Hát giữa khơi xa
HQVN -
Hải trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2023 của các giảng viên, học viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật (ĐHVHNT) Quân đội đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp. Những dư vị ngọt ngào trong tiếng hát, điệu múa và ánh mắt, nụ cười của quân dân nơi đây góp phần tiếp thêm động lực để họ an tâm, vững vàng xây dựng, bảo vệ biển, đảo quê hương.
Đoàn công tác chúng tôi đến điểm dừng chân đầu tiên-đảo Song Tử Tây. Vừa đặt chân lên đảo, các ca sĩ, diễn viên của Trường ĐHVHNT Quân đội đã hối hả chuẩn bị nhạc cụ, trang điểm xinh tươi, sẵn sàng gửi những lời ca, tiếng hát đến quân dân trên đảo. Khoảng sân giữa các dãy nhà làm việc, nhà ở của bộ đội được chọn làm nơi diễn ra giao lưu văn nghệ. Dưới tán cây bàng quả vuông, cây mù u rợp bóng mát, sân khấu được trang trí khá đơn giản càng làm cho không khí thêm gần gũi, ấm áp.
Sau giai điệu tự hào, sôi nổi của tiết mục mở màn “Lời Đảng-Lời hiệu triệu trái tim”, buổi giao lưu lần lượt tiếp diễn các tiết mục: “Tình yêu lính đảo”, “Cây bàng non”, “Tiếng đàn Ta Lư”, “Tự nguyện”… Lời ca: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng/Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương/Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm/Là người, tôi sẽ chết cho quê hương” vang lên lúc trầm, lúc bổng nhưng tha thiết tình cảm gửi trao khiến mọi người trào dâng cảm xúc. Không khí mỗi lúc càng thêm vui, thêm xúc động bởi diễn viên hát xong xuống làm khán giả, hết làm khán giả lại thành diễn viên, ai cũng nhiệt tình hát múa hết mình.
Giao lưu văn nghệ trên đảo Song Tử Tây
Biểu diễn xong tiết mục sôi động “Tiếng đàn Ta Lư” thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và thành viên đoàn công tác lên hát, múa cùng mình, Trung sĩ Hoàng Thị Thu Hà, Học viên Khoa Thanh nhạc, Trường ĐHVHNT Quân đội chia sẻ: “Được đặt chân đến và hát trên huyện đảo Trường Sa là vinh dự không phải ai cũng có được. Cho nên tôi luôn tranh thủ “cháy” hết mình để đem lại niềm vui cho các anh lính đảo”.
Từ đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Đông A, Cô Lin, Trường Sa đến Nhà giàn 1/12-nơi các giảng viên, học viên Trường ĐHVHNT Quân đội đặt chân đến luôn nhận được những tình cảm đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Họ cùng hát say sưa với các nghệ sĩ những ca khúc về quê hương, biển đảo, về tuổi trẻ và người lính… Cả diễn viên chuyên nghiệp của nhà trường và người trên đảo hòa ca như đã cùng luyện tập từ rất lâu. Tiếng hát cất cao, át cả tiếng sóng và gió xung quanh đảo. Các tiết mục nối nhau như không muốn dừng để đến khi đoàn công tác rời đảo về tàu, vẫn nghe tiếng hát vẳng theo cùng tiếng sóng.
Trong số 13 đại biểu Trường ĐHVHNT Quân đội tham gia chuyến công tác này có 5 đồng chí đã đến Trường Sa từ 2 lần trở lên. Họ kể, lần nào cũng vậy, họ hát hăng say, hết mình, hát khàn cả giọng, đến nỗi khi rời đảo về tàu là phải ngậm chanh với muối; ấy vậy mà “chạm mặt” bộ đội trên đảo là quên hết mệt nhọc và lại hát. Thượng úy Đỗ Thị Thanh Hoa, Giảng viên Khoa Thanh nhạc tâm sự: “Đối với tôi mỗi lần đến với Trường Sa là một lần được tiếp thêm sức mạnh từ nghị lực, ý chí của những người lính trẻ nơi tuyến đầu. Tôi muốn hát thật nhiều, trải lòng mình để nhân thêm tình yêu quê hương, tình yêu biển, đảo trong các anh và trong lòng mọi người. Tôi mong muốn mình sẽ lại có thêm nhiều cơ hội được hát cùng chiến sĩ Trường Sa trong thời gian tới”.
Trung sĩ Hoàng Thị Thu Hà hát tặng chiến sĩ Dương Quốc Phú trên đảo Trường Sa
Chuyến công tác lần này có khá nhiều kỷ niệm thú vị khó quên không chỉ với các giảng viên, học viên Trường ĐHVHNT Quân đội mà với cả đoàn công tác như: Chuyện Trung sĩ Hoàng Thị Thu Hà bất ngờ gặp chiến sĩ Dương Quốc Phú-bạn học cùng Trường THPT Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ở đảo Trường Sa. Hà đã khóc vì mừng rỡ, ngồi bên và hát cho bạn nghe suốt gần một tiếng dưới gốc cây bàng quả vuông. Hay trong lúc cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/12 đang tất bật đón đại biểu lên thăm, một mình Trung úy QNCN Nguyễn Văn Bình vẫn bồng súng canh gác trên sân đỗ trực thăng của nhà giàn. Sức nóng của mặt trời tỏa xuống cộng hưởng với sức nóng của sàn kim loại hắt lên làm cho mồ hôi chảy ròng trên khuôn mặt anh.
Ca sĩ Đỗ Thị Thanh Hoa đã cất cao tiếng hát tặng riêng Nguyễn Văn Bình. Hoa hát say mê như chú sơn ca giữa sân khấu bao la rộng lớn với ánh sáng huyền ảo là những tia nắng rực rỡ từ trên cao rọi xuống, rồi phản chiếu hắt lên từ mặt biển; âm thanh nền là tiếng sóng rì rào. Tiếng hát ngân dài trên mặt biển như nhắc nhớ về một phần máu thịt của Tổ quốc giữa khơi xa, đánh động vào cảm xúc của nhứng người chứng kiến. Một số người đã không cầm được nước mắt. Bình tâm sự: “Nếu không phải đang làm nhiệm vụ chắc em đã không cầm được nước mắt trước tình cảm của tình cảm của ca sĩ và mọi người dành cho mình. Đây là khoảnh khắc quý giá, là động lực để chúng em tiếp tục cống hiến cho đất nước”.
Qua chuyến đi này chúng tôi hiểu rằng, khi tình yêu đủ lớn thì mỗi người lính, mỗi người dân bằng cách này hay cách khác sẽ có cách góp sức của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình mãi mãi bình yên.
Bài, ảnh: Thanh Thủy
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Ấn tượng triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” - ( 24-11-24 09:00 )
- Vùng 3: Giao nhiệm vụ cho lực lượng tham liên hoan nghệ thuật quần chúng - ( 23-11-24 01:00 )
- Bế mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 - ( 20-11-24 10:00 )
- Quân chủng Hải quân khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2024 - ( 18-11-24 10:00 )
- Rau càng cua - ( 17-11-24 08:00 )