Hỏi-đáp về dịch Coronavirus

HQ Online -

1- Coronavirus là gì? Novel coronavirus 2019 là gì?
- Virus Corona là một họ virus lớn được tìm thấy ở cả động vật và người từ hằng trăm năm nay. Chúng gây ra các bệnh từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
- Novel Coronavirus 2019 hay 2019-nCoV, là một chủng virus đường hô hấp mới, thuộc “gia đình” vi rút corona. nCoV-2019 lần đầu tiên được xác định ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019.

2- Vài nét về nCoV-2019
Trong phân loại virus từ trước đây, đã có coronavirus như coronavirus 229E, NL63, OC43 hoặc HKU1 chuyên gây cảm lạnh và viêm đường hô hấp ở người, tuy nhiên thường chúng chỉ gây bệnh nhẹ, ít tử vong. Còn Novel coronavirus 2019 (2019-nCoV), không giống với những loại trên. Đây là chủng lần đầu tiên xuất hiện trên Thế giới. Bệnh nhân mắc 2019-nCoV cũng có biểu hiện bệnh nặng hơn đặc biệt trên nền những người có bệnh lý mạn tính như hen phế quản, bệnh lý thận-nội tiết-tim mạch hoặc người suy giảm hệ miễn dịch; những bệnh nhân nhiễm nCoV-2019 sẽ được điều trị và chăm sóc khác với những người nhiễm các loại Coronavirus khác.

3- Nguồn gốc của nCoV-2019 từ đâu?
WHO cũng như các chuyên gia y tế trên toàn Thế giới đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của 2019-nCoV. Corona là một họ virus lớn, một số gây bệnh ở người và chúng thường lưu hành giữa các loài động vật, bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Phân tích cây di truyền của virus này đang tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của nCoV-2019. SARS, một loại coronavirus khác xuất hiện để lây nhiễm cho người, đến từ cầy hương trong khi MERS, một loại coronavirus gây bệnh ở Trung Đông lại đến từ lạc đà và lần đầu ghi nhận ở Ả-rập Saudi.

4- nCoV-2019 lây lan như thế nào?
Vi-rút này ban đầu có thể xuất hiện từ nguồn động vật nhưng hiện nay đã lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Một số vi-rút rất dễ lây lan (như sởi), trong khi các vi-rút khác thì ít hơn. Tại thời điểm này, chúng ta vẫn chưa rõ loại virus này lây lan dễ dàng và bền vững giữa mọi người như thế nào.

5- nCoV-2019 có giống như virus MERS hay SARS không?
Không. 2019-nCoV tuy cùng một họ vi-rút với vi rút gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) nhưng nó không phải là cùng một loại vi-rút. Tuy nhiên, các phân tích di truyền cho thấy virus này xuất hiện từ một loại virus liên quan đến SARS. Các chuyên gia y tế đang làm việc ngày đêm để giải mã thêm về chủng vi rút mới này.

6- Dấu hiệu nào gợi ý nhiễm nCoV-2019?
Hiện nay cơ bản có những triệu chứng như viêm đường hô hấp trên 3-4 ngày (đau cổ, rát họng, hắt hơi..) rồi vi-rút này sẽ xâm nhập vào khí phế quản-phế nang gây viêm phổi (mất 5-6 ngày). Lúc này các triệu chứng lâm sàng sẽ rầm rộ như sốt cao, ho, đau tức ngực, khó thở. Các triêu chứng lúc này sẽ không giống như cảm cúm thông thường nữa mà biểu hiện một tình trạng khó thở tăng lên, suy hô hấp.

7- Chúng ta làm gì khi nghi ngờ nhiễm nCoV-2019? Chúng ta có nên chủ động test 2019-nCoV hay không?
Nếu ai đó bị sốt hoặc có các triệu chứng của bệnh hô hấp, chẳng hạn như ho hoặc khó thở, trong vòng 14 ngày sau khi đi du lịch từ Trung Quốc tiếp xúc người có nguy cơ (Khách từ Trung Quốc, người từ Trung Quốc về thời gian này, người nghi ngờ mắc nCoV-2019..) nên cách ly với mọi người sớm nhất có thể đồng thời gọi điện tới đường dây nóng Bộ Y tế 19003228 để được hướng dẫn . Ở Mỹ hiện nay chỉ có Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC có thể làm xét nghiệm xác định con vi rút này. Ở Việt Nam thì mẫu bệnh phẩm sẽ gửi về Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Số 1 phố Yec Xanh, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội (Với bệnh nhân từ Bắc Trung Bộ trở ra) và viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh-167 Pasteur, phường 8, quận 3, TP. Hồ Chí Minh (Với bệnh nhân ở Nam Trung Bộ-Tây Nguyên & Nam Bộ) để phân tích. Hiện nay thường áp dụng ngoáy họng để lấy bệnh phẩm rồi gửi đi trong ngày để phân tích, khi cần đánh giá thêm có thể xét nghiệm phân-nước tiểu.

8- nCoV-2019 tồn tại được bao lâu trên các bề mặt?
Hiện vẫn chưa biết chắc chắn virus 2019-nCoV tồn tại được bao lâu trên các bề mặt, mặc dù thông tin sơ bộ cho thấy virus có thể tồn tại trong vài giờ. Các chất khử trùng đơn giản có thể tiêu diệt virus khiến nó không còn khả năng lây nhiễm cho người.

