Đường Hồ Chí Minh trên biển: Sự sáng tạo độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam

HQVN -

Cách đây 59 năm, ngày 23-10-1961, Đoàn 759 (còn gọi là Đoàn tàu Không số), tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay được thành lập có nhiệm vụ mở Đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển và những chiến công huyền thoại của Đoàn tàu Không số là sự sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Mỹ-Diệm ra sức chống phá Hiệp định Giơ-ne-vơ; tiến hành chính sách tố cộng, diệt cộng nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương 15 Khóa II của Đảng xác định con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 15, quân dân miền Nam nhanh chóng chuyển phương châm đấu tranh, phát động quần chúng nổi dậy, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đưa phong trào cách mạng chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang chủ động tiến công, giành quyền làm chủ ở vùng nông thôn và ven đô thị. Lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam không ngừng lớn mạnh, hình thành ba thứ quân bao gồm cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Cách mạng miền Nam rất cần sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc XHCN. 

Chuyển hàng xuống tàu chi viện cho chiến trường miền Nam (11-1968). Ảnh: TL

Trước yêu cầu chi viện cấp bách cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam đánh Mỹ, ngụy, tháng 5-1959, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 559, mở đường trên bộ xuyên dãy Trường Sơn, vận chuyển bộ đội, hàng hóa từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Tiếp đó, tháng 7-1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603, còn gọi là Tập đoàn đánh cá sông Gianh, có nhiệm vụ nghiên cứu mở tuyến đường vận tải quân sự chiến lược trên biển, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Chuyến đi đầu tiên của Tiểu đoàn 603 không thành công, Bộ Quốc phòng quyết định tạm ngừng hoạt động vận chuyển trên biển để tìm giải pháp và phương thức phù hợp. Sau quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759 (sau này đổi phiên hiệu thành Đoàn 125), đảm đương nhiệm vụ vận chuyển, chi viện chiến trường miền Nam. Đúng 1 năm sau, tháng 10-1962, chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 chở 30 tấn vũ khí rời bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng) vào cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, chính thức khai thông tuyến đường vận tải chiến lược trên biển.

Từ đó, cách mạng miền Nam nhận được chi viện trực tiếp từ miền Bắc, tạo sức mạnh và niềm tin to lớn cho quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, hy sinh. Với phương châm hoạt động bí mật, táo bạo, bất ngờ, sử dụng các loại tàu nhỏ, ngụy trang tốt, hoạt động nhiều hướng, tuyến khác nhau, Đường Hồ Chí Minh trên biển đi vào hoạt động đã mở ra một hướng chi viện mới hết sức quan trọng, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Trong 14 năm làm nhiệm vụ trên Đường Hồ Chí Minh trên biển, Đoàn 759-Đoàn 125 Hải quân đã vận chuyển được hơn 100 ngàn tấn vũ khí, trang bị, hàng hóa cùng hàng chục ngàn lượt người chi viện cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ, ngụy.

 Mặc dù số lượng vũ khí và hàng vận chuyển bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển còn khiêm tốn so với vận chuyển qua Đường Hồ Chí Minh trên bộ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự trở thành mũi thọc sâu, vu hồi lợi hại để vận chuyển, chi viện vào những địa bàn ven biển trọng yếu, đến với các chiến trường xa, nơi mà sự chi viện bằng tuyến vận tải chiến lược 559 trên bộ không thể vươn tới được. Vận tải bằng đường biển tuy gian nan, nguy hiểm nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian và hiệu quả. Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ trọng yếu, đó là đưa đón hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, Quân đội và chuyên gia quân sự vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường. Và trên con đường huyền thoại ấy, Đoàn 125 còn vận chuyển nhiều loại vũ khí, trang bị đặc biệt, có ý nghĩa sống còn đối với chiến trường miền Nam.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng của khát vọng độc lập tự do, thống nhất đất nước; là ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, sức sáng tạo phi thường, một kỳ tích chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Việc quyết định mở tuyến vận tải chiến lược trên biển và quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết định táo bạo đó trong điều kiện địch phong tỏa rất gắt gao là thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; thể hiện tầm nhìn chiến lược nhạy bén, bản lĩnh và tài thao lược của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đường Hồ Chí Minh trên biển và Đoàn tàu Không số còn là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc; tạo nên những giá trị nghệ thuật quân sự độc đáo, đặc sắc trong những thời điểm quyết định, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng truyền thống và những bài học kinh nghiệm của Đường Hồ Chí Minh trên biển và Đoàn tàu Không số vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay.

Kao Dân

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn