện phỏng vấn… vốn là chuyện thường ngày đối với mỗi nhà báo. Thế nhưng trước giờ khởi hành đến với Trường Sa, các nhà báo không khỏi háo hức và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị cũng như đề cương để sẵn sàng tác nghiệp. Bản thân các nhà báo luôn ý thức được rằng, đến với Trường Sa, mình sẽ là một mạch máu chuyển tải thông tin cũng như mang hơi ấm từ đất liền đến với quân dân huyện đảo.
Trong hải trình đến với Trường Sa cùng đoàn công tác số 13 tháng 5-2017, nhà báo Bích Hạnh, Kênh Truyền hình Quốc hội chia sẻ: Lần đầu tiên tôi được đến Trường Sa nhưng cảm giác trong tôi rất gần gũi và quen thuộc. Biển và sóng, con người, cảnh vật Trường Sa luôn hấp dẫn, níu kéo tôi qua các phương tiện thông tin đại chúng mà đồng nghiệp đã từng ra Trường Sa kể lại. Nhưng lần này tôi đã được trực tiếp lên tàu và sẽ đặt chân lên quần đảo Trường Sa. Hình ảnh những người người lính đang gắn bó trên đảo thật đẹp và mang một ý nghĩa lớn lao. Không chỉ háo hức mà ê-kíp chúng tôi đã sẵn sàng để thể hiện các tác phẩm báo chí ngay khi tàu rời bến.
Phóng viên báo chí Trung ương và địa phương tác nghiệp tại đảo Trường Sa
Với nhà báo Thanh Mai, Báo Hà Nội Mới, đây là lần thứ 2 chị được đến với Trường Sa. Với chị, hình ảnh về người chiến sĩ Trường Sa, về các em bé vô tư nô đùa bên mốc chủ quyền trên các đảo, hình ảnh cây phong ba, hoa bàng quả vuông, tiếng chuông chùa vang lên lúc chiều tà… không chỉ là những hình ảnh rất đỗi thân quen, bình dị mà còn là đề tài, nguồn cảm hứng để chị thể hiện tác phẩm báo chí của mình. Đến với Trường Sa lần này, bên cạnh nhiệm vụ của một nhà báo, chị Mai còn tham gia viết các bản tin, bài phản ánh trong chương trình phát thanh nội bộ vào buổi tối trên tàu. Để có được 20 phút bản tin phát thanh nội bộ vào lúc 20 giờ hàng ngày đòi hỏi mỗi nhà báo phải có tinh thần làm việc nghiêm túc, tích cực sau mỗi ngày tác nghiệp trên đảo.
Chị Thanh Mai cho biết: Để hoàn thành các bản tin cho chương trình phát thanh nội bộ trên tàu, khi lên các đảo tác nghiệp, tôi đã phải tận dụng mọi thời gian, cơ hội để quan sát, tiếp xúc, ghi nhận việc làm thường nhật của quân, dân trên đảo. Bản tin không chỉ ghi lại hoạt động của đoàn theo lịch trình công tác mỗi ngày mà phải phản ánh được đặc thù riêng của từng đảo, điểm đảo nhằm đưa những thông tin thú vị cho người nghe, tránh cảm giác nhàm chán cũng như mô-típ quen thuộc của các bản tin đã phát trước đó.
Phóng viên thực hiện bản tin nội bộ hàng ngày trong đoàn công tác số 13 năm 2017
Đã nhiều năm lăn lộn với nghề, từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí, đi đến rất nhiều nơi cả trong và ngoài nước nhưng với nhà báo Nguyễn Ngọc Tuấn, Đài Truyền hình Việt Nam thì ước mơ được ra Trường Sa đến nay mới thành hiện thực. Anh cho biết, anh đã từng tác nghiệp ở những sự kiện thể thao quốc tế, có những sân vận động với sức chứa hàng chục ngàn người nhưng tác nghiệp ở Trường Sa cũng là một dấu ấn khó quên. Ngay cả chuyện dùng sóng 3G để gửi tin, bài; tính thống nhất và kỷ luật trên tàu, trên đảo cũng là đề tài để nhiều nhà báo tập trung tác nghiệp. Lên đảo, các anh phải tranh thủ bởi có đảo tàu chỉ ghé vào 1-2 tiếng lại phải rời ngay do thủy triều hoặc để đảm bảo lịch trình chung. Khi tàu nhổ neo đến điểm đảo mới cũng đồng nghĩa với việc các nhà báo phải hoàn thành tác phẩm để khi đến đảo, có sóng điện thoại, các anh kịp thời chuyển tin, bài về cơ quan.
Hơn 10 ngày được sinh hoạt cùng cán bộ, chiến sỹ Hải quân, được phản ánh hiện thực đời sống của quân dân trên quần đảo Trường Sa đã để lại cho các nhà báo cũng các thành viên trong đoàn công tác những cảm nhận và trải nghiệm quý giá. Nhưng giá trị lớn nhất mà chị Mai, anh Tuấn cũng như các nhà báo trong đoàn công tác thu nhận được sau chuyến đi là sự hun đúc thêm tình yêu với biển đảo, ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng của Tổ quốc. Nếu có cơ hội, chắc hẳn các nhà báo vẫn mong muốn tiếp tục được đến với Trường Sa để được tác nghiệp ở nơi đặc biệt này.
Bài, ảnh: Duy Khánh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 169 tập huấn hàn, cắt, gia công cơ khí - ( 23-11-24 01:00 )
- Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân: Công bố quyết định sáp nhập và tổ chức lại các phòng, ban trực thuộc - ( 22-11-24 04:00 )
- Quân chủng Hải quân kiểm tra đơn vị VMTD mẫu mực, tiêu biểu tại Vùng 4 - ( 22-11-24 02:00 )
- Vùng 4 rút kinh nghiệm công tác huấn luyện, đào tạo các đơn vị khối binh chủng hợp thành - ( 22-11-24 08:00 )
- Lữ đoàn 679 bế mạc Hội thi VKTBKT, kho trạm tốt và 4 chuyên ngành hậu cần năm 2024 - ( 21-11-24 06:00 )