Mùa xuân trên những con tàu vươn khơi
HQ Online -
Ngày Xuân ở vùng biển miền Trung, mỗi nơi một phong tục khác nhau trong lễ hội mở biển. Có nơi, sau khi làm lễ nhúng nước lưới đầu năm, tàu cá mới được xuất hành đi đánh bắt, nhưng cũng có nơi, bà con ngư dân xuyên Tết trên những con tàu, gửi niềm khát khao mẻ lưới ngày Xuân sẽ đong đầy lộc biển, là điềm hên cho làng chài trong mùa biển mới.
Xuân vươn khơi
Mất ngày Tết, thì mọi nhà náo nức chung vui “nâng lên đặt xuống”, đầu Xuân mới tiến hành mở biển. Nhưng rồi không phải làng chài nào, ngư dân nào cũng có được niềm vui như vậy. Ở một số làng chài như cửa biển Gianh, tỉnh Quảng Bình, vài năm trở lại đây, ngư dân chấp nhận cùng bạn chài bám biển luôn trong ngày Xuân. Thuyền trưởng Lê Hồng Lưu cho biết, hồi trước, đi biển thì Tết nghỉ, nhưng vừa rồi, một số tàu đánh cá được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP phải đi xuyên Tết. Vị thuyền trưởng này không nói lý do vì sao họ mưu sinh cả trong ngày Xuân, nhưng bà con ở làng chài thì chia sẻ việc tàu 67 do vay vốn lớn thì càng phải làm việc vất vả ngày đêm thì mới sớm hoàn tiền gốc, trả lãi vay.
Đoàn tàu cá làm lễ xuất hành đầu Xuân mới ở cửa biển Sa Kỳ
Có một làng chài mấy chục năm rồi vẫn giữ tập quán “ngày Tết ra khơi ở lại ngoài đảo, bám biển, đánh cá chuồn”. Đó là bà con ngư dân ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Năm nào tôi cũng có cuộc hẹn với người nhà các ngư dân để xuống cửa biển Sa Kỳ đón một chiếc tàu trở về. Tàu đi đánh cá chuồn ở Hoàng Sa xuyên Tết có vài điều khác biệt so với tàu đánh bắt trong ngày thường. Khi con tàu cập bến, vợ các ngư dân đã chờ sẵn, có người dắt theo con nhỏ, phiên biển kéo dài hơn 20 ngày, nhưng sao mà giống như một chuyến đi xa lắm, giờ mới quay về!
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá ở xã Bình Châu cho biết, cứ Tết là mùa vụ chính của nghề cá chuồn cồ, ngư dân ở địa phương ra khơi bám biển và trở về ăn Tết muộn, sau đó, địa phương tổ chức Lễ ra quân đánh bắt đầu năm mới. Thuyền trưởng Phạm Hồng Vũ, có cha là thuyền trưởng Phạm Mạnh, từng mở biển ra Hoàng Sa làm nghề cá chuồn từ năm 1989 tâm sự: “Tết thì ai cũng muốn ở nhà với gia đình, nhưng vì mưu sinh và Tết là mùa làm ăn chính, nên anh em vẫn phải ra khơi đánh cá. Sau Tết, chúng tôi mới trở về sum họp với gia đình, sau mùng 10 Tết thì lại tiếp tục ra biển”.
Cá chuồn ở quần đảo Hoàng Sa gọi là chuồn cồ, to như cổ tay, da láng và xanh mượt. Loại cá này thường xuất hiện vào dịp cuối năm và luồng cá xuất hiện quanh các gò san hô ở Hoàng Sa. Đó là nơi mà không phải ngư dân ở làng chài nào cũng có gan dám tới gần để đánh bắt. Ngư dân Phạm Quang cho biết, 15 năm trước, mỗi ngày, anh kéo lưới có thể kiếm được gần 1 tấn cá chuồn, nhưng giờ chỉ thu được vài trăm kg/mẻ lưới, mỗi phiên đánh được 5-7 tấn cá. Tuy nhiên, do giá cá tăng cao nên thu nhập của mỗi ngư dân cũng được khoảng 10 triệu đồng/phiên.
