Kiên quyết, kiên trì bảo vệ hồn cốt của dân tộc Việt Nam
Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn... Bởi vậy, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị có nhiều âm mưu, thủ đoạn để tấn công vào lĩnh vực văn hóa. Do đó, đấu tranh bảo vệ nền văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay.
1. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, soi đường dẫn lối cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, của mỗi quốc gia, dân tộc trong hành trình xây dựng và phát triển.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc. Năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra "Đề cương về văn hóa Việt Nam", trong đó chỉ rõ: "Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)"; đồng thời nêu 3 nguyên tắc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam là dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa.
Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc thế kỷ 20, văn hóa giữ nước được phát huy cao độ, lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm, đoàn kết dân tộc được nâng lên một tầm cao mới, thực sự trở thành động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã tiến hành đổi mới đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
2. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, đó là: Văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Việc tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức cũng như chưa có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách lố lăng, phản cảm, không có chọn lọc.
Biểu diễn nghệ thuật nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023). Ảnh: Thanh Tùng
Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không từ một thủ đoạn nào để tấn công vào lĩnh vực văn hóa. Ngoài việc công kích Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ra sức xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, phủ nhận giá trị các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược của dân tộc Việt Nam, đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa, làm lẫn lộn vai trò của những chiến sĩ cách mạng chân chính với những kẻ cướp nước và bè lũ bán nước. Chúng tuyên truyền cho các giá trị văn hóa phương Tây; hạ thấp giá trị các sáng tác văn học-nghệ thuật ca ngợi cuộc sống lao động, chiến đấu của quân dân ta; tán dương các tác phẩm có khuynh hướng bôi nhọ lịch sử, phủ nhận chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phẩm chất cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang...
Những biểu hiện đó có nguy cơ làm thay đổi các thang giá trị về đạo đức, lối sống trong xã hội; khơi dậy bản năng chạy theo lợi ích vật chất, cá nhân mà quên đi đạo lý, nghĩa vụ và trách nhiệm của người công dân trong một quốc gia văn minh, tiến bộ; thậm chí làm cho con người sa ngã, quay lưng lại với lịch sử truyền thống và những giá trị mang đậm cốt cách con người Việt, dân tộc Việt.
3. Để đấu tranh bảo vệ hồn cốt của dân tộc, trước hết, mỗi cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành chức năng cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa, thực hiện đúng quan điểm Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "quét sạch chủ nghĩa cá nhân", nguồn gốc của mọi sự tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng ngay trong các ngành văn hóa, các cơ quan làm công tác văn hóa. Thực hiện tốt quan điểm của Đảng là chủ động nâng cao "sức đề kháng" của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại.
Trong tình hình hiện nay, cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh bác bỏ những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc hiểm độc của các thế lực thù địch, phản động đối với nền văn hóa của dân tộc, bảo vệ vững chắc “bức tường thành văn hóa” của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Trong xã hội, cần quan tâm chú trọng lấy cái đẹp dẹp cái xấu, phát huy giá trị văn hóa giữ nước, tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý tốt đẹp của cha ông ta. Đó chính là giải pháp hữu hiệu để góp phần bảo vệ hồn cốt của dân tộc Việt Nam.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Ấn tượng triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” - ( 24-11-24 09:00 )
- Vùng 3: Giao nhiệm vụ cho lực lượng tham liên hoan nghệ thuật quần chúng - ( 23-11-24 01:00 )
- Bế mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 - ( 20-11-24 10:00 )
- Quân chủng Hải quân khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2024 - ( 18-11-24 10:00 )
- Rau càng cua - ( 17-11-24 08:00 )