Chúng ta hiểu vì sao, Người chú trọng thực hành đạo đức trong các công việc thực tế hằng ngày, dày công giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức, tự mình làm gương, nêu gương, “nói ít làm nhiều”, chủ yếu là hành động, nhất là nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Đây là việc khó khăn nhất của đời người và làm người, là thước đo về tính trung thực và lòng trung thành. Người từng căn dặn, sự chân thành, lòng thành thật là quý nhất để cảm hóa, thuyết phục và thúc đẩy con người.

Là đạo đức cách mạng, đạo đức hành động nên người cách mạng suốt đời phải tự mình rèn luyện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân-giặc nội xâm ẩn nấp trong lòng mỗi người.

Trong các văn phẩm lý luận của Người, đạo đức cách mạng là chủ đề nổi bật nhất và quét sạch chủ nghĩa cá nhân là mối quan tâm thường trực, thường xuyên của Người. Mở đầu “Đường kách mệnh” (1927), khi Đảng còn chưa ra đời, Người đưa lên hàng đầu “Tư cách của người cách mệnh”. Phải cần, kiệm, liêm, chính, nghiêm với mình, rộng lòng khoan thứ với người, phải giữ chủ nghĩa cho vững, lại phải ít lòng ham muốn về vật chất. Hơn 60 năm trước, Người dồn tâm huyết và tinh lực để viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, năm 1958.

Tác phẩm lý luận cuối cùng của Người, công bố đúng dịp sinh nhật Đảng 3-2-1969 cũng vẫn là chủ đề đạo đức cách mạng. Người đặt vấn đề phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng, bởi chủ nghĩa cá nhân là bệnh gốc, bệnh “mẹ”, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh “con”, làm hỏng nhân cách của người cách mạng và làm suy yếu Đảng; nếu không chống được thì Đảng xa dân, dân suy giảm niềm tin vào Đảng chỉ vì cán bộ đảng viên suy thoái biến chất. Đạo đức cách mạng xa lạ, đối lập với chủ nghĩa cá nhân cho nên, để có đạo đức cách mạng, mỗi người, trước hết là cán bộ, đảng viên phải có đủ dũng khí và bản lĩnh “không màng danh lợi”, “tuyệt đối đứng ngoài vòng danh lợi” mà với Người, cả cuộc đời là như vậy, một tấm gương trong sáng, cao thượng, không một vết gợn.

Đạo đức Hồ Chí Minh kết tinh trong bản Di chúc của Người.

Nói về Đảng, Người nhấn mạnh trước hết về đạo đức của Đảng cầm quyền, của mỗi tế bào của Đảng là chi bộ và đảng viên. Phải suốt đời rèn luyện cần, kiệm, liêm, chính, chống chủ nghĩa cá nhân để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của Đảng là phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

Trong Di chúc, lời căn dặn của Người về đạo đức thấm nhuần trong toàn bộ mọi nhiệm vụ, mọi công việc, phải dũng cảm hy sinh, vượt qua mọi khó khăn thử thách để đi tới thắng lợi hoàn toàn trong cuộc chống Mỹ, cứu nước.

Người đặc biệt quan tâm tới giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, lớp người kế tục sự nghiệp cha anh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Đảng ta, như Người khẳng định “là một Đảng cầm quyền”, nên đạo đức trong Đảng, trước hết là đoàn kết thống nhất phải giữ gìn như giữ gìn con ngươi của mắt mình là điều hệ trọng, để dân tin, dân phục, dân yêu. Mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân làm nên sức mạnh bền vững của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đến cuộc sống của nhân dân là đạo đức và cũng là trách nhiệm. Nó phải thấm vào trong ý thức tư tưởng và tình cảm, biến thành hành động của mọi đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên của mọi tổ chức, đoàn thể. Các chủ trương, chính sách, biện pháp, các việc làm lớn nhỏ, trước mắt cũng như lâu dài mà Người nêu ra trong Di chúc, Người căn dặn chúng ta thực hiện, đều thể hiện đạo đức của người cách mạng, thực hành trong lẽ sống, lối sống vì dân, như Người đã từng nói, “làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân”, “không làm điều gì trái ý dân”, “làm đầy tớ trung thành và công bộc tận tụy của dân là lẽ sống cao thượng nhất”.

Khi nhấn mạnh “đầu tiên là công việc với con người”, trong Di chúc, Người căn dặn Đảng và Chính phủ cũng như mọi cán bộ, đảng viên phải hết lòng quan tâm chăm sóc nhân dân ở khắp mọi đối tượng, không quên, không sót một ai, nhất là phải thi hành các chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình của họ, tuyệt đối không để thân nhân và gia đình họ rơi vào cảnh đói khổ, túng thiếu. Phải giáo dục truyền thống cho lớp trẻ. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau trong tự phê bình và phê bình.

Bản thân Hồ Chí Minh, những lời Người “nói về việc riêng” cũng thể hiện những phẩm chất đạo đức cao quý, thương dân, không muốn lãng phí thì giờ tiền bạc của dân, khi Người qua đời. Đó là mong muốn, sự quan tâm chu đáo của Người và cao quý nhất là Người đã quên mình, hóa thân vào dân vào nước.

Nỗi niềm tiếc nuối của Người chỉ là “không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”, qua đó Người thể hiện rõ đạo đức của người cách mạng, suốt đời phục vụ Tổ quốc, nhân dân với tất cả tình thương và trách nhiệm. Cả cuộc đời gắn bó sâu nặng, tình nghĩa với dân với nước, Người là hiện thân cao quý của đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ, cho muôn đời noi theo.

Phong cách Hồ Chí Minh là nơi thể hiện và kết tinh cả tư tưởng và đạo đức của Người.

“Phong cách chính là con người”. Nhận xét ấy của Buýp Phông, nhà văn và triết gia Pháp đã nói được tính tổng hòa các giá trị, các phẩm chất, đặc trưng làm nên phong cách của một con người. Bậc vĩ nhân Hồ Chí Minh-con người, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Người tạc lên phong cách của Người-giản dị mà vĩ đại, vĩ đại thực sự nên giản dị đến mức tự nhiên-như đời sống của Người, không một chút nào gượng ép. Người giản dị chứ không hề giản đơn. Giản dị-đặc trưng điển hình cho phong cách của Người là nơi thể hiện tất cả sự phong phú, sâu sắc của Người, đúng như một danh ngôn của một nhà tư tưởng đã nói: Giản dị là nỗ lực cao nhất và cuối cùng của một bậc thiên tài.

Trong lối sống hằng ngày, Người thực hành tiết kiệm đến mức khắc khổ, để nêu gương suốt đời phải ơn dân, thương dân mà phải tiết kiệm, vì mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều từ mồ hôi, nước mắt của dân làm ra.

Nâng cao trách nhiệm, một lòng tận tụy cũng vì ơn dân và thương dân. Người từng nói, dân đóng thuế để chính phủ có tiền trả lương cho công chức. Nếu làm việc cẩu thả, lười biếng, tắc trách là lừa gạt dân. Còn tham ô, tham nhũng là có tội với dân với nước nên phải diệt trừ tham nhũng như diệt trừ một tội ác, trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, bất kể ở cương vị nào.

Viết Di chúc, Người viết trên mặt sau tờ tin tham khảo hằng ngày của “Việt Nam thông tấn xã”. Vậy mà, “Sau bản tin một đêm Người ký thác chuyện muôn đời” (Việt Phương).

Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của một con người ở bậc Đại trí-Đại nhân-Đại dũng, con người Việt Nam đẹp nhất. Phong cách ấy xét đến cùng là văn hóa, một bản lĩnh văn hóa của Hồ Chí Minh: Khiêm nhường và nhân ái, vị tha và bao dung, quên mình để nghĩ về tất cả. Dấn thân-Dâng hiến-Hy sinh và Hóa thân-đó là Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh.

Người thanh thản ra đi, về cõi vĩnh hằng, gặp tổ tiên và Các Mác, Lênin-nơi thế giới người Hiền. Người luôn lạc quan tin tưởng mãnh liệt, thương yêu vô hạn. Người chỉ một lòng một dạ vì dân vì nước, vì quốc tế và nhân loại, tuyệt nhiên không màng công danh, phú quý, không ham danh lợi, không chủ trương “một thứ lập” gì hết. Vậy mà Người đã “lập đức” cao quý cần, kiệm, liêm, chính, “lập công” vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì độc lập-tự do-hạnh phúc cho nhân dân. Người-một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, danh nhân văn hóa, tâm hồn lộng gió thời đại cũng là “người lập ngôn” để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Đảng là đạo đức, là văn minh”…

Cũng không thể quên rằng, trong Di chúc với hơn 1.000 từ, Người dành hết cho dân, cho nước, cho Đảng, cho dân tộc và quốc tế. Người chỉ dành cho mình đúng 79 từ. Vậy là Người đã lấy cái ít nhất về ngôn từ (tối thiểu) để tải một cái lớn nhất, nhiều nhất (tối đa) về tư tưởng. Văn học là nhân học, Hồ Chí Minh đã dùng “chữ” ít nhất để biểu đạt “nghĩa” nhiều nhất trong văn và trong đời. Xét về chữ thì Di chúc nói ít nhất về chủ nghĩa xã hội. Nhưng xét về nghĩa thì Di chúc lại nói được nhiều nhất với những tư tưởng lớn và phương pháp sáng tạo về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đó là phong cách, là bản lĩnh Hồ Chí Minh.

Nửa thế kỷ đã qua kể từ khi Người ra đi, cũng là nửa thế kỷ chúng ta học tập và làm theo Di chúc của Người, thực hiện 5 lời thề thiêng liêng khi vĩnh biệt Người.

Hai điều nổi bật nhất trong Di chúc, từ lời văn, câu chữ của Người cô đọng lại, mãi nhắc nhở chúng ta không bao giờ quên, không thể nào quên: “Trước hết nói về Đảng” và “Đầu tiên là công việc với con người”.

Phải ra sức làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Phải làm tất cả vì độc lập-tự do-hạnh phúc của nhân dân, “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”. Đó là điều thôi thúc lớn nhất đối với mỗi chúng ta. Niềm tin của dân đối với Đảng, với chế độ phải được củng cố bền chặt, bởi đó là tài sản to lớn nhất, quý giá nhất của Đảng, của cách mạng-Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, cách mạng do Người dẫn dắt từ buổi đầu của “Đường kách mệnh”.

Theo QĐND điện tử