9- Chúng ta có nguy cơ bị nhiễm nCoV-2019 từ kiện hàng hoặc bưu phẩm nguồn gốc từ Trung Quốc chuyển đến hay không?
- Ý kiến từ CDC Mỹ: Vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về nCoV-2019 cũng như cách thức chúng lây lan. Dựa vào dữ liệu thông tin từ hai loại coronavirus khác đã xuất hiện trước đây (MERS và SARS) do sức sống ngoài môi trường kém khả năng lây lan rất thấp từ các sản phẩm hoặc bao bì được vận chuyển trong một vài ngày hoặc vài tuần ở nhiệt độ môi trường. Và hiện ở Mỹ chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm nCoV-2019 từ việc tiếp xúc với hàng hoá chuyển từ Trung Quốc về.
- Ý kiến của WHO: Nó an toàn. Những người nhận hàng hoá-bưu phẩm không có nguy cơ bị nhiễm Coronavirus mới. Từ kinh nghiệm với các Coronavirus khác, chúng tôi (WHO) biết rằng các loại vi-rút này không tồn tại lâu trên các vật thể như bưu phẩm, hàng hoá gửi từ Trung Quốc về.

10- Làm thế nào để chúng ta ngăn ngừa tránh nhiễm loại vi rút này?
Hiện tại chưa có vắc-xin để ngăn ngừa nhiễm 2019-nCoV cũng như chưa có thuộc chữa trị đặc hiệu. Cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm là tránh tiếp xúc với vi-rút này. Nội dung cụ thể bao gồm:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh; trước khi ăn; sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi. Nếu xà phòng và nước không có sẵn, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn với ít nhất 60% cồn. Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước nếu tay bẩn rõ ràng. Mang bên mình lọ sát khuẩn tay nhanh.
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch.
- Đeo khẩu trang khi ra chỗ đông người hoặc nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
- Che mũi miệng kín khi ho-hắt hơi bằng khăn giấy rồi cho chúng vào thùng rác có nắp đậy, sát khuẩn-rửa tay ngay sau đó.
- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh và duy trì khoảng cách xã hội: Duy trì khoảng cách ít nhất 1 mét (3 feet) giữa bạn và người khác, đặc biệt là những người bị ho, hắt hơi và bị sốt. Vì khi một người bị nhiễm bệnh hô hấp, như 2019-nCoV, ho hoặc hắt hơi, họ sẽ phát tác ra những giọt nhỏ nước bọt chứa virus. Nếu bạn ở quá gần, bạn có thể hít phải virus và nhiễm bệnh.
- Tập thể dục nâng cao thể trạng.
- Uống nhiều nước, giữ ấm, sử dụng những thực phẩm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể như mật ong, chanh, gừng, tỏi, sả… và những hoa quả nhiều Vitamin các loại.
- Súc miệng thường xuyên bằng những dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi đi làm về; chỗ đông người về, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy.
- Làm sạch và khử trùng các đồ vật và bề mặt thường xuyên chạm vào bằng cách sử dụng cồn hoặc chất sát khuẩn tay nhanh (Điện thoại, chùm chìa khoá, máy tính, ví, nắm đấm cửa, bàn làm việc...). Nên dùng mu tay để bấm các nút nơi công cộng, khuỷ hoặc vai để mở cánh cửa nơi công cộng hoặc dùng giấy lọt trước khi cầm nắm đấm cửa, sát khuẩn tay sau khi đi vệ sinh, sau khi thanh toán tiền.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.

11- WHO đã thay đổi lời khuyên về dự phòng nCoV-2019?
Không. WHO đã đưa ra lời khuyên cho mọi người về cách bảo vệ bản thân khỏi nhiễm trùng 2019-nCoV như đối với bất kỳ vi-rút nào lây lan qua đường hô hấp.

12- Đeo khẩu trang có thể giúp chúng ta ngăn chặn lây nhiễm nCoV-2019? Lúc nào chúng ta nên đeo khẩu trang?
Khẩu trang giúp chúng ta hạn chế được việc lây lan của nhiều bệnh về đường hô hấp, trong đó có nCoV-2019. Tuy nhiên để đảm bảo hạn chế đến mức tối đa việc lây nhiễm vi rút này, chúng ta cần thực hành tổng hợp các khuyến cáo về dự phòng như đã nêu trên (Rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc chỗ đông người, sát khuẩn các vật dụng hằng ngày, hạn chế đưa tay lên mũi mặt…)
Chúng ta cũng chỉ nên đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc nơi ít lưu thông khí hoặc nơi có nguy cơ cao (Ga tàu, xe, trong khoang máy bay, chợ-siêu thị, bệnh viện…) hoặc khi tiếp xúc với người ngi ngờ (Đang có sốt-ho-hắt hơi từ Trung Quốc về trong vòng dưới 14 ngày) hoặc chính mình đang có triệu chứng cảm cúm.

13- Kháng sinh giúp dự phòng và điều trị nCoV-2019?
Không, kháng sinh không có tác dụng chống lại virus, chúng chỉ có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. nCoV-2019 là vi-rút, không nên sử dụng kháng sinh như một biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị.

14- Hiện nay đã có thuốc chữa trị nCoV-2019?
Cho đến nay, chưa có thuốc cụ thể được đề nghị để ngăn ngừa hoặc điều trị Coronavirus mới. Tuy nhiên, những người bị nhiễm 2019-nCoV nên được chăm sóc thích hợp để làm giảm và điều trị các triệu chứng, và những người bị bệnh nặng nên được chăm sóc hỗ trợ tối ưu. Một số phương pháp điều trị cụ thể đang được nghiên cứu và sẽ được thử nghiệm thông qua các thử nghiệm lâm sàng. WHO đang nỗ lực ngày đêm cùng các tổ chức-các nhà khoa học để sớm tìm ra những loại thuốc hữu hiệu hoặc vắc xin dự phòng căn bệnh này.

Theo Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội lược dịch từ tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng ngừa-kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn