End Sweep (Nhát quét cuối cùng): Phần 1: Vừa “kéo cày” vừa yêu sách
HQVN -
Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Nixon chưa bao giờ có ý định đưa việc rà phá thủy lôi, bom từ trường (rà phá) ở sông, biển miền Bắc Việt Nam ra trước công luận. Nhưng vào ngày 16/5/1972, tờ Washington Evening Star lại dẫn lời Nixon nói rằng “các quả mìn sẽ được rà phá khi các tù nhân chiến tranh được tự do”. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kissinger cũng khẳng định “cuối cùng việc rà phá bom mìn có thể giúp đưa tù binh Hoa Kỳ về nhà vì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là bên đầu tiên đưa ra vấn đề rà phá bom mìn liên quan đến việc bàn giao tù binh”.
Chiến dịch End Sweep (Nhát quét cuối cùng) đã được phía Hoa Kỳ sử dụng như “củ cà rốt”. Ngày 15/12/1972, Nhà Trắng nhắc Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ rằng cần đôn đốc kế hoạch rà phá ở miền Bắc Việt Nam. 5 ngày sau, chính Tham mưu trưởng liên quân đã trả lời Bộ trưởng Quốc phòng và Nhà Trắng: Việc rà phá có thể gây ra “nguy cơ không đáng có cho nhân viên Hải quân”. Chỉ đến khi “các chiến lược gia phương Tây thuộc mọi phe phái đã kêu gọi khản cổ việc rà quét mìn tại cảng Hải Phòng và cuối cùng việc đó đã được thực hiện”- Chuẩn đô đốc McCauley lý giải.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chính thức được ký kết bởi đại diện của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tàu của Lực lượng đặc nhiệm 78 neo đậu ngoài khơi cảng Hải Phòng, tháng 2/1973. Ảnh: Tư liệu Hoa Kỳ
Cùng với hiệp định, ta và Hoa Kỳ ký 4 nghị định thư: Nghị định thư về ngừng bắn và các ban liên hợp quân sự; Nghị định thư về Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế; Nghị định thư về trao trả nhân viên các bên bị bắt; Nghị định thư về tháo gỡ, vô hiệu hóa bom mìn ở miền Bắc Việt Nam.
Các nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động rà phá bao gồm: Hoa Kỳ phải có trách nhiệm rà phá tất cả các bãi thủy lôi, bom từ trường đã thả thuộc lãnh hải, cảng, bến cảng, đường thủy của miền Bắc Việt Nam và thu hồi, phá hủy hoặc vô hiệu chúng vĩnh viễn.
Thủy lôi, bom từ trường phải được thu hồi hoặc phá hủy ở các khu vực được chỉ định; bất cứ nơi nào không thể thu hồi hoặc phá hủy thì thủy lôi, bom từ trường phải được vô hiệu hóa vĩnh viễn và vị trí của chúng phải được đánh dấu rõ ràng.
Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm cao nhất việc rà phá trên các tuyến đường thủy nội địa của miền Bắc Việt Nam đồng thời cung cấp phương tiện, trang bị rà phá để ta cùng thực hiện nội dung này.
Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ không đồng ý “chịu thiệt” hoàn toàn theo thỏa thuận, như Chuẩn Đô đốc McCauley ngụy biện: Những nội dung trong Nghị định thư được mỗi phía hiểu theo một cách khác nhau nên việc đàm phán về câu chữ gần như là chủ đề hàng ngày trong suốt thời gian lực lượng Đặc nhiệm hoạt động ở vùng biển miền Bắc Việt Nam.
Ngày 28/1/1973, Chiến đoàn Bộ binh số 7 thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ do Chuẩn đô đốc McCauley chỉ huy hành quân từ Vịnh Subic (Philippines) đến cảng Hải Phòng. Để phối hợp hoạt động, ngày 5/2/1973, Ủy ban Đặc nhiệm 78 làm việc với Đại tá Hoàng Hữu Thái (sau là Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân).
Phía Hoa Kỳ đưa ra lý do là bản đồ các bãi thủy lôi, bom từ trường của ta cung cấp khác với bản đồ của Hải quân Hoa Kỳ, mà theo Nghị định thư thì: Chỉ những khu vực đã biết là có thủy lôi, bom từ trường và/hoặc đã tự hủy, hoặc đã vô hiệu thì Hoa Kỳ mới phải rà phá!
Ngày 6/2, tàu quét mìn đại dương USS Impervious vào vùng biển nước ta và chỉ rà quét khu neo đậu của các tàu thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 78 đồng thời đánh dấu khu vực an toàn bằng phao.
Sau nhiều cuộc họp nữa của hai bên, việc rà phá thủy lôi, bom từ trường bằng trực thăng của Hoa Kỳ mới thực sự bắt đầu vào chiều 27/2, sau khi 2 cuộc trao trả tù binh được thực hiện ở cửa luồng Nam Triệu, Hải Phòng.
Nhưng ngay trong đêm đó, các hoạt động rà phá đã dừng lại do phía ta không tiếp tục trao trả tù binh vì Hoa Kỳ không chấp nhận rà phá trên các tuyến đường thủy nội địa và không chịu cung cấp phương tiện, trang bị để ta tự rà phá. Thỏa thuận này chỉ đạt được vào ngày 5/3 và hoạt động rà phá khu vực luồng chính vào cảng Hải Phòng được tiếp tục vào ngày 6/3.
Đến ngày 17/3, Hoa Kỳ lại “làm mình làm mẩy” đòi ngừng rà phá vì ta không chấp nhận yêu sách của họ về cái gọi là “thỏa thuận ngừng bắn ở Lào và Cam-pu-chia”. Về thực chất, Hải quân Hoa Kỳ không muốn thực hiện rà phá các tuyến đường thủy nội địa của ta vì sợ mất an toàn.
Ngày 17/4, Hoa Kỳ tuyên bố cuộc rà phá trên luồng chính Hải Phòng đã hoàn tất. Tàu đổ bộ (MSS-2) đã thực hiện một số lần chạy thử nhưng họ không đủ cơ sở để tuyên bố khu vực rà phá đã sạch thủy lôi, bom từ trường.
Ngày 17/6, các tàu mặt nước và trực thăng của Lực lượng Đặc nhiệm 58 rà phá lần cuối tại vùng biển Hải Phòng. Ngày 20/6, Hải quân Hoa Kỳ chạy thử trên các khu vực đã rà phá và ký biên bản với ta về nội dung đã hoàn thành phần rà phá ở luồng chính vào cảng Hải Phòng.
Ngày 26/6, Hoa Kỳ tuyên bố hoàn thành việc rà phá ở khu vực biển phía Bắc thành phố Hải Phòng. Khu vực cảng Hòn Gai và Cẩm Phả được tuyên bố hoàn thành rà phá vào ngày 27/6. Ngày 28/6, lực lượng rà phá của Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục vào rà phá ở vùng cửa biển thành phố Vinh.
End Sweep kết thúc vào ngày 20/7/1973.
Minh Đức (Tổng hợp)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024 - ( 29-11-24 04:00 )
- Trung tâm Huấn luyện Vùng 2: Trên 85% học viên tốt nghiệp khá, giỏi - ( 29-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 161 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024 - ( 29-11-24 03:00 )
- Bế mạc Hội thi thuyền trưởng, chính trị viên tàu giỏi lần thứ 9 - ( 29-11-24 10:00 )
- Tiểu đoàn 158: Hội nghị triển khai công tác năm 2025 - ( 29-11-24 10:00 )