Hải quân ASEAN: Chia sẻ kinh nghiệm huấn luyện đấu tranh bảo vệ sức sống tàu

* Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng, Phó Tham mưu trưởng Hải quân

HQVN -

Thực hiện sáng kiến của Hải quân Việt Nam đã được Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN đồng thuận thông qua tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN (ANCM) lần thứ 14 năm 2020 và Hội nghị ANCM lần thứ 15 năm 2021, được sự đồng ý của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 16/12/2021, Quân chủng Hải quân đã tổ chức Chương trình Trao đổi kinh nghiệm huấn luyện Hải quân các nước ASEAN (ANTEEP) lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của Hải quân các nước ASEAN, Quân đội nhân dân Lào và Trung tâm Chia sẻ thông tin an ninh hàng hải (IFC)/Hải quân Cộng hòa Singapore.

Chương trình được tổ chức dưới hình thức một hội thảo chuyên môn về huấn luyện đấu tranh bảo vệ sức sống tàu (ĐTBVSST) nhằm tạo cơ hội cho đại biểu Hải quân các nước ASEAN trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực huấn luyện ĐTBVSST, làm cơ sở để nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn công tác của Hải quân mỗi nước. Chương trình đã thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, được các đại biểu trong và ngoài nước đánh giá cao về công tác tổ chức, điều hành cũng như nội dung, chất lượng chuyên môn và tính hữu ích. Chủ đề của Chương trình được các đại biểu nhận xét là phù hợp, thu hút được sự quan tâm, tham gia thuyết trình, thảo luận tích cực của Hải quân các nước ASEAN.

Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng chủ trì Chương trình ANTEEP trực tuyến lần thứ nhất. Ảnh: Thanh Tùng

Qua Chương trình ANTEEP lần thứ nhất có thể nhận thấy Hải quân các nước ASEAN đều rất coi trọng công tác huấn luyện ĐTBVSST, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên khi tàu neo đậu tại bến cũng như thực hiện nhiệm vụ trên biển và đã tổ chức thực hiện nội dung huấn luyện này tương đối bài bản, chuyên nghiệp với các hệ thống huấn luyện mô phỏng hiện đại, các khóa huấn luyện từ cơ bản đến chuyên sâu. Nội dung huấn luyện ĐTBVSST của Hải quân các nước đều bao gồm huấn luyện lý thuyết và thực hành; huấn luyện chống cháy, chống chìm và phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn. Huấn luyện có thể tổ chức trên tàu hoặc tại các Trung tâm mô phỏng huấn luyện ĐTBVSST trên bờ với kế hoạch, nội dung chương trình huấn luyện được thiết kế chuyên biệt, phù hợp với từng đối tượng và từng giai đoạn huấn luyện cụ thể. Một số nội dung đáng chú ý về công tác huấn luyện ĐTBVSST của Hải quân các nước như sau:

Hải quân Hoàng gia Brunei quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của thuyền trưởng, thuyền phó, trưởng ngành cơ điện đối với huấn luyện ĐTBVSST trên tàu; trong đó thuyền trưởng chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch huấn luyện, thuyền phó phụ trách công tác bảo đảm an toàn và tham gia xây dựng kế hoạch, trưởng ngành cơ điện là sĩ quan phòng tai, chịu trách nhiệm chính trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Huấn luyện có thể tổ chức theo lịch đã được thông báo trước hoặc đột xuất theo tình huống giả định, trong đó huấn luyện đột xuất là chính để nâng cao khả năng phản ứng, xử trí tình huống của kíp tàu.

Hải quân Indonesia tổ chức lực lượng phòng tai trên tàu tùy thuộc vào nhiệm vụ. Khi tàu hoạt động trên biển, lực lượng phòng tai gồm: Kíp chỉ huy, điều hành, các bộ phận cơ điện, chống chìm, khống chế, dập cháy, dưỡng khí và sơ, cấp cứu. Khi tàu ở căn cứ, lực lượng phòng tai gồm: Trực chỉ huy, cố vấn kỹ thuật, tổ khống chế, dập cháy, trực y tế, tổ chuyên trách và tổ bảo đảm. Ngoài ra, Hải quân Indonesia áp dụng một số kỹ thuật như sử dụng kết hợp các nút, thanh chêm có hình dạng, kích thước khác nhau để bịt lỗ thủng; bọc vải vào nút gỗ trước khi bịt lỗ thủng; thiết kế thảm chống thủng cuộc tròn, thảm chống thủng tự chế lấy bàn làm trụ đỡ; khoan 2 lỗ vào đầu và cuối khe nứt trước khi bọc để phòng khe nứt lan rộng… trong xử lý chống thủng, chìm tàu.

Hải quân Myanmar được trang bị 2 hệ thống mô phỏng huấn luyện phòng tai Zarmani có khả năng tạo giả các môi trường huấn luyện khác nhau như cháy, ngập, nghiêng lắc tàu với góc lắc ngang và lắc dọc lên tới 200. Huấn luyện ĐTBVSST của Hải quân Myanmar được chia thành 5 giai đoạn từ đơn giản đến phức tạp, từ huấn luyện cá nhân đến tổ, nhóm và kết thúc bằng việc tổ chức thao diễn toàn tàu để kiểm tra, đánh giá khả năng xử trí các tình huống có thể xảy ra.

Hải quân Cộng hòa Singapore được trang bị trung tâm mô phỏng ĐTBVSST hiện đại, có đầy đủ các cảm biến, thiết bị mô phỏng nhiều kịch bản ĐTBVSST khác nhau. Trung tâm mô phỏng được chia thành 2 khu vực chính: Khu vực mô phỏng tĩnh và khu vực mô phỏng động, có thể tạo ra chuyển động thủy lực nghiêng lên tới 150. Hệ thống được tích hợp 2 bộ điều khiển khẩn cấp và 52 camera giám sát nhằm bảo đảm an toàn cho thủy thủ trong suốt quá trình huấn luyện cũng như cung cấp dữ liệu làm cơ sở đánh giá kết quả.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại điểm cầu Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng

Trong thời gian qua, công tác huấn luyện ĐTBVSST của các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng đã được thực hiện tương đối tốt và có chất lượng, thể hiện qua thành tích đồng giải Nhất môn thi ĐTBVSST với Hải quân nước chủ nhà Liên bang Nga tại Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021. Tuy nhiên, qua Chương trình ANTEEP lần thứ nhất cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng hệ thống trang thiết bị, chương trình, nội dung huấn luyện ĐTBVSST của ta vẫn còn tương đối khiêm tốn so với Hải quân các nước trong khu vực. Các hệ thống huấn luyện ĐTBVSST do ta nghiên cứu chế tạo chưa tạo giả được các tình huống chống cháy, chống chìm, phòng chống vũ khí hủy diệt lớn một cách sát thực; chưa mô phỏng được phần động lực của tàu. Chương trình huấn luyện chưa phong phú, chưa được thiết kế chuyên biệt cho từng đối tượng, từng giai đoạn huấn luyện cụ thể và chậm được đổi mới. Ta cũng chưa có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực ĐTBVSST. Do đó, trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác huấn luyện ĐTBVSST, cần có một số giải pháp sau:

Một là, rà soát tổng thể các nội dung liên quan đến công tác ĐTBVSST, từ xây dựng chương trình, giáo án đào tạo ở các nhà trường cho đến xây dựng kế hoạch, phân loại đối tượng, chuẩn bị nội dung huấn luyện, kiểm tra, đánh giá kết quả ở các đơn vị nhằm thống nhất chung trong toàn Quân chủng; nghiên cứu, tiếp thu những bài học kinh nghiệm của Hải quân các nước ASEAN để đưa vào chương trình huấn luyện trong thời gian tới; tăng cường huấn luyện ĐTBVSST cho kíp tàu, chú trọng huấn luyện hiệp đồng, huấn luyện đột xuất nhằm kiểm tra và nâng cao khả năng xử trí tình huống; định kỳ tổ chức hội thi, hội thao giữa các cá nhân, tổ, ngành trong nội bộ từng tàu cũng như giữa các tàu, các đơn vị nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện.

Hai là, nghiên cứu chế tạo mới hoặc cải tiến, nâng cấp các Trung tâm huấn luyện ĐTBVSST hiện có của Quân chủng, chú trọng mô phỏng phần động lực của tàu trên cơ sở tham khảo các hệ thống huấn luyện ĐTBVSST của Hải quân các nước trong khu vực như Singapore, Myanmar. Thực tế cho thấy càng có nhiều mô-đun, trang bị mô phỏng sát các tình huống thực tế trên tàu thì chất lượng huấn luyện ĐTBVSST càng cao.

Ba là, tăng cường hợp tác với Hải quân các nước trong lĩnh vực ĐTBVSST nói chung và huấn luyện ĐTBVSST nói riêng. Đây là nội dung quan trọng mà Hải quân các nước đều quan tâm và sẵn sàng trao đổi, chia sẻ. Trong thời gian tới ta có thể tổ chức các đoàn trao đổi chuyên môn riêng hoặc kết hợp với các đoàn thăm, các chuyến tàu thăm, tham gia duyệt binh, diễn tập để tiếp tục trao đổi kinh nghiệm với Hải quân các nước về nội dung trên.

Thành công của Chương trình ANTEEP lần thứ nhất đã bước đầu hiện thực hóa sáng kiến tổ chức Chương trình ANTEEP của Hải quân Việt Nam; tạo ra một kênh giao lưu, trao đổi chuyên môn cho các quân nhân làm công tác huấn luyện, khẳng định vai trò, vị thế và trách nhiệm của Hải quân Việt Nam trong cơ chế hợp tác ANCM, góp phần tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin, đóng góp duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích thu được từ Chương trình là cơ sở để các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện ĐTBVSST trong thời gian tới.

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn