Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (1). Đó là con đường Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), bởi theo Người: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật” (2). Con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc và triệt để. Cuộc cách mạng đó không chỉ giải phóng giai cấp, mà gắn liền với nó là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội.

Sau khi tìm được đường lối cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc chủ trương đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản. Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng xác định đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản" (3). Như vậy, mục tiêu chiến lược được nêu ra trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng đã làm rõ nội dung của cách mạng thuộc địa nằm trong phạm trù của cách mạng vô sản, chính là làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên CNXH. Giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội gắn liền mật thiết với nhau thể hiện ở mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám (1939-1945), khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, nhân dân Việt Nam và Đông Dương đứng trước nguy cơ tồn vong dưới sự cai trị của thực dân Pháp và quân phiệt Nhật. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 8 do lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì (5-1941), khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (4). Khi thời cơ khởi nghĩa (8-1945) đã đến, Người chỉ rõ: "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Trong "Tuyên ngôn độc lập" đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một chân lý mới có ý nghĩa thời đại: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập” (5). Với "Tuyên ngôn độc lập", Hồ Chí Minh đã tuyên bố với toàn thế giới về quyền độc lập dân tộc và quyền dân tộc tự quyết của dân tộc Việt Nam. Trong đó, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ vừa là tiền đề, vừa là điều kiện tiên quyết của chế độ dân chủ, tạo tiền đề để Việt Nam xây dựng một chế độ mới, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, thù trong, giặc ngoài âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, hòng áp đặt ách cai trị dân tộc ta một lần nữa. Trước tình thế hiểm nghèo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta cùng một lúc chống 3 thứ giặc: “Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Khôn khéo, linh hoạt, Người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm nguy “ngàn cân treo sợi tóc”, tranh thủ thời gian xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ.

Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Người khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”; đồng thời, chủ trương đẩy mạnh kháng chiến và kiến quốc. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã thức tỉnh chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là ánh sáng soi đường, truyền cảm hứng cho nhân dân ta quyết tâm chiến đấu, hy sinh bảo vệ thành quả cách mạng, làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.

Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta bước vào thời kỳ cách mạng mới, cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Tại miền Bắc, trong bối cảnh quá độ lên CNXH với điểm xuất phát thấp, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên CNXH, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: Quá độ lên CNXH trong điều kiện nước ta phải làm dần dần, từng bước, không chủ quan, nóng vội; phải biết tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa anh em; tìm tòi, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để tìm ra cách thức, bước đi phù hợp với thời kỳ quá độ lên CNXH. Phải luôn xuất phát từ điều kiện thực tiễn của đất nước, tôn trọng quy luật khách quan, tránh chủ quan, nóng vội, giáo điều, dập khuôn, máy móc. Người cho rằng, thắng thực dân, đế quốc đã khó, nhưng thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều. Xây dựng xã hội mới là một cuộc chiến đấu khổng lồ, để giành thắng lợi, phải dựa vào lực lượng toàn dân, động viên, tổ chức, phát huy được sức mạnh vĩ đại của toàn dân.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc. Năm 1966, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (6). Chân lý mà Người nêu ra trở thành lẽ sống, phương châm hành động của các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Nhờ vậy, đã khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước triệu người như một sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, với tinh thần: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Sự đồng lòng của cả dân tộc đã làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non song về một mối, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc-kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên CNXH. Nguồn cội của mọi thắng lợi vĩ đại đó là do Đảng luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Trong quá trình lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi mục tiêu đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc, tự do của đồng bào là lẽ sống của mình. Quyền độc lập dân tộc không tách rời quyền con người và độc lập là điều kiện tiên quyết để đem lại hạnh phúc cho mỗi người dân. Đồng thời, độc lập dân tộc còn là điều kiện để dân tộc Việt Nam được quyền sống bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới và các dân tộc trong nước được chung sống bên nhau một cách bình đẳng, hòa thuận và cùng nhau đi tới cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Sau khi giành được độc lập dân tộc phải đưa đất nước tiến lên xây dựng CNXH, nhằm giải phóng con người, giải phóng xã hội, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu, vươn tới cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người, mọi dân tộc.

Theo quan niệm của Người, giải quyết vấn đề dân tộc trong cách mạng Việt Nam nếu chỉ dừng lại ở cuộc đấu tranh để giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân thì sự nghiệp cách mạng đó mới chỉ đi được một chặng đường ngắn mà thôi. Bởi theo Người: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Do thấu hiểu cảnh sống nô lệ, lầm than, đói rét và tủi nhục của nhân dân các dân tộc Việt Nam trong thời thực dân, phong kiến nên Người chỉ rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng là phải xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc thật sự cho tất cả mọi người. Đó là một chế độ xã hội tốt đẹp mà trong đó “Xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt" (7).

Như vậy, độc lập dân tộc và CNXH là tư tưởng lớn, xuyên suốt trong hành trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Nhờ kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, từng bước xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với mong ước của Người khi sinh thời.

                                                                                                                             Theo QĐND điện tử



----------------------------

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.30.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tr. 280.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H.1998, t.2, tr.2.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.7, tr.113.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.437.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tr.130-133.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.1, tr.11-12.