Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội: TỪ ĐẠI HỘI LẦN THỨ IV ĐẾN ĐẠI HỘI LẦN THỨ VI
Đại hội lần thứ IV của Đảng: Hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976. Ảnh: TL
Ðại hội lần thứ IV của Ðảng họp từ ngày 14 đến 20-12-1976 tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.008 đảng viên thay mặt hơn 1,55 triệu đảng viên trong cả nước. Dự đại hội có 29 đoàn đại biểu quốc tế.
Đại hội lần thứ IV của Đảng là đại hội toàn thắng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tổng kết những bài học lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa cả nước tiến lên CNXH.
Đại hội đã vạch ra đường lối, chủ trương xuyên suốt giai đoạn này là thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, cải tạo XHCN, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội; đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN, xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của CNXH.
Về công tác xây dựng Ðảng, Đại hội đã tổng kết những kinh nghiệm tích lũy được trong mấy chục năm qua; xác định nhiệm vụ, phương châm và biện pháp công tác Đảng trong giai đoạn mới, bảo đảm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ mới.
Ðại hội quyết định lấy lại tên ban đầu của Ðảng là Ðảng Cộng sản Việt Nam; bầu BCH Trung ương gồm 101 ủy viên chính thức, 32 ủy viên dự khuyết. BCH Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên chính thức và ba ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư của Ðảng.
Ðại hội lần thứ V của Ðảng: Tất cả vì Tổ quốc XHCN, vì hạnh phúc của nhân dân
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1982 tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TL
Ðại hội lần thứ V của Ðảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1982 tại Thủ đô Hà Nội. Dự đại hội có 1.033 đại biểu đại diện cho hơn 1,72 triệu đảng viên trong cả nước.
Đại hội đánh giá toàn diện những thắng lợi mà Đảng và nhân dân ta giành được trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975. Đại hội khẳng định toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã khắc phục những hậu quả nặng nề do chiến tranh xâm lược và thiên tai gây ra, khôi phục và phát triển sản xuất, phân bố lại lao động xã hội, củng cố quan hệ sản xuất XHCN. Ở miền Nam, công cuộc cải tạo XHCN đạt được những kết quả bước đầu.
Đại hội bầu BCH Trung ương gồm 116 ủy viên chính thức, 36 ủy viên dự khuyết. BCH bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được BCH Trung ương bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư của Đảng.
Ngày 10-7-1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. BCH Trung ương họp phiên đặc biệt vào ngày 14-7-1986, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.
Đại hội lần thứ VI của Đảng: Khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18-12-1986. Ảnh: TL
Đại hội lần thứ VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 đến 18-12-1986 tại Thủ đô Hà Nội. Có 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng dự đại hội.
Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, tự phê bình về những sai lầm, khuyết điểm, đổi mới tư duy lý luận trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm từ thực tiễn, Đại hội đề ra đường lối đổi mới: Trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế (cơ cấu công-nông nghiệp; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp; công nghiệp nặng và kết cấu hạ tầng; cơ cấu kinh tế huyện). Thực hiện 3 chương trình kinh tế bao gồm: Chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng; chương trình hàng xuất khẩu. Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất XHCN, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế.
Đại hội VI đã đưa ra quan điểm mới về cải tạo XHCN dựa trên 3 nguyên tắc: Nhất thiết phải theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất để xác định bước đi và hình thức thích hợp. Phải xuất phát từ thực tế của nước ta và là sự vận dụng quan điểm của Lê-nin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ. Trong công cuộc cải tạo XHCN, phải xây dựng quan hệ sản xuất mới trên