Ký sự: Đối diện với tử thần

HQVN -

Dùng bộ đồ sửa xe đạp để tháo gỡ thủy lôi hiện đại của Đế quốc Mỹ. Chuyện này mới nghe “đến ta cũng chẳng tin nữa là Tây”? Sau đó lại là dùng thanh gỗ đẽo gọt để tháo ốc vít bom từ trường? Nhưng chính ông Trương Thế Hùng, nguyên Đội trưởng Đội 8 Công binh Hải quân đã làm được điều như vậy.

 
Quả thủy lôi MK-50 đầu tiên được tháo gỡ và “bảo vật” tháo gỡ của ông Trương Thế Hùng. 1, 2 là cờ lê tháo ốc 8 cạnh nổi cho lần tháo quả thủy lôi đầu tiên, .2-3 là vít chế từ chốt đai dù thủy lôi tháo ốc chìm 8 cạnh cho lần tháo thủy lôi địch cải tiến sau này.
 
Ngày 26-2-1967, địch bắt đầu thả thủy lôi phong tỏa 4 cửa sông ở Bắc Khu 4. Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho Đội 8 Công binh Hải quân cử một tổ vào nghiên cứu chiến trường và làm tiền trạm. Được tin Công binh Quảng Bình đã tìm được 2 quả thủy lôi và đưa ra Nghệ An, tổ cấp tốc đến đó. Không có dụng cụ chuyên dùng nhưng trước yêu cầu phải nhanh chóng tìm ra tính năng, tác dụng thủy lôi của địch để có giải pháp rà phá, ông Trương Thế Hùng, ông Trần Thanh Hoài và ông Đào Kỳ đã chấp nhận tháo gỡ thủy lôi bằng dụng cụ sửa chữa xe đạp. Sau một ngày đầy căng thẳng, vất vả, 2 quả thủy lôi đã bị 3 người khuất phục.
 
Từ đồ nghề sửa xe đạp
 
Đó là 2 quả thủy lôi MK-50, MK-52. Gọi là liều thì có liều thật nhưng đấy là liều có cơ sở - ông Hùng vừa cười vừa thủng thẳng nói - nó không chịu áp lực nước là đang ở trạng thái bình thường, nó cũng không bị kích nổ trên ô tô đưa từ Quảng Bình ra thì sợ gì dùng cờ lê, mỏ lết? Tôi đã được ông “bổ túc” như vậy trên đường chúng tôi đến thăm nhà ông Trần Thanh Hoài.
 
Vậy hồi các ông học ở Trung Quốc và hồi các chuyên gia Liên Xô (cũ) sang Việt Nam, các ông không có dụng cụ chuyên dùng sao? Tôi hỏi.
 
Không hề có. Chỉ sau khi 3 chúng tôi tháo gỡ được các ốc nổi 8 cạnh của 2 quả thủy lôi đó, các nhà máy của Hải quân mới chế tạo ra các dụng tháo gỡ bằng hợp kim khác tránh bị nhiễm từ.
Và đó là dụng cụ để tháo gỡ thủy lôi sau này? Tôi lại hỏi ông.
 
Cũng không phải thế vì khi kẻ thù biết ta đã tháo được thủy lôi, những quả thủy lôi thả sau đó chúng đã chuyển sang các loại ốc chìm. Vì là ốc chìm nên khi đưa vít chế bằng đồng vào tháo, các cạnh ốc thép sẽ bào mòn hết cạnh vít đồng làm cho vít tròn đi mà không vặn được. Trong lúc còn đang mày mò nghĩ cách thì anh em chúng tôi tìm thấy các chốt dai dù của thủy lôi bị văng ra gần đó. Các chốt này được chế tạo bằng hợp kim nhôm cứng có khả năng dùng làm vít tháo. Thế là chúng tôi dùng giũa để giũa thành 8 cạnh bằng đúng kích cỡ các ốc chìm để đưa vào tháo và việc này đã thành công.
 
Thế là “gậy ông đập lưng ông”, những cán bộ, chiến sỹ Đội 8 Công binh Hải quân đã được các nhà chế tạo vũ khí Mỹ “cho không” một công cụ tháo ốc chìm của thủy lôi vừa nhanh, vừa an toàn, vừa hiệu quả.
 
Đến thanh gỗ tháo ốc vít bom từ trường
 
Sau lần phối hợp tháo gỡ thành công 2 quả thủy lôi MK-50, MK-52 đầu năm 1967, ông Hoài lại tiếp tục cùng với ông Hùng, ông Đào Ngọc Tấn tháo gỡ thành công bom từ trường, một loại vũ khí mới của kẻ thù thả xuống khu vực bến phà An Dương, Hải Phòng cuối năm 1968. Đó là loại bom từ trường DST-36 mang đầu nổ MK-42.
 
Để tháo gỡ được quả bom từ trường này thì không thể dùng các dụng cụ đã nói ở trên. Ông Hùng đã mày mò tìm các thanh gỗ tốt rồi đẽo gọt một đầu sao cho vừa với các ốc chìm trên thân quả bom rồi vặn tháo. Quả là một kỳ công. Dĩ nhiên đó chỉ là lần đầu tiên bởi khi ta đã tìm ra nguyên lý, cấu tạo của chúng rồi thì cũng là đã tìm được cách để dò tìm và kích nổ chúng theo ý muốn.
 
Câu chuyện về sự căng thẳng, hiểm nguy, cận kề sinh tử của các ông khi tháo gỡ thủy lôi, bom từ trường đã được nhiều báo khác đăng rồi nên tôi không kể nữa mà chỉ xin đưa ra đây một dẫn chứng khác. Đó là câu trả lời trung thực của các ông khi nghĩ lại những giờ phút ấy. 
 
Tất nhiên, trong các quả thủy lôi ấy có thể có bẫy tháo hoặc sẽ tự nổ thì mình không thể nào khắc phục được. Do đó, tôi đã xác định tinh thần sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Đó là câu trả lời của ông Hùng.
 
Còn ông Trần Thanh Hoài thì bày tỏ: “Đứng trước thực tại như thế mình cũng lo chứ. Có điều là nếu mình không làm thì người khác cũng làm. Mà như thế mình lại phải hỏi là tại sao người khác làm được mà mình không làm được? Tôi cho mình phải làm được cái việc đó”.
 
Và những đánh giá khách quan
 
40 năm đã qua đi nhưng mỗi khi gặp lại nhau, những người tháo gỡ những quả thủy lôi đầu tiên ấy vẫn không vơi đi niềm tự hào, xúc động. Với những người như ông Hùng, ông Hoài… - các ông đều cho rằng mình là người may mắn bởi còn sống sau khi đối mặt với tử thần.
 
 
Ông Hùng (bên trái ảnh) và ông Hoài (ở giữa) xem lại tấm ảnh tháo gỡ quả thủy lôi đầu tiên của mình ở Nam Đàn (Nghệ An).
Ngay các chuyên gia thuỷ lôi của Trung Quốc và Liên Xô cũ, những người thầy trực tiếp giảng dạy các ông về cấu tạo, tính năng kỹ chiến thuật và nguyên lý hoạt động của thuỷ lôi cũng đã phải nói: "Trong chiến tranh thế giới thứ 2, nhiều chiến sĩ Công binh của Liên Xô đã phải hy sinh tính mạng mới giúp được đồng đội tháo gỡ để tìm ra bí mật của thuỷ lôi Đức".
 
Chiến tranh chống Mỹ, chống các loại vũ khí tối tân, hiện đại của chúng là cuộc chiến tranh của toàn dân. Các sáng kiến, sáng chế tháo gỡ thủy lôi, bom từ trường thời kỳ này quả thật hết sức thô sơ, đơn giản nhưng những sản phẩm từ những suy luận hết sức “nông dân” ấy đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Chắc không một chuyên gia vũ khí Mỹ nào hồi đó lại có thể nghĩ rằng những người lính Công binh Hải quân chân trần vào trận, quần đùi áo lót nhuộm bùn đất này có thể chiến thắng họ bằng “công nghệ tay trần với dao tông”.
 
Và tôi tự hỏi nếu các ông thất bại ngay trong trận đầu cân não ấy, nếu không có những người lính Đội 8 Công binh Hải quân kiên cường ấy thì bao nhiêu con người, bao nhiêu lực lượng sau đó mới có thể tìm ra kế sách chống lại thủy lôi và bom từ trường của địch. Mà khi đó, chỉ sớm một ngày khai thông luồng lạch là sớm một ngày miền Bắc đón nhận sự chi viện của bạn bè quốc tế; là sớm một ngày cả miền Nam có thêm chi viện để đủ sức đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào. 
 
NGUYỄN VĂN TOÀN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn