Khơi nguồn đam mê sáng tạo

HQVN -

Không chỉ đạt giải cao trong các cuộc thi trong và ngoài quân đội, những nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ Vùng 2 còn ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao…

Nằm trong nhóm đơn vị có nhiều đề tài, sáng kiến ứng dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, năm 2022, Lữ đoàn 681 có hàng chục đề tài, sáng kiến tham gia hội thi các cấp. Phần lớn các sản phẩm đều do cán bộ, đoàn viên thanh niên nghiên cứu, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhằm góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và các mặt công tác khác.

Sáng kiến Phần mềm kiểm tra trắc nghiệm và mô phỏng thao tác trước khi phóng và phóng tên lửa ở chế độ độc lập, kiểm tra test của nhóm tác giả Trung úy Đàm Văn Tuấn và Trung úy Nguyễn Doãn Tú, Đội Hỏa lực phục vụ cho công tác huấn luyện. Phần mềm có khả năng giúp giáo viên huấn luyện bằng phương pháp trực quan, sát thực tiễn, đồng thời giúp kíp chỉ huy xe bệ phóng tự hành nhanh chóng làm chủ VKTBKT. Điểm nổi bật của phần mềm này là người dùng có thể dịch các từ tiếng Nga sang tiếng Việt chỉ với một động tác nhấp con trỏ vào đúng vị trí có chữ.

Ký giao ước thi đua của tuổi trẻ Trung tâm Huấn luyện Vùng 2. Ảnh: CTV

Hiện nay, sáng kiến này ứng dụng hiệu quả tại đơn vị và được đánh giá là có khả năng mô phỏng hình ảnh như thiết bị thật. Phần mềm dễ cài đặt trên máy tính tạo điều kiện cho quân nhân tận dụng thời gian rảnh để tự học tập và thực hành mà không cần phải huấn luyện tập trung. Việc sử dụng sáng kiến trong huấn luyện đã tăng thời gian tập luyện đồng thời giảm số lần thao tác trên trang thiết bị thật, góp phần kéo dài tuổi thọ của VKTBKT.

Cũng tại Lữ đoàn 681, sáng kiến Ngân hàng cơ sở dữ liệu ra đa, công cụ phân tích tham số mục tiêu thụ động của Đại úy Nguyễn Văn Tuấn và Thiếu úy Lăng Mạnh Hiệp, Trạm Thông tin có thể cài đặt trên máy tính bên ngoài để hỗ trợ trắc thủ khi trang bị chính gặp vấn đề. Mô tả về sáng kiến này, nhóm nghiên cứu cho biết: Ngân hàng dữ liệu sẽ giúp trắc thủ phán đoán, nhận định mục tiêu trên biển khi quan sát ở chế độ thụ động. Từ đó, đề xuất phương án mở chế độ ra đa chủ động để đảm bảo chống trinh sát của địch.

Còn tại Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật của Vùng, từ việc gặp nhiều khó khăn trong khai báo y tế cho quân nhân và khách ra vào đơn vị khi thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, nhóm Trung úy Trần Phú Sang, Thượng úy QNCN Hoàng Văn Phương đã kịp thời cho ra đời “Hệ thống khai báo y tế điện tử sử dụng mã QR” và được ứng hiệu quả tại đơn vị. “Khi sử dụng phần mềm, sẽ hạn chế việc tiếp xúc giữa khách đến làm việc và cán bộ trực ban. Các dữ liệu được lưu dưới dạng số hóa, dễ dàng thống kê, trích xuất báo cáo phục vụ lãnh đạo, chỉ huy nắm tình hình của đơn vị. Sáng kiến đã hỗ trợ rất hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch tại đơn vị”-Thiếu tá Nguyễn Thế Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư đoàn cơ sở Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật Vùng 2 chia sẻ.

Trong năm 2022, sáng kiến “Kiểm tra đầu tự dẫn ngư lôi phục vụ huấn luyện” cũng do Trung úy Trần Phú Sang làm trưởng nhóm đạt giải B giải thưởng Nguyễn Phan Vinh lần thứ XI. Trung úy Nguyễn Phú Sang cũng là cái tên rất quen thuộc, nhiều lần được xướng lên trong các giải thưởng nghiên cứu khoa học uy tín của Quân chủng và Quân đội. Anh cũng là thành viên tích cực trong Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học của đơn vị.

Đánh giá về ứng dụng các đề tài, sáng kiến của tuổi trẻ Vùng, Đại tá Đỗ Hồng Duyên, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2 Hải quân cho biết: Năm 2022, Vùng 2 có một số đề tài, nghiên cứu của tuổi trẻ được ứng dụng hiệu quả trong bảo đảm kỹ thuật và huấn luyện, giúp tiết kiệm thời gian, ngân sách và tăng chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Những hoạt động này đã chứng minh sức trẻ, sức sáng tạo, luôn tự tìm tòi, học hỏi cái mới của cán bộ, đoàn viên thanh niên các đơn vị.

Tuổi trẻ Lữ đoàn 167, Vùng 2 thi đua huấn luyện giỏi. Ảnh: CTV

Tuy nhiên có một thực tế, mặc dù Lữ đoàn 681 hay Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật đều là những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu khoa học nhưng tác giả của những đề tài, sáng kiến vẫn chỉ tập trung vào một nhóm, một số cá nhân tiêu biểu. Vấn đề này không riêng gì ở tuổi trẻ Vùng 2 mà theo dõi các giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Quân đội cũng như giải thưởng Nguyễn Phan Vinh cho thấy những tác giả đạt giải cao năm trước đều có mặt ở năm sau và những năm sau nữa. Có gương mặt mới xuất hiện nhưng không nhiều.

Thực tế rút ra, không phải cứ có nhiệt huyết của tuổi trẻ, có kiến thức về chuyên môn là có thể cho ra các đề tài, sáng kiến mà cần phải có sự ủng hộ của cấp ủy, chỉ huy, sự tạo điều kiện cả về môi trường, thời gian, thậm chí là cơ sở vật chất để đoàn viên, thanh niên nghiên cứu, sáng tạo. Cấp ủy, người chỉ huy không chỉ kịp thời động viên, khuyến khích mà còn mạnh dạn đưa các nghiên cứu vào ứng dụng trong hoạt động của đơn vị để vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện sản phẩm. Đây cũng là điều kiện đủ để các đề tài, sáng kiến có được sự đánh giá cao từ các hội đồng khoa học.

Khắc phục vấn đề này, Đại tá Đỗ Hồng Duyên khẳng định: Thời gian tới, Vùng sẽ đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, kịp thời khuyến khích, động viên nhằm khơi nguồn đam mê sáng tạo của đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ, gắn nghiên cứu khoa học với các phong trào của tuổi trẻ như “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội”, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo mang tên anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh”. Hoạt động nghiên cứu khoa học phải trở thành phong trào thi đua sôi nổi của mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên từng cơ quan, đơn vị để góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Mĩ Triều

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn