Hai đột phá trong công tác kỹ thuật ở Lữ đoàn 189
HQVN -
Những năm qua, Lữ đoàn 189 luôn thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, từng bước làm chủ tiến tới làm chủ hoàn toàn VKTBKT. Có được kết quả đó là do Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hai đột phá trong công tác kỹ thuật “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT”.
Cuối tháng 11, chúng tôi đến Lữ đoàn 189 đúng vào ngày đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng kỹ thuật cho tàu ngầm. Cán bộ, thủy thủ ngành boong đang vệ sinh các thiết bị hai bên mạn. Cán bộ, nhân viên ngành máy tiến hành sấy và kiểm tra tình trạng hoạt động của trang bị. Trong quá trình bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật đều có sự hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ tận tình của cán bộ, nhân viên Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn.
Đưa tàu ngầm lên đốc sửa chữa. Ảnh: Đàm Duy
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trương Quang Đạo, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn 189 cho biết: Phát huy những kết quả và kinh nghiệm trong công tác kỹ thuật, trên cơ sở hai đột phá của ngành Kỹ thuật Hải quân, năm 2020, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thực hiện đột phá của ngành kỹ thuật đơn vị là “Kỷ luật công tác ngành kỹ thuật; xây dựng chính quy cơ quan kỹ thuật và tàu ngầm chính quy mẫu mực”. Chúng tôi coi đây là xương sống trong công tác bảo đảm kỹ thuật, tạo ra sức bật để cán bộ, nhân viên trong đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đột phá của ngành Kỹ thuật, Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn đã chủ động xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy, quy định, hướng dẫn công tác bảo đảm kỹ thuật, quy trình bảo dưỡng kỹ thuật, phiếu bảo dưỡng đối với VKTBKT trên tàu ngầm.
Những năm đầu thực hiện hai đột phá trong công tác kỹ thuật, đơn vị gặp một số khó khăn do trang bị kỹ thuật mới, có hàm lượng công nghệ cao trong khi đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật chưa được đào tạo chuyên sâu, ảnh hưởng lớn đến quá trình làm chủ, khai thác, sử dụng… Để nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, Lữ đoàn tuyển chọn những đồng chí cán bộ, nhân viên có chuyên môn giỏi và đề nghị cấp trên cử đi học chuyên sâu về sửa chữa tàu ngầm ở nước ngoài. Cùng với đó, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện cho mọi quân nhân nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật, quy trình khai thác, sử dụng VKTBKT, tuân thủ nghiêm quy tắc an toàn.
Trước khi sử dụng VKTBKT, mọi quân nhân phải được kiểm tra, đánh giá kết quả, công nhận độc lập khai thác trang bị. Định kỳ, đơn vị tổ chức phân loại chất lượng nhân viên trên tàu, các đồng chí chưa thành thục được huấn luyện bổ sung; phân công các đồng chí có chuyên môn khá, giỏi kèm cặp, giúp đỡ. Sau mỗi chuyến đi biển và định kỳ hằng quý, các tàu duy trì nghiêm chế độ rút kinh nghiệm huấn luyện để khắc phục kịp thời những điểm yếu trong quá trình huấn luyện, khai thác VKTBKT. Thời tiết nắng nóng, độ mặn nước biển và độ ẩm không khí cao tại khu vực Cam Ranh ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của VKTBKT.
Lữ đoàn phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài Quân chủng, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, nhà máy để nghiên cứu và tiến hành “nhiệt đới hóa” một số trang bị như: Sử dụng sơn chống hà chuyên dụng, phủ lớp chống ẩm cho các bo mạch điện tử… Từ thực tế bảo đảm kỹ thuật, cán bộ, nhân viên Phòng Kỹ thuật chủ động nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Năm 2020, đơn vị có 9 sáng kiến tiêu biểu gồm: Xây dựng phần mềm hướng dẫn tìm kiếm hỏng hóc tuyến xử lý sơ bộ của tổ hợp sô na; Thiết bị điều khiển tốc độ động cơ; Nghiên cứu và chế tạo máy đo nhiệt độ không tiếp xúc phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Thuyết minh tính ứng dụng của mô hình học cụ tại hội thi ở Lữ đoàn 189. Ảnh: Văn Phong
Mới đây, tại vòng chung kết Hội thi phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật Quân chủng Hải quân lần thứ 3, sáng kiến “Thiết kế chế tạo máy kiểm tra tổ hợp thủy âm trên tàu Kilo 636” của Thiếu tá Trần Thanh Sỹ, Trợ lý Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn 189 đạt giải Nhì. Những sáng kiến này giúp đơn vị chủ động nguồn vật tư thay thế, bảo đảm hoạt động ổn định của tàu ngầm và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nói về sáng kiến của mình, Thiếu tá Trần Thanh Sỹ cho biết: Trong quá trình sử dụng tổ hợp thủy âm đã phát sinh một số trục trặc, công tác sửa chữa và kiểm tra hoạt động gặp nhiều khó khăn. Sáng kiến “Thiết kế chế tạo máy kiểm tra tổ hợp thủy âm trên tàu Kilo 636” không chỉ khắc phục được thực trạng đó mà còn góp phần nâng cao độ tin cậy, tuổi thọ của VKTBKT. Chi phí sản xuất ra sản phẩm rẻ, vật tư sẵn có trên thị trường. Sáng kiến phục vụ hiệu quả cho việc sửa chữa tổ hợp thủy âm trên tàu ngầm, hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn vật tư độc quyền của nước ngoài.
Với những nỗ lực của cán bộ, nhân viên kỹ thuật, những năm qua, Lữ đoàn 189 luôn bảo đảm hệ số kỹ thuật trang bị đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đơn vị đã chủ động khắc phục, sửa chữa hỏng hóc nhỏ phát sinh trong quá trình sử dụng. Năm 2020, ngành kỹ thuật đơn vị đã đảm bảo đầy đủ số lượng, chất lượng tàu, VKTBKT cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; hoàn thành sửa chữa cấp đốc các tàu theo quy định và kiểm tra định kỳ VKTBKT trên tàu ngầm đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt.
Đặng Tùng
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 679: Hội thi sĩ quan cấp phân đội, hội thao quân nhân QNCN - ( 27-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )
- Khai mạc tập huấn kỹ thuật cho học viên Cam-pu-chia - ( 25-11-24 09:00 )
- Hợp tác để tự chủ đảm bảo kỹ thuật - ( 24-11-24 10:00 )