Các thuyền trưởng Nguyễn Văn Leo, Nguyễn Can, Trần Trung kể chuyện giờ phút giao thừa ở quần đảo Hoàng Sa là khoảnh khắc sum vầy. Cứ chiều 30 Tết, các ngư dân trên tàu chia nhau vừa đánh lưới, vừa làm gà và sắp mâm cúng. Bó giấy tiền để hóa vàng trên tàu lúc nào cũng có sẵn, nhưng trong ngày Xuân thì xấp giấy dày hơn và dường như phảng phất mùi hương gần gũi của quê nhà. Mâm cúng có đầy đủ hoa quả, vài lon bia, thuyền trưởng hào phóng thì chuẩn bị phong bao lì xì cho anh em ngư dân đi bạn mỗi người 100.000 đồng.
Lời nguyền bám biển
Trong ngày Xuân, những chiếc tàu đánh cá vừa treo cờ ngũ sắc, vừa treo cờ Tổ quốc. Đi dọc theo các làng chài từ cửa biển Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định về đến Quảng Ngãi, nơi nào tôi cũng thấy tấp nập không khí Xuân trên những con tàu vươn khơi bám biển và trong những ngôi đình nằm ở góc làng chài thờ một loại cá mà vua Gia Long từng tặng sắc phong là Thần Nam Hải Đại tướng quân (vì thường xuất hiện khi ngư dân bị nạn trên biển).
Ngư dân vạn chài Hải Ninh ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi biểu diễn điệu múa bả trạo trước giờ xuất hành đầu Xuân
Lùi lại 10 năm về trước, các ngư dân luôn nhắc đến cá ông, Thần Nam Hải Đại tướng quân như một niềm an ủi, tìm sự níu giữ trong tâm tưởng khi lên tàu theo những chuyến đi xa. Nhưng giờ đây, khi ngư dân đã sắm tàu to, máy lớn, thì họ lại bàn nhiều hơn về các thiết bị điện tử gắn trên tàu (máy định dạng, giám sát hành trình, máy phát sóng AIS trên tàu và gắn dưới từng chiếc thúng). Và đây chính là vị “thần” mang lại điều may mắn khi tàu hành trình trong đêm tối, thời tiết xấu và tầm quan sát hạn chế.
Ở cửa biển Cổ Lũy, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, lễ tục trong ngày Xuân được bà con ở vạn chài Mỹ Tân tổ chức khá nghiêm trang. Hai chiếc thuyền xuất bến kèm theo biểu ngữ “Lễ ra quân đánh bắt đầu năm bảo vệ chủ quyền biển, đảo; Lễ giỗ Thần Nam Hải Đại tướng quân”.
Ông Nguyễn Hữu Ngọt, Vạn trưởng và cũng là cán bộ phụ trách vạn chài nói giọng trầm ngâm, hồi ức về mấy chục năm mưu sinh, có vui, có buồn của làng chài, với hàng ngàn ngư dân bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, rằng: “Nhà nước hiện nay đã đầu tư cho bà con vạn chài nhiều tàu công suất lớn, nhưng nghề câu mực khơi vẫn là nghề nguy hiểm, nên lễ ra quân để tạo ra khí thế cho làng chài, cộng với việc giỗ Thần Nam Hải để vợ con ngư dân ở nhà có cảm giác bình an, tiễn chồng ngày Xuân theo tàu trở lại với biển”.
Trong những lời nguyện cầu đầu Xuân ở làng chài, tôi ấn tượng nhất là những lời “gan ruột” tận đáy lòng của ông Nguyễn Minh Phụng, tại vạn chài Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Phụng nhắc đi nhắc lại lời nguyện cầu của mình hướng về chủ quyền biển, đảo; cầu chúc cho mỗi con tàu ra khơi thường xuyên bám giữ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi mà các thế hệ cha ông đã ngã xuống để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Lê Văn Chương
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Học viện Hải quân: Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân xã Khánh Trung - ( 30-11-24 07:00 )
- Đoàn công tác Nhà máy Đạm Phú Mỹ thăm, giao lưu tại Lữ đoàn 162 - ( 30-11-24 07:00 )
- Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn bàn giao nhà tình nghĩa tại tỉnh Bình Định - ( 30-11-24 07:00 )
- Học viện Hải quân tham gia Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lê nin - ( 29-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 83 đối thoại dân chủ với cán bộ, chiến sĩ - ( 28-11-24 08:00 )