Đưa hoạt động công tác kỹ thuật Công binh thành nền nếp

HQVN -

Thời gian vừa qua, thực hiện công tác kỹ thuật, nhất là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 382 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân có nhiều biện pháp nhằm bảo đảm VKTBKT cho các nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ vừa nỗ lực huấn luyện giỏi vừa bảo đảm thi công các công trình đạt chất lượng tốt.

Đại tá Lã Ngọc Tuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 83 cho biết: Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, Lữ đoàn còn được giao nhiệm vụ xây dựng công trình quốc phòng trên các vùng biển, đảo. Lực lượng, TBKT của đơn vị thường xuyên hoạt động phân tán trong thời gian dài với điều kiện thời tiết phức tạp, độ ẩm, độ mặn, bụi bẩn cao ảnh hưởng đến công tác bảo quản, bảo dưỡng, thực hiện công tác kỹ thuật cũng như Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông” (Cuộc vận động 50). Trong quá trình thực hiện, Lữ đoàn 83 rà soát chặt chẽ, đánh giá đúng thực trạng của công tác kỹ thuật, đề ra phương hướng và có biện pháp khắc phục kịp thời, đơn vị đưa nội dung lãnh đạo thực hiện công tác kỹ thuật vào nghị quyết thường kỳ.

Ngày kỹ thuật ở Lữ đoàn 83

Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 382, Lữ đoàn 83 đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, có các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng công tác kỹ thuật nói chung và Cuộc vận động 50 nói riêng.

Thượng tá Phạm Thanh Dũng, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn 83 chia sẻ: Cơ quan kỹ thuật đã chủ động tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tập trung xây dựng ngành kỹ thuật vững mạnh toàn diện, củng cố cơ quan, cơ sở kỹ thuật. Trong quá trình thực hiện, chỉ huy Lữ đoàn và cơ quan kỹ thuật thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm từng nội dung, tiêu chí Cuộc vận động 50 và hai khâu đột phá của ngành kỹ thuật Hải quân “Xây dựng nền nếp chính quy và làm chủ VKTBKT”. 

Hàng năm, Lữ đoàn đều cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý VKTBKT do cấp trên tổ chức. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật Lữ đoàn thường xuyên rà soát hệ thống sổ sách, mẫu biểu quản lý của từng chuyên ngành, bổ sung hoàn thiện các loại sổ sách đăng ký, thống kê, tài liệu kỹ thuật theo đúng quy định công tác kỹ thuật trong quân đội. Cơ quan kỹ thuật của Lữ đoàn cũng ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin vào quản lý vật tư, VKTBKT và hệ thống các nhà kho, cơ sở đảm bảo kỹ thuật. VKTBKT của đơn vị khi đưa ra sử dụng đều được kiểm tra chất lượng, phân nhóm sử dụng đúng mục đích, nhiệm vụ, đúng công dụng, bảo đảm các quy tắc an toàn. Các đơn vị đã tổ chức khai thác, sử dụng VKTBKT đạt chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng công việc, cường độ hoạt động, nhất là bảo đảm thi công xây dựng công trình quốc phòng xa đất liền. Để nắm chắc được tình trạng hệ số kỹ thuật, Lữ đoàn đều tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn cho các loại VKTBKT đúng quy định của công tác kỹ thuật. Đối với xe ô tô, đơn vị kiểm tra kỹ thuật 2 lần/năm, trang bị có yêu cầu nghiêm ngặt 1 lần/năm và sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất khi cần thiết.

Thực hiện Cuộc vận động 50, Lữ đoàn 83 luôn động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên duy trì, đẩy mạnh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ. Trong 15 năm qua đơn vị có 12 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… Khi những sáng kiến này đưa vào áp dụng hoạt động thực tiễn của đơn vị đã hạn chế được tình trạng hư hỏng do lỗi chủ quan gây ra, tuổi thọ TBKT được nâng cao. Nhờ đó, dù cường độ xe máy, trang bị hoạt động cao trong điều kiện khắc nghiệt, nhất là hoạt động ở môi trường biển, đảo, độ mặn cao nhưng đã giảm bớt sự hư hỏng của TBKT, giúp cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Là người có nhiều năm gắn bó với nhiệm vụ xây dựng công trình quốc phòng, Trung tá Lê Đình Hà, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 83 luôn nỗ lực trong công việc, tích cực học tập, nghiên cứu và có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, kinh nghiệm về thi công xây dựng công trình, mang lại giá trị kinh tế, giảm thời gian làm việc thủ công của bộ đội.

Trung tá Lê Đình Hà cho biết: Năm 2018, tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng công trình xây dựng để khắc phục sự cố sạt lở 23m hầm ngầm. Sau khi nghiên cứu tình hình, khảo sát địa chất và hồ sơ thiết kế, tôi đã báo cáo, đề xuất phương án khắc phục sự cố sạt lở là khoan đặt thép tạo vách, dùng nhân lực để thi công, xây tấm bịt hai đầu khu vực sạt lở. Sau khi bịt thành công sẽ khoan và bơm nước xi măng vào chỗ bị sạt lở để tạo khối bê tông đông cứng, cố định không để sạt lở phát sinh thêm. Khi báo cáo phương án và được cấp trên nhất trí, tôi cùng với ban chỉ huy công trường đã triển khai khắc phục thành công sự cố sạt lở, góp phần bàn giao công trình cho đơn vị sử dụng đúng kế hoạch, tiến độ.

Bài, ảnh: Duy Khánh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn