Mênh mang biển và mẹ

HQVN -

Mẹ sinh ra tôi trên dải đất hẹp nhất Tổ quốc, nơi có những cồn cát nối nhau không dứt, đầy nắng, đầy gió. Cửa sông tháng Tư sóng chừng đã lặng, đêm mặn mòi gió biển đưa tiếng oa oa của tôi bay xa. Mẹ kể, khi lọt lòng, tôi nín lặng mấy giây, sau đó bị bố phát mấy cái vào mông mới khóc vang nhà...

Minh họa: QUANG CƯỜNG

Biển gần bên ngôi nhà tranh của bố mẹ tôi-ngôi nhà có các cột lim đen bóng nằm giữa khu vườn hoa bầu nở trắng, hoa bí đơm vàng, những trái ớt mọi bé xíu chỉa chi chít lên trời và hàng xoan rập rờn chùm mây tím thoang thoảng thơm vào giữa xuân. Cây xoan, thân thì đắng mà hoa lại có mùi thơm dịu ngọt, nghĩ cũng lạ. Xa xa, phía sau ngôi nhà chưa đến năm mươi cây số là Trường Sơn trùng điệp, nơi khởi nguồn của dòng Linh Giang, con sông “mạ” (mẹ) quê tôi. Nguồn sông là mẹ. "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Tôi nghĩ, sông cũng là mẹ. Biển, không thể nào khác, cũng là mẹ. Mẹ của tôi và mẹ của chúng ta.

Bên thềm sóng, ngôi nhà nhìn ra biển, mỗi sớm tôi thấy mặt trời nhô lên từ đó, nơi mây nước mênh mang có nhiều cánh buồm như những mầm cây nhấp nhô. Nối trùng điệp với mênh mang chính là con sông thiêng mang tên Linh Giang đi qua làng tôi trước khi góp nước vào biển Việt. Nghe đâu từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, chia giang sơn thành Đàng Ngoài-Đàng Trong, người ta bắt đầu gọi là sông Gianh cho đến bây giờ, nhưng tôi vẫn muốn, rất muốn gọi tên sông là Linh Giang như tiền nhân đã đặt.

Tôi thấy mình hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên trên một vùng đất có núi cao, biển rộng và những cánh đồng van vát. Đi đâu, về đâu tôi vẫn thấy trong mình luôn có Trường Sơn và biển Việt như có mẹ là khúc đồng hành mẫu tử lâu bền nhất, sâu sắc nhất trên cõi đời này. Nhiều câu thơ mà người lính cầm bút là tôi viết nên cũng từ tâm thức đó: "Sau lưng núi cao, trước mặt biển sâu/ mẹ hát bằng cây, mẹ ru bằng sóng/ mẹ mượn đèo Ngang buộc một đầu guốc võng/ cột gỗ nhà ta, một đầu võng kẽo cà"...

Biển. Mẹ. Có mối liên hệ nào đây mà trong tâm tưởng của tôi thấy quá ư gần gũi và tràn ngập yêu thương. Có phải trong tôi, biển và mẹ cũng chính là Tổ quốc. Biển, đảo Tổ quốc tôi. Mẹ Tổ quốc tôi. Đó là cái thiêng liêng nhất, quý giá nhất trong lòng tôi, trong mọi người Việt Nam mà không có gì, không thể nào thay thế được. Tôi hằng tin điều đó như tin vào sự trường tồn của Tổ quốc, như không bao giờ nghĩ khác đi biển là quá khứ, là hiện tại và tương lai của dân tộc này.

Với tôi, thì giản dị hơn khi nghĩ về bao la, chẳng có gì thân thuộc hơn là mẹ và biển. Một người mẹ tảo tần chất phác, áo nâu, nón lá, chân đất, có lòng yêu thương bao la như biển cả. Mẹ, người ta có thể lấy nhiều hình ảnh để so sánh, nhưng với tôi, biển cả là xứng đáng nhất. Dẫu rằng người mẹ Việt Nam thường bé nhỏ và mỏng mai, trong khi biển cả lại bát ngát rộng dài dường kia.

Phải chăng, cả mẹ và biển đều có phẩm chất “cho nhiều hơn nhận”; cho yêu thương để nhận hạnh phúc. Hạnh phúc của mẹ là yêu thương. Yêu thương càng nhiều, hạnh phúc càng lớn. Biển cũng thế, cho con người những gì mình có mà không cần so đo, tính toán thiệt hơn. Cả mẹ và biển đều mang khát vọng cuộc sống ngày càng tốt lành thêm.

Tôi đã có những chuyến ra khơi vô cùng ý nghĩa. Ra biển, tôi càng hiểu hơn, yêu hơn đất nước mình. Chẳng phải ngẫu nhiên đâu khi ông cha ta mặc định mình là con Rồng, cháu Tiên. Cái bọc trăm trứng huyền tích của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân là cách lý giải phi thường về cội nguồn thiêng liêng, cũng là để bày tỏ một minh triết sống đầy tính nhân văn: "Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Từ nghĩa “đồng bào” sâu xa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết thành chân lý: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công". Dựng nước hay giữ nước đều cần đoàn kết cả; khi chống giặc ngoại xâm thì "Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" như Ức Trai Nguyễn Trãi viết trong “Bình Ngô đại cáo”; hết chiến tranh cũng phải chung sức, chung lòng "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình" như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từng khuyên dặn.

Chiến tranh hay hòa bình, đánh giặc hay dựng xây cũng đều phải lấy rừng, biển làm điểm tựa và lòng yêu thương, vị tha của mẹ làm nền tảng tinh thần đạo đức. Nghĩa là, lấy nhân đức làm cốt lõi giá trị luân lý của mỗi người nói riêng và dân tộc nói chung. Khi nhân đức trở thành giá trị đạo đức phổ quát trong xã hội thì dân sẽ yên, nước sẽ vững, một giang sơn “xanh-sạch-đẹp” theo nhiều nghĩa sẽ là nơi đáng sống của người Việt, cũng là điểm hấp dẫn bạn bè trên thế giới. Ra biển, tôi đã nhận được những bài học cần thiết và quý giá trên những hải trình.

Cảm ơn mẹ Việt Nam đã sinh ra những người con giàu lòng yêu quê hương, đất nước. Và sự hiến dâng, hy sinh nào cũng khởi nguyên từ đó. Để có một giang sơn như hôm nay, dân tộc mình đã đổ biết bao mồ hôi và máu. Thời nào cũng có những người con của mẹ Việt Nam dâng hiến, hy sinh cho biển trời, sông núi Tổ quốc này. Sự dâng hiến, hy sinh nói bao nhiêu cũng không hết. Đất nước mang hình dáng của một người mẹ mặc áo bà ba, đội nón, chân đất trông ra Biển Đông.

Cái nhìn của mẹ vời vợi bao la, tỏa âu yếm yêu thương lên từng con sóng, hòn đảo. Hơn một triệu cây số vuông biển và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa của mẹ. Cái nhìn của mẹ không bao giờ lịm tắt, bởi mênh mang Tổ quốc là chủ quyền của dân tộc Việt Nam như “sách Trời” đã định.

Là người Việt, ai chẳng khắc ghi trong lòng những câu thơ có từ thế kỷ 11 này: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" (Lý Thường Kiệt). Tôi muốn kể với mẹ rằng: “Mẹ ạ, trên các đảo ở Trường Sa, con đã thấy bài thơ này. Bài thơ Thần được khắc trên đá như những lời thề yêu nước, như bài ca bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng”.

Những đứa con đang trấn giữ biển, đảo đất nước mang rất nhiều phẩm tính cao đẹp của mẹ. Mỗi hòn đảo như một ngôi làng Việt thân thương luôn hiển hiện bóng hình mẹ. May mắn cho tôi được hai lần ra Trường Sa để cảm nhận ở chiều sâu những điều vừa nói. Hình như ở đâu cũng thấp thoáng lời ru của mẹ. "Biển/ hạ thủy những giấc mơ đầu tiên/ những khát khao giong buồm vượt sóng/ lấm láp bơi trên thời gian thăm thẳm/ sấp ngửa/ ru nhau/ mặn muối/ cay gừng/ À ơ.../ muối mặn gừng cay/ một nửa ca dao đất nước tôi là biển/ thủy triều vơi đầy lục bát/ những hải lưu sáu tám chở vui buồn...". 

Trên các làng đảo Trường Sa, tôi thấy những người lính, những người dân gieo mùa màng trong muôn vàn khắc nghiệt. Mỗi năm thường có bảy, tám tháng biển không yên. Những người con bám biển học sự can trường của mẹ Việt, đi qua sương gió bão dông, vượt lên đạn bom giặc giã để tồn tại như không thể mất. Bám khơi bất chấp những rình rập hiểm nguy, không chỉ để mưu sinh mà còn để khẳng định chủ quyền đất nước. Bám đảo như một cách gìn giữ văn hóa dân tộc, những giá trị cốt lõi được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước bi tráng.

Tôi rưng rưng khi thấy Trường Sa ngày thêm xanh-sạch-đẹp hơn dưới bàn tay của những người lính “mặt trẻ tóc già”. Sở dĩ tôi nói lính Trường Sa “mặt trẻ tóc già” vì họ phần lớn còn rất trẻ, trẻ như là con cháu, cùng lắm là em út của tôi nhưng tóc đã lấm tấm bạc. Bạc bởi nắng gió quá dữ dội ở Trường Sa. Nhiều cơn bão, siêu bão trước khi đổ bộ vào đất liền đều đi qua Trường Sa. Thế mà, rau vẫn xanh, rau muống, rau cải, rau dền... mơn mởn; cây vẫn xanh, cây bàng vuông, cây phong ba, cây dừa, cây sứ... in vết sẹo bão... tỏa bóng mát. Rồi lợn, gà, chó, vịt, chim... cứ ủn ỉn, ó o, cục tác, gâu gâu, cạc cạc, líu lo mỗi ngày theo nhịp sống hải đảo.

Và, làm sao không nhớ được những làn điệu dân ca của châu thổ sông Hồng, châu thổ sông Cửu Long mênh mông, của gập ghềnh sông núi miền Trung... Chẳng có gì là không mang âm hưởng mẹ Việt Nam. Làng ta đấy! Thong thả tiếng chuông chùa. Trong trẻo tiếng trẻ đọc bài. Tiếng trăng vằng vặc giữa trùng khơi. Tiếng hoàng hôn rực rỡ phía đất liền vọng về quần đảo. Bánh chưng, bánh giầy có từ thuở vua đi cày, dân đi cấy vẫn còn dẻo thơm mỗi độ Tết về. Làng ta đấy!

Và nói đến làng là nói đến mẹ. Lòng mẹ bao la không chỉ dành riêng cho mỗi đứa con người mang nặng đẻ đau, mà còn tỏa che đất nước. Khi ra biển, ta thấy gần và thấy rõ mẹ hơn, một người mẹ vĩnh hằng mang dấu vết quá khứ, sự sinh động hiện tại và dự cảm tốt lành của tương lai. Mẹ bao giờ cũng là câu chuyện cổ tích có hậu mang khát vọng tốt lành của con người như biển chính là tương lai tươi sáng của dân tộc ta vậy.

Mênh mang biển và mẹ. Mênh mang Tổ quốc tôi. Mãi mãi dạt dào âm hưởng mùa xuân.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn