Đầu đông, đi chợ quê giữa lòng phố Cảng
HQVN -
Dân gian có câu: "Hải Phòng có bến Sáu Kho/Có sông Tam Bạc, có lò xi măng/Nào chơi chợ Sắt, chợ Hàng/Người mua, kẻ bán rộn ràng ngược xuôi". Câu ca ấy nhắc nhớ tới chợ phiên duy nhất hiện nay còn họp tại Hải Phòng, mang đặc trưng của đồng quê Bắc bộ. Bất kể nắng, mưa, chợ luôn tấp nập kẻ mua, người bán… Với nhiều người, đi chợ Hàng trước hết là cái thú, sau mới là mua sắm.
Chợ Hàng thuộc làng Dư Hàng xưa, phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) nay. Dư Hàng vốn là làng cổ, có từ thời Tiền Lê, giàu có nổi tiếng. Người trong làng quan hệ mua bán rộng rãi với thương nhân ở nhiều địa phương khác. Vì thế, chợ từ lâu đã rất đông đúc, có nhiều mặt hàng nhưng chủ yếu bán cây, con giống và nông cụ; họp vào các ngày 5, 10, 15 âm lịch hàng tháng.
Phiên họp nào của chợ Hàng cũng rất đông người
Ngày nay, chợ Hàng họp từ sáng sớm tới trưa ngày chủ nhật hàng tuần và những ngày giáp Tết. Chợ nằm tiếp giáp với 3 đường Nguyễn Văn Linh, Miếu Hai Xã và Chợ Hàng. Phiên chợ như một nốt nhạc giữa xô bồ của phố thị; không chỉ được người địa phương yêu mến mà còn hấp dẫn khách du lịch khi đến với Hải Phòng.
Chị Trần Thị Kim Định (ở TP.Hồ Chí Minh) cho biết: Tôi mới bay ra Hải Phòng chơi với gia đình người bạn. Được giới thiệu, tôi tính ghé thăm chốc lát cho biết; không ngờ bị mọi thứ ở đây “mê hoặc” nên cứ la cà từ sáng tới trưa mà vẫn chưa muốn dời.
Vì sao chợ Hàng cuốn hút đến vậy? Trước tiên, đây là “thiên đường” dành cho những người yêu thiên nhiên. Khắp các con đường xung quanh chợ: Hoàng Minh Thảo, Chợ Hàng, đường Mương… rực rỡ hoa thơm, cỏ lạ, tràn ngập cây giống, cây cảnh… Từ giống quen thuộc ở đất Bắc đến những loại chuyển từ miền Trung, phương Nam ra hay nhập từ nước ngoài về. Từ mớ cây giống giá vài nghìn, hay giỏ hoa chỉ vài chục nghìn đến những cây thế có giá cả tỷ đồng. Mặt hàng rau giống cũng vô cùng phong phú, nào hành, tỏi, bắp cải, su hào, muống, dền, ngót, mùng tơi… rau nào cũng có, giá thì rẻ như ở các chợ quê.
Nếu những con đường đầy cây, hoa khiến người xem không chán mắt thì khu bán con giống bên trong chợ làm khách đi chợ vui thích không kém. Nào lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo, chim, cá; nào thỏ, chuột hamster, rùa… đủ giống, loài, xuất xứ, kích cỡ, màu sắc. Hết góc này đến góc khác, góc nào cũng vui, cũng rộn ràng tiếng cười, nói, mặc cả trả giá. Xen giữa các hàng cây, con giống có những hàng bán nguyên, phụ liệu phục vụ cho việc trồng trọt và chăn nuôi.
Ngoài những tiểu thương chuyên nghiệp, chợ có những người bán đặc biệt, họ mang vật nuôi, sản vật của gia đình đến bán hoặc chỉ để trao đổi kinh nghiệm với những người cùng chung sở thích. Có người mang cặp chó con đến bán bởi mẹ nó ở nhà đẻ nhiều quá, không chăm xuể. Có người vì chán chơi con cu gáy mới mua, thế là đem ra chợ rao bán hoặc đổi con chim khác…
Khách mua cây cảnh về trang trí ngôi nhà của mình chuẩn bị đón Tết
Ở đây có một khu vực gợi thương nhớ cho những người nặng lòng với thôn quê, với văn hóa dân gian, đó là khu bán các vật dụng gia dụng gắn liền cuộc sống nông thôn. Những chiếc nơm, rổ, rá, nong, nia, giần, sàng… làm bằng tre; giá cao nhất chỉ vài chục nghìn đồng nhưng dùng rất bền. Nhìn chúng, ta thấy hình ảnh người nông dân vừa cần cù vừa khéo léo trong lao động, thấy lũy tre làng bình yên… Ở đây còn có những đồ khó mà tìm được ở chỗ khác như: Kiềng đun bếp củi, liềm, cuốc, quang gánh…
Ông Ngọc-thợ rèn kể, nhà ông ở xã Bát Trang, huyện An Lão. Chủ nhật hằng tuần, ông chạy xe ra đây bán hàng và nhận hàng đặt của khách. Khách đến với ông rất đông nên mỗi phiên chợ không làm xuể, phải về nhà làm thêm. Ông gắn bó với chợ cũng hơn 40 năm rồi. Ông đang truyền nghề cho con trai. Chừng nào không còn sức khỏe để đi chợ nữa thì ông mới thôi.
Những năm gần đây, chợ Hàng hút khách hơn khi trở thành nơi mua bán đồ cũ đủ loại: Loa đài, quạt điện, nồi cơm điện, máy khoan, nồi niêu, xoong, chảo, bát, đĩa… Đi chợ, nhiều người lấy làm phấn khởi khi tìm được đồ vật có thể thay thế đồ hỏng của gia đình mà giá rất rẻ. Ở đây cũng hình thành một nghề độc đáo: nghề mua bán đồ cũ, không giới hạn chủng loại, đồ gì cũng được, miễn là cũ.
Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng chia sẻ: Mặc dù cách xa gần 30km nhưng mỗi tháng tôi đi chợ 1 hoặc 2 lần. Ở chợ có những loại hàng mà các chợ khác không có. Tôi đi chợ để mua sắm, tham quan hay đơn giản chỉ để ngắm nhìn cuộc sống, tận hưởng một không gian rất khác của thành phố.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, chợ Hàng tấp nập người đến đông hơn. Hàng hóa phong phú với đủ mức giá, thế nhưng đôi khí giá cả không quan trọng, thuận thì bán, ưng thì mua. Tất cả hoạt động mua bán cứ thế diễn ra tự nhiên, chân chất, đậm chất làng quê.
Những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ trong phiên chợ giữa phố Cảng sôi động, nhộn nhịp như sợi dây liên kết giữa hiện tại và quá khứ. Có lẽ bởi vậy, chợ Hàng ngày càng hút nhiều người tìm đến như tìm đến một địa điểm văn hóa cộng đồng giữa cuộc sống hiện đại ngày nay.
Bài, ảnh: Bảo Ngọc
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Ấn tượng triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” - ( 24-11-24 09:00 )
- Vùng 3: Giao nhiệm vụ cho lực lượng tham liên hoan nghệ thuật quần chúng - ( 23-11-24 01:00 )
- Bế mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 - ( 20-11-24 10:00 )
- Quân chủng Hải quân khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2024 - ( 18-11-24 10:00 )
- Rau càng cua - ( 17-11-24 08:00 )