Hướng tới kỷ niệm 1050 Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018)

Nhà nước Đại Cồ Việt-Mốc son trong lịch sử dân tộc

HQVN -

Sau khi “dẹp loạn 12 sứ quân”, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Quốc hiệu “Đại Cồ Việt” tồn tại trong lịch sử dân tộc từ năm 968 đến năm 1054, trải qua 3 triều đại: Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) và thời kỳ đầu của nhà Lý (1009-1054). Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời, tồn tại và phát triển đã khẳng định sức mạnh của ý chí độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc.

Kỳ 1: Đinh Tiên Hoàng đặt nền móng sáng lập Nhà nước Đại Cồ Việt

Bối cảnh ra đời Nhà nước Đại Cồ Việt

Sau chiến thắng đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào cuối năm 938, Ngô Quyền xưng Vương, đặt trăm quan, định ra triều nghi phẩm phục, đóng đô ở Cổ Loa với ý nghĩa phục hồi lại quốc thống. Đây là một sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt; chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ của chính quyền phương Bắc kéo dài hơn mười thế kỷ, đồng thời mở ra một chương mới tươi sáng trong tiến trình lịch sử dân tộc-thời kỳ độc lập tự chủ. Dưới thời Vương triều Ngô, về đại thể, mô hình nhà nước vẫn còn trong tình trạng sơ khai, chưa đủ khả năng quản lý đất nước một cách chặt chẽ. Tình trạng phân tán ở các địa phương vẫn được duy trì với sự hiện diện của tầng lớp thổ hào. Đây là những thế lực vùng, sẵn sàng cát cứ, ly khai với triều đình Cổ Loa khi có điều kiện.

Năm 944, Ngô Quyền mất, triều đình rối ren. Các thổ hào, tù trưởng nổi lên khắp nơi, cát cứ chống lại chính quyền Trung ương. Sau khi các con của Ngô Quyền (Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn) chết (năm 954 và 965); đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn. Nổi lên 12 vùng đất biệt lập do 12 thủ lĩnh đứng đầu, lịch sử gọi là “Loạn 12 sứ quân”.

Lược đồ kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 981. Ảnh: TL

Cùng thời gian xuất hiện “12 sứ quân”, năm 960, ở Trung Quốc, nhà Tống thành lập, chấm dứt thời kỳ “ngũ đại thập quốc” và bắt đầu mở thế lực xuống phía Nam. Nguy cơ ngoại xâm lại xuất hiện và đe dọa. Đất nước đứng trước một thử thách lớn. Từ đất Hoa Lư (Ninh Bình), người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh đã phất cờ, tập hợp dân chúng, giải quyết vấn đề lịch sử đặt ra: “dẹp loạn 12 sứ quân”, thống nhất đất nước vào cuối năm 967.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt (tức Nước Việt to lớn), định đô ở Hoa Lư, xây dựng triều chính và quản lý đất nước. Kinh đô Hoa Lư do Vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) tổ chức xây dựng là một công trình kiến trúc lớn nhất của đất nước sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc.

Mùa xuân năm 970, Đinh Tiên Hoàng bỏ không dùng niên hiệu của nhà Tống, tự đặt niên hiệu Thái Bình. Với việc xưng đế, đặt quốc hiệu, dựng kinh đô, định niên hiệu, Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt và bắt tay vào xây dựng một mô hình nhà nước với thiết chế mới: Quân chủ Trung ương tập quyền.

Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh (968-980)

Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý đất nước từ hình thức “Vương quyền”, chuyển sang hình thức “Đế quyền”, với 3 cấp: Triều đình Trung ương-Đạo (trung gian)-Giáp, Xã (cơ sở).

Nhìn chung, bộ máy hành chính thời kỳ này là bộ máy chính quyền quân chủ thời kỳ mới độc lập, tự chủ nên còn khá sơ sài, đơn giản nhưng việc củng cố bộ máy chính quyền Nhà nước quân chủ của Đinh Tiên Hoàng đã được lịch sử ghi nhận là: “... Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ...”.

Về quân đội, cơ bản Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh là một nhà nước võ trị; quân đội đông và tương đối mạnh. Điểm nổi bật nhất trong tổ chức quân sự phòng giữ đất nước thời này là tổ chức “Thập đạo quân”, trong đó Thập đạo tướng quân là người đứng đầu quân đội; bên dưới có đạo các loại: Quân, lữ, tốt, ngũ. Quân thường trực thời Đinh bắt đầu được trang bị quân phục thống nhất, binh lính đều đội mũ “Tứ phương bình đinh” (bốn góc vuông, phía trên phẳng) bằng da. Quân túc vệ đều thích trên trán ba chữ “Thiên tử quân” để phân biệt với các loại quân khác. Quân đội được trang bị các loại bạch khí, kết hợp giữa giáo, kiếm, côn với cung, nỏ...

Nền pháp chế thời kỳ này cũng bắt đầu được để ý đến. Đinh Tiên Hoàng đã đặt chức Đô hộ phủ sĩ sư coi việc hình án-một chức quan tư pháp và giao cho Lưu Cơ giữ chức này. Mặc dù vậy, dưới chế độ võ trị, luật pháp thời Đinh còn nghiêm khắc và tùy tiện, dựa theo ý muốn của nhà vua.

Dưới thời nhà Đinh, kinh tế nông nghiệp được quan tâm. Nhà vua nắm toàn bộ ruộng đất trong nước, vừa để khẳng định quyền lực vừa để nắm lấy thần dân, thu tô thuế, bắt lính đồng thời cũng quan tâm tới việc khai hoang, lập làng, mở rộng diện tích canh tác xuống vùng đồng bằng và ven biển.

Đồng tiền đầu tiên của đất nước là Đồng Thái Bình Hưng Bảo được phát hành vào khoảng năm 970 đã thúc đẩy việc trao đổi buôn bán vật phẩm với Trung Quốc và với các thuyền buôn nước ngoài.

Đạo Phật là chỗ dựa tinh thần và có vị trí lớn trong đời sống xã hội Đại Cồ Việt cũng như trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước thời Đinh. Ở Kinh đô Hoa Lư đã xây dựng nhiều chùa chiền (chùa Tháp, chùa Bà Ngô...) và các cột kinh Phật. Nhiều nhà sư đã trở thành cố vấn cho vua Đinh về đường lối đối nội và đối ngoại.

Thời kỳ này, nhiều loại hình văn hóa dân gian đã hình thành như ca múa nhạc, một số môn xiếc đã điêu luyện được biểu diễn trên lầu Đại Văn...

Về đối ngoại, ngay khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã có một chính sách đối ngoại khéo léo, mềm dẻo để giữ gìn hòa bình cho dân tộc.

PV

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn