Không thể phủ nhận thành quả Cách mạng Tháng Tám

HQ Online -

Cách mạng Tháng Tám 1945 (CMT8) là mốc son trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, được tất cả những người có lương tri trên thế giới thừa nhận. Vậy mà không ít kẻ vẫn đang cố tình xuyên tạc, phủ nhận giá trị và ý nghĩa lịch sử của sự kiện vĩ đại này.

Trong khi cả nước ta đang chào mừng kỷ niệm 75 năm CMT8 và Quốc khánh 2-9 thì các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại giở chiêu bài xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc. Chúng cho rằng, CMT8 là “ăn may”, “Cộng sản đã cướp công” chống phát xít của Đồng minh. Chúng quy kết CMT8 là “sai lầm lịch sử”, “đi ngược sự bảo hộ của mẫu quốc”, “nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu”, khiến cho đất nước bị tàn phá, đến nay vẫn nghèo đói, lạc hậu...

Những luận điệu sai trái và có phần “lộng ngôn” ở trên là mưu đồ của các thế lực thù địch hòng hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho nhân dân ta mất niềm tin vào Đảng và chế độ. Từ chỗ phủ nhận thành quả CMT8, chúng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, hướng lái dân tộc Việt Nam đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

Tranh cổ động của Yên Khánh

Ngược dòng lịch sử, ngay sau khi thành lập, Đảng ta đã lĩnh hội sứ mệnh cao cả trước dân tộc, tiến hành phát động và lãnh đạo hai cao trào cách mạng 1930-1931 và 1936-1939. Đây được coi là hai cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị cho CMT8.

Tháng 9-1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và phát động cao trào đấu tranh mới tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 5-1941, Trung ương Đảng xác định: Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đồng thời phát động cao trào chống Nhật cứu nước, chủ động tạo và nắm bắt thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Trước tình hình biến chuyển nhanh chóng có lợi cho cách mạng, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc, nhận định điều kiện khởi nghĩa chín muồi và cử ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc. Tiếp đó, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào quyết định chủ trương tổng khởi nghĩa và thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc (Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Nghị quyết Quốc dân Đại hội nhấn mạnh: Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được hoàn toàn độc lập.

Ngày 16-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhân dân ta nhất tề nổi dậy. Chưa đầy nửa tháng, Tổng khởi nghĩa CMT8 đã giành toàn thắng, quân Nhật đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Bộ máy thống trị thực dân, phát xít và phong kiến tay sai bị lật đổ. Chính quyền cách mạng được thiết lập trên toàn quốc.

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: Việt Nam đã trở thành nước tự do, độc lập đồng thời khai sinh ra nước Việt Nam DCCH, nay là nước CHXHCN Việt Nam.

Như vậy, thắng lợi của CMT8 không phải “từ trên trời rơi xuống” và càng không phải là sự “ăn may”, “cướp công” như các thế lực thù địch rêu rao. Mà đó là kết quả tất yếu của quá trình vận động cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh của Nhân dân Việt Nam. Thắng lợi đó khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, đặt dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là nghệ thuật khởi nghĩa từng phần, kịp thời nắm bắt và chớp thời cơ “ngàn năm có một” để tiến lên tổng khởi nghĩa giành toàn thắng.

Mặt khác, CMT8 thành công là kết quả vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, đã được Hồ Chí Minh phát biểu trong luận điểm nổi tiếng: Cách mạng ở các nước thuộc địa có thể và phải chủ động tiến lên giành thắng lợi, không thụ động chờ thắng lợi cách mạng vô sản ở chính quốc. Các dân tộc thuộc địa càng không thể xin “mẫu quốc ban ơn”, “rủ lòng thương” cho mình được độc lập. Từ quan điểm đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối cách mạng đúng đắn: Tự lực, tự cường, đem sức ta mà giải phóng cho ta. Bởi vậy, giá trị lịch sử và thời đại của CMT8 rất to lớn, ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ ở Việt Nam, mà còn thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập.

Luận điệu cho rằng CMT8 dẫn đến “hai cuộc chiến tranh đẫm máu”, kéo lùi sự phát triển của đất nước là một sự bôi nhọ lịch sử trắng trợn. CMT8 đã đập tan chế độ áp bức, bóc lột “một cổ hai tròng” của thực dân Pháp, phát xít Nhật và phong kiến tay sai, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền CNXH. Nếu không có CMT8 sẽ không có Điện Biên Phủ 1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975. Ngược lại, thành quả CMT8 sẽ không được bảo vệ và phát huy, nếu không có thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đó là những tiền đề cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế thành công, đất nước đạt “thành tựu có ý nghĩa lịch sử”, “chưa bao giờ có cơ đồ và vị thế như ngày nay”. Vì vậy, không một thế lực nào có thể phủ nhận giá trị và ý nghĩa lịch sử của CMT8!

Kao Dân

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn