Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong hai ngày 8 và 9/11, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: Trọng Hải
Chuẩn bị khoản ngân sách bất thường để giải quyết tình huống không bình thường
Là người đầu tiên phát biểu trong phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) dành nhiều thời gian nói về công tác phòng, chống dịch kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát.
Đại biểu cho rằng, bên cạnh nỗ lực và kết quả đạt được, đại biểu cho rằng vẫn còn những lúng túng trong ứng phó khiến chúng ta phải chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đại biểu, để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới cần đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động, tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc (kết nối cung - cầu, hỗ trợ ổn định cuộc sống, tạo sinh kế, đào tạo lại tay nghề, bảo đảm an sinh xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất...).
Bởi theo đại biểu Trần Văn Khải, đây là lực lượng vừa qua bị sang chấn tinh thần, điều chưa từng xảy ra, có thể để lại di chứng lâu dài. “Đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng”, đại biểu nhấn mạnh.
Từ nhận định này, đại biểu Hà Nam đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động. Trước hết, cần chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại tìm việc trong môi trường an toàn, hỗ trợ tài chính ổn định cuộc sống, có chính sách khuyến khích người lao động và doanh nghiệp…
Nhấn mạnh hệ thống an sinh xã hội, đại biểu đề nghị bảo đảm an toàn cho người dân trong biến động về kinh tế, xã hội. Muốn vậy, Chính phủ cần có giải pháp lâu dài về nguồn lực, bảo đảm một số dịch vụ cơ bản, bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân, nhất là hệ thống y tế ở cơ sở.
Đặc biệt, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình tình huống "không bình thường", mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động bởi hỗ trợ người lao động cũng là động lực tăng trưởng của đất nước.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Trọng Hải
Xây dựng mô hình mới trong nông nghiệp
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) trình bày về khó khăn trong phát triển kinh tế nông thôn của bà con tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đất đai nông nghiệp khu vực này còn manh mún, phân tán, ảnh hưởng đến sản xuất và thu hút nông nghiệp. Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai, tạo điều kiện cho đơn vị sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Đại biểu tỉnh An Giang cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và cơ quan liên quan có chính sách, biện pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, phân bón và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho người dân giai đoạn này.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp bộ ngành liên quan, xây dựng mô hình mới, kết nối cung cầu, chuỗi cung ứng bảo đảm hiệu quả, chấm dứt tình trạng “được mùa - mất giá” mà người nông dân vẫn phải gánh chịu.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm (Quảng Bình) cũng nhấn mạnh kết quả đất nước đã cơ bản kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.
Đại biểu đề xuất một số giải pháp liên quan đến phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn bình thường mới như hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực du lịch...; triển khai các biện pháp bảo đảm du lịch an toàn...
Về lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin cho người dân; đẩy mạnh triển khai chính sách đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động; tập trung kết nối cung cầu lao động; xây dựng các nhóm tương trợ, hỗ trợ người lao động; cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ; giải quyết việc làm cho người lao động tại quê nhà,...
Nhấn mạnh "trong nguy luôn có cơ", đại biểu bày tỏ tin tưởng, trong khó khăn sẽ thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước để cả dân tộc đoàn kết cùng vượt qua thử thách khắc nghiệt trong giai đoạn này.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 602: 145 lượt tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng - ( 28-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 170: Hội nghị Quân chính năm 2024 - ( 28-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 679: Hội thi sĩ quan cấp phân đội, hội thao quân nhân QNCN - ( 27-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )