Kinh tế Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức

Với mức tăng trưởng ấn tượng 8,02% trong năm đầu tiên của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, quy mô nền kinh tế Việt Nam ngày càng được mở rộng, đạt hơn 9,51 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2022 và quy mô dân số cũng vượt ngưỡng 100 triệu dân.

Vận chuyển container xuất nhập khẩu tại cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng. (Ảnh DUY LINH)

Ngược dòng với thế giới, kinh tế Việt Nam đã có một năm phục hồi và tăng trưởng rất mạnh mẽ, vượt kỳ vọng và tiếp tục đạt những kết quả quan trọng, toàn diện ở hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP của nền kinh tế ước đạt 8,02%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Điểm sáng tăng trưởng

Dấu ấn khởi sắc của nền kinh tế thể hiện rõ nét ở tám điểm sáng tăng trưởng được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh trong báo cáo công bố tình hình kinh tế-xã hội năm 2022.

Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho nhu cầu trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh thế giới đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực.

Ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 7,8% so với năm trước, trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.

Đáng lưu ý, hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 20% so với năm trước và là mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng khá đem lại mức thặng dư thương mại 11,2 tỷ USD cho nền kinh tế.

Trong khó khăn chung về thị trường, áp lực chi phí đầu ra và khó khăn chưa từng có về tình hình tài chính, cộng đồng doanh nghiệp vẫn nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư, thể hiện ở số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng kỷ lục. Đây cũng là năm ghi nhận có mức tăng trưởng cao về vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cũng như tăng trưởng về số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động, bất chấp những khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây nhiều hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Gam màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội của năm 2022 còn có sự đóng góp rất quan trọng của kết quả kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu đề ra. Mức tăng trưởng 3,15% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 có được là nhờ Việt Nam chủ động cung ứng được nguồn lương thực, thực phẩm trong nước và quyết liệt, linh hoạt trong công tác điều tiết cung cầu và điều hành giá các mặt hàng nhập khẩu khi nguồn cung ứng thế giới có biến động mạnh, nhất là mặt hàng xăng dầu.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, quy mô nền kinh tế Việt Nam ngày càng được mở rộng, đạt hơn 9,51 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2022, quy mô dân số cũng vượt ngưỡng 100 triệu dân. “Những con số này thể hiện vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nói.

Trong tháng cuối cùng của năm 2022, các tổ chức nghiên cứu và định chế tài chính quốc tế cũng đồng loạt nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên mức cao nhất là 8,1%-8,2% với nhận định Việt Nam sẽ là nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Á-Thái Bình Dương và là điểm sáng tăng trưởng.

Chủ động vượt qua khó khăn

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi những “cơn gió ngược” đến từ tình hình bất ổn, khó lường của kinh tế thế giới và những vấn đề nội tại chưa được giải quyết.

Đầu tiên là sự sụt giảm của động lực xuất khẩu khi các đối tác thương mại lớn của Việt Nam phải “thắt lưng buộc bụng” trong thời kỳ suy giảm kinh tế và lạm phát.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng HSBC nhận định tháng 11/2022, xuất khẩu của Việt Nam đã sụt giảm lần đầu tiên trong vòng hai năm qua do nhu cầu hàng xuất khẩu của thế giới suy yếu. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, cho thấy sự hấp dẫn lâu dài của nền kinh tế nhưng Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho thời kỳ “ngủ đông” của xuất khẩu.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam lưu ý rằng năm 2022, đồng nội tệ của Việt Nam đã mất giá khoảng 9% so với đồng USD. Đó là nguy cơ làm tăng thêm lạm phát và rủi ro cho một số mặt hàng xuất khẩu do Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nhiên liệu và nguyên vật liệu làm hàng xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng đến sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời phải bảo đảm sự vận hành của hệ thống tài chính.

Những “cơn gió ngược” ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào nhận diện là điều kiện về tài chính toàn cầu đang thắt chặt hơn; xung đột Nga-Ukraine dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế và sự giảm tốc trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có tác động lớn đến nền kinh tế của các nước ASEAN.

Cùng với khi đó, tình hình trong nước cũng đối mặt với hai rủi ro đến từ khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn ngừa lạm phát và tính thanh khoản của các ngân hàng. Với những khó khăn này, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 khoảng 5,8%, vẫn là mức tăng trưởng cao so với nhiều quốc gia khác. Theo các chuyên gia kinh tế, những khó khăn, thách thức từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam sẽ còn tiếp diễn trong năm 2023, bao gồm những bất ổn của thị trường tài chính, thị trường bất động sản, tình trạng khó khăn về vốn cho sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là những yêu cầu mới đặt ra về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao tính chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài... Đánh giá đúng thực trạng của nền kinh tế và nhận diện những thách thức, xây dựng các kịch bản điều hành kinh tế-xã hội phù hợp là cách thức chủ động vượt những “cơn gió ngược”.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho năm 2023 với các định hướng lớn như giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, thúc đẩy tăng trưởng GDP 6,5%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trọng tâm điều hành sẽ tập trung thực hiện tám nhóm giải pháp lớn.

Đó là tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; phát huy cao nhất nhân tố con người; phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để tiếp tục tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng...

Nhấn mạnh đến nhóm giải pháp đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng hệ thống pháp luật phải thật sự tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất, kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đồng thời tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh và bảo vệ an toàn tài sản của doanh nghiệp và người dân...

Năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2025 với dự báo nhiều khó khăn thách thức hơn thuận lợi. Trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và những thành quả vượt trội của tăng trưởng năm 2022 cùng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế sẽ có động lực tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước như Đại hội XIII của Đảng đã thông qua.

Theo Nhân Dân điện tử

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%.

- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD.

- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%.

- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0-6,0%.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%.

- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%.

- Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ.

- Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32 giường bệnh.

- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số.

- Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn