Diễn tập Hải quân đa phương MILAN 2022, Kỳ 1: Tình bạn - Gắn kết - Hợp tác

HQVN -

“Tình bạn - Gắn kết - Hợp tác” là chủ đề của Diễn tập Hải quân đa phương MILAN 2022 do Hải quân Ấn Độ tổ chức diễn ra từ ngày 25/2 đến 4/3 tại các địa điểm trên bờ và khu vực biển phía Đông thành phố Visakhapatnam, Ấn Độ. Việt Nam cử Tàu 016-Quang Trung và đoàn công tác tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động, nội dung diễn tập, để lại tình cảm và ấn tượng sâu sắc với hải quân các nước trên thế giới.

Diễn tập Hải quân đa phương MILAN do Hải quân Ấn Độ tổ chức lần đầu tiên vào năm 1995 với sự tham gia của hải quân 4 nước, cho đến nay đã tổ chức được 10 cuộc diễn tập. Năm 2018, Diễn tập MILAN có sự tham dự của 17 nước, Việt Nam đã cử đoàn quan sát viên. Năm 2020, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định cử tàu và lực lượng tham dự diễn tập nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Diễn tập MILAN 2020 đã bị hủy.

Quang cảnh buổi Hội thảo an ninh hàng hải tại Ấn Độ

Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Ajay Bhatt bày tỏ hoan nghênh và cảm ơn các nước đã tới thành phố Visakhapatnam tham gia Diễn tập MILAN 2022 bất chấp những thách thức từ đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Ajay Bhatt nhấn mạnh tới những thách thức chung đe doạ an ninh, an toàn hàng hải như cướp biển, khủng bố, đánh cá bất hợp pháp, ô nhiễm môi trường biển, buôn lậu, buôn người…; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của sự tăng cường hợp tác của hải quân các nước nhằm xử lý và ứng phó với các thách thức chung này. Chủ đề “Tình bạn - Gắn kết - Hợp tác” đã thể hiện tầm nhìn chung của các nước trong bảo đảm ổn định, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực cũng như trên thế giới.

Do đó MILAN 2022 có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chia sẻ các hiểu biết về nhu cầu hàng hải toàn cầu, hợp tác hàng hải và ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống và thiên tai thảm hoạ. Diễn tập MILAN 2022 sẽ là cơ hội tốt để hải quân các nước hợp tác thành công và có những trao đổi ý nghĩa, bổ ích.

Trong khuôn khổ MILAN 2022 đã có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực với sự tham gia của hải quân nhiều nước trên thế giới. Trong đó Hội thảo hàng hải quốc tế lần này được hải quân các nước quan tâm, đánh giá là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhằm nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng trong ứng phó với các thách thức chung về an ninh hàng hải. Tại hội thảo, Tư lệnh và chỉ huy Hải quân các nước Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Australia, Anh, Malaysia, Philippines… tham gia với vai trò diễn giả cao cấp, cùng chia sẻ quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm liên quan tới an ninh, an toàn hàng hải cũng như các thách chung trên biển.

Sĩ quan Hải quân Ấn Độ đón đoàn công tác Hải quân Việt Nam tại cảng Visakhapatnam

Các diễn giả đã chia sẻ quan điểm về vấn đề cạnh tranh và khả năng xung đột ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác vì lợi ích chung, nhất là cần tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trong đó hợp tác giữa hải quân giữa các nước cần được tăng cường vì các nước cùng có nhiều lợi ích chung trên biển, cùng đối mặt với nhiều thách thức chung liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải nên có nhiều cơ hội thuận lợi để hợp tác và phối hợp các hành động chung.

Theo Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Hari Kumar, không một quốc gia nào có thể một mình xử lý các vấn đề và thách thức đang ngày càng gia tăng trên biển liên quan tới an ninh, an toàn hàng hải như: Khủng bố, cướp biển, buôn lậu vũ khí, ô nhiễm môi trường biển… nên cần có sự phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác giữa hải quân quân nước, vì sự ổn định, phát triển và hợp tác. Hơn bao giờ hết, hải quân các nước cần quan tâm, bàn thảo các giải pháp ứng phó với các cách thức đang nổi lên, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần củng cố lòng tin.

Hội thảo kéo dài 2 ngày với 4 phiên thảo luận, các diễn giả chia sẻ quan điểm về các chủ đề bao gồm: Tính chất thay đổi của cạnh tranh và xung đột trên biển; nâng cao năng lực hướng tới an ninh hàng hải chung; vượt qua các thách thức phi truyền thống trên biển thông qua hợp tác; sự minh bạch trong lĩnh vực hàng hải-cơ hội cho hợp tác và các mối quan hệ đối tác. Trong đó, phiên thảo luận về tính chất thay đổi cạnh tranh và xung đột trên biển với sự tham gia của các diễn giả từ Mỹ, Australia, Nhật Bản và Banglades nhận được nhiều quan tâm.

Các diễn giả đã nhận được các câu hỏi liên quan tới yếu tố lịch sử trong tranh chấp trên biển, làm thế nào để bảo đảm lợi ích trên biển của các nước mà tránh được xung đột… Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel J. Paparo nhấn mạnh: Các biện pháp chia sẻ thông tin, kiểm soát hàng hải, tăng cường các cuộc diễn tập chung và hợp tác giữa hải quân các nước trong tương lai nhằm ứng phó với những thách thức đang gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Sự có mặt của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cùng đại biểu đoàn công tác Hải quân Nhân dân Việt Nam tại Hội thảo hàng hải quốc tế đã khẳng định trách nhiệm của Việt Nam với vai trò là thành viên tích cực, sẵn sàng hợp tác với các nước vì lợi ích chung cũng như sự ổn định, an toàn và an ninh hàng hải ở khu vực cũng như trên thế giới; đồng thời khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động của đoàn công tác Hải quân Nhân dân Việt Nam tại Diễn tập MILAN 2022 do Ấn Độ đăng cai tổ chức.

 Duy Khánh (Còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn