Ngày làm việc thứ 24, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 Thảo luận về dự án Luật Quy hoạch và Luật Cảnh vệ
Ngày 21- 11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về 2 dự án luật: Luật Quy hoạch và Luật Cảnh vệ.
Tạo sự thống nhất về quy hoạch từ trung ương tới địa phương
Thảo luận về Luật Quy hoạch, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng dự án luật này cần đáp ứng yêu cầu: tạo sự thống nhất của hệ thống quy hoạch từ trung ương đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Trọng Bình (TP Hải Phòng) phát biểu ý kiến tại hội trường
Ảnh: ĐĂNG KHOA
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phân tích: kỳ vọng Luật Quy hoạch với tầm bao quát, điều chỉnh mọi đối tượng là không khả thi, khó chế định được các nội dung một cách đầy đủ, rõ ràng. Cần xác định đây là hoạt động quy hoạch công do nhà nước thống nhất thực hiện, quản lý. Theo thống kê hiện có gần 20.000 bản quy hoạch, việc rà soát, thẩm định lại hiệu lực, tiến độ triển khai, sự tương thích giữa quy hoạch chi tiết với các quy hoạch cấp trên, sau đó phân loại, chuẩn hóa để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia là việc làm vô cùng phức tạp, tốn rất nhiều thời gian; không hội đồng hoặc cơ quan chức năng nào đủ năng lực để thẩm định các quy hoạch này. Đại biểu nêu rõ: không nên ôm đồm mà cần giới hạn phân định để lập danh mục các đối tượng quy hoạch, đối tượng nào bắt buộc phải làm quy hoạch; còn lại có thể lập các đề án, kế hoạch xây dựng các tiêu chuẩn, điều kiện để làm căn cứ thực hiện mà không cần phải lập quy hoạch.
Nhiều đại biểu cho rằng công tác quy hoạch là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển đất nước, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo điều hành từ trung ương đến địa phương, thể hiện cả nội dung xây dựng, quản lý thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, nội dung của dự án luật nghiêng nhiều về quản lý quy hoạch, vì vậy Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ về nguyên tắc, trình tự, tổ chức và thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) nêu ý kiến: cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng, liên kết các địa phương và sản phẩm ngành; tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh; bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho rằng, luật chỉ quy định về quy hoạch, như vậy có phần phiến diện và chưa đầy đủ. Quy hoạch phải phù hợp chiến lược, trong khi đó luật này không quy định chiến lược. Vì vậy, trong chuỗi các văn bản pháp lý về hoạt động quy hoạch, cần pải quy định rộng cả chiến lược quy hoạch và kế hoạch. Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cũng đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật và đặt tên gọi là Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển. Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, đại biểu đề nghị một số quy hoạch quan trọng phải do Quốc hội phê duyệt.
Bảo đảm pháp luật cảnh vệ có sự đồng bộ, thống nhất
Thảo luận về dự án Luật Cảnh vệ, các đại biểu Quốc hội đồng tình sự cần thiết ban hành luật và đề nghị các nội dung của dự án luật cần tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, khắc phục những bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn hiện nay, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác cảnh vệ; bảo đảm pháp luật cảnh vệ có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; phù hợp các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức và hoạt động của cảnh vệ một số nước phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Góp ý với dự thảo luật về sử dụng vũ khí trong thi hành nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Trọng Bình (Hải Phòng) cho rằng, sử dụng vũ khí là biện pháp hiệu quả và là nấc cao nhất nhưng cũng nhạy cảm nhất trong các biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Xuất phát từ đặc thù của công tác cảnh vệ, đại biểu cho rằng việc sử dụng súng của lực lượng cảnh vệ là cần thiết, thậm chí cần linh hoạt hơn so với các đối tượng khác cũng được trang bị vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, quy định như dự thảo còn sơ sài, trao quyền tự quyết quá lớn cho lực lượng cảnh vệ. Ví dụ điểm c khoản 2 điều này quy định sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ. Bản chất việc nổ súng là để ngăn chặn ngay lập tức sự tấn công của đối tượng, vô hiệu hóa khả năng tấn công tiếp theo, chứ không phải tiêu diệt đối tượng. Việc nổ súng ở cự ly gần, tình huống diễn biến nhanh, lực lượng cảnh vệ không có nhiều sự lựa chọn nên việc nổ súng sát thương có thể dẫn đến tử vong cho đối tượng. Đây là trường hợp thực tiễn nhưng trong luật hiện hành có các điều khoản miễn trừ trách nhiệm. Việc quy định lực lượng cảnh vệ có quyền nổ súng tiêu diệt đối tượng là không cần thiết và không phù hợp tinh thần đổi mới, tích cực liên quan đến quyền con người được quy định trong Hiến pháp 2013. Hơn nữa, khái niệm “có hành vi tấn công trực tiếp” có nội hàm rất rộng, bao hàm các khả năng tác động xâm hại từ thấp đến cao, việc áp dụng ngay biện pháp nghiệp vụ cao nhất là chưa hợp lý.
Đại biểu nêu quan điểm: công tác cảnh vệ là công tác đặc biệt, việc ban hành luật tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ và thuận lợi cho công tác này. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, chỉnh lý làm rõ hơn các đặc thù và có các quy định cụ thể để không vướng mắc khi thực hiện.
Theo Hải Phòng điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 171: Hội nghị Quân chính năm 2024 - ( 23-11-24 05:00 )
- Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân đào tạo nhận thức chung Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 - ( 23-11-24 05:00 )
- Học viện Hải quân: Bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức hải quân Khóa 30 - ( 23-11-24 01:00 )
- Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới và nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú - ( 22-11-24 01:00 )
- Lữ đoàn 161: Hội thao cấp ủy năm 2024 - ( 22-11-24 08:00 )