Nét đặc sắc trong lễ hội của cư dân biển Hải Phòng
Hải Phòng-vùng đất “Hải tần phòng thủ” từ xa xưa đã gắn với công cuộc bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Mưu sinh gắn bó với biển, vào dịp đầu năm khắp những thôn xóm, vạn chài khi xưa lại rộn ràng những lễ hội cầu ngư, xuống biển, đua thuyền rồng.
Lễ hội rước cá sủ vàng
Làng Ngọc Tỉnh thuộc xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng vốn có nghề chài lưới từ xa xưa. Ngày ngày, từng đoàn thuyền lớn nhỏ của Ngọc Tỉnh căng buồm ra khơi làm nghề chài lưới. Mỗi sáng hoặc chiều, khi thuyền nối nhau về bến đầy ắp cá, tôm. Ngoài thủy hải sản thông thường phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, ngư dân Ngọc Tỉnh còn từng bắt được cá sủ vàng kép có trọng lượng lớn, hình dáng và màu sắc vô cùng sặc sỡ. Vì vậy, cá sủ vàng được chọn làm vật thiêng dâng lễ thần biển, thờ cúng Thành hoàng làng và rước trong lễ hội cầu ngư.
Nói về nguồn gốc thờ cá sủ vàng, ông Phạm Bá Tùy, một lão ngư lâu năm ở làng Ngọc Tỉnh tâm sự: “Mấy chục năm trở về trước cá sủ vàng sẵn lắm, nó có thân hình to lớn, nặng tới vài chục ki-lô-gam, vây dài, đầu màu vàng, thân màu trắng hơi phớt vàng, hai bên mình có hai vệt màu xanh chạy dài từ cổ xuống tận đuôi hệt như hai sợi chỉ len buộc trên thân. Được coi là cá thiêng nên dân làng chọn cá sủ vàng làm lễ vật dâng lên thần biển.
10 năm trở lại đây, người làng Ngọc Tỉnh chẳng ai còn đánh bắt được cá sủ vàng nhưng hình ảnh con cá sủ vàng xa xưa đã gắn với tâm thức người làng Ngọc Tỉnh và lễ hội cầu ngư rước cá sủ vàng vẫn được lưu truyền tới ngày nay. Người làng Ngọc Tỉnh vào dịp mồng 10 tháng giêng đều tổ chức lễ cầu ngư, rước cá sủ vàng. Mong cho trời yên, biển lặng, tàu, thuyền ra khơi thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang, cuộc sống dân làng ngày càng sung túc.
Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Cát Bà. Ảnh: Hải Hà
Đánh cá dâng Thủy thần
Vào các ngày từ 4-6 tháng Giêng âm lịch hàng năm làng chài Trân Châu, đảo Cát Bà, huyện Cát Hải TP. Hải Phòng lại tưng bừng tổ chức lễ hội xuống biển. Sau khi làm lễ tế Thuỷ thần, Long Vương, một hồi trống lệnh vang lên, hàng trăm trai tráng tay cầm chèo hò reo chạy tới thuyền của mình để kịp ra nhanh nhất nơi quy định. Một người chèo, một người tung lưới và gõ nhịp vào mạn thuyền. Gõ càng mạnh, càng dồn dập, cá càng hoảng sợ chạy mắc vào lưới càng nhiều. Khi tới giờ thu quân, hồi trống lệnh vang lên, các thuyền mang sản phẩm đánh bắt của mình tới sân đình để các bô lão chấm thi. Con cá ngon nhất được chọn nướng ngay trên đống lửa đỏ rực ở sân đình để tế Thần, còn lại chia cho mọi người. Ai đánh được cá to nhất hoặc nhiều cá nhất được trao giải. Ông Vũ Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Trân Châu cho biết: “Người dân Trân Châu quanh năm sống bằng nghề chài lưới, biển cả đem lại cho chúng tôi cuộc sống ấm no. Ngư dân chúng tôi thờ thủy thần, long vương cai quản biển cả và lễ hội xuống biển nhằm cầu cho trời yên, biển lặng, tôm cá đầy thuyền.
Lễ hội đua thuyền
Với đặc trưng là thành phố biển, ở Hải Phòng vào dịp đầu xuân những lễ hội đua thuyền rồng xuất hiện ở khắp nơi. Lễ hội đua thuyền rồng nổi tiếng nhất diễn ra vào ngày 21 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải. Lễ hội bắt nguồn từ ý nguyện tâm linh của những người đi biển, cầu Nam Hải Đại Vương-vị thần cai quản vùng biển che chở, cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá bội thu.
Đúng 12 giờ trưa, lễ hội đua thuyền chính thức bắt đầu, nhưng từ sáng sớm hàng nghìn người đổ về khu vực diễn ra lễ hội để cổ vũ cho các đội đua. Hội đua thuyền không chỉ thu hút nhân dân trong vùng mà rất nhiều du khách từ nhiều tỉnh, thành phố về tham dự. Mỗi đội đua có 17 tay chèo, đều là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh và được tập luyện nhiều ngày trước đó. Trống lệnh nổi lên, thuyền đua xé nước lao đi trong tiếng reo hò của hàng nghìn người làm vang động cả một vùng biển. Theo những người dân trong làng, thuyền đua của đội nào về đích đầu tiên thì năm đó, người dân xã đó sẽ gặp nhiều may mắn, xóm làng bình yên, làm ăn thuận lợi.
Một lễ hội khác không kém phần sôi động của ngư dân miền biển Hải Phòng là lễ hội chèo bơi ở thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy. Hội chèo bơi không có ngày cố định mà căn cứ vào ngày con nước dừng (nước không lên, không xuống) trong tháng Giêng, dân làng lại hội tụ ở đình làng đề tổ chức rước xách, cầu nguyện, rồi mở hội chèo bơi. Tham gia lễ hội, mỗi xóm trong thôn cử ra một đội bơi thuyền gồm 13 trai tráng khỏe mạnh, có kinh nghiệm đi biển. Trống hội nổi lên, các thuyền đua lao vút ra biển trong tiếng reo hò, cổ vũ...
Dịp đầu xuân hàng năm, cũng như mọi miền quê khác người dân Hải Phòng tổ chức hàng trăm lễ hội lớn nhỏ. Với đặc trưng là người miền biển, những lễ hội ở Hải Phòng luôn mang hơi thở của biển với những phần lễ thờ những vị thần biển và phần hội là những cuộc thi, trò chơi gắn với công việc thường ngày của ngư dân.
Hương Giang
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Vùng 3: Giao nhiệm vụ cho lực lượng tham liên hoan nghệ thuật quần chúng - ( 23-11-24 01:00 )
- Lữ đoàn 162 tham gia thử thách chạy bộ “Higreen – Vì Trường Sa xanh” - ( 23-11-24 01:00 )
- Tiểu đoàn 158 tổ chức giao hữu thể thao - ( 22-11-24 08:00 )
- Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 682 tham gia thử thách chạy bộ “Higreen – Vì Trường Sa xanh” - ( 21-11-24 09:00 )
- Bế mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 - ( 20-11-24 10:00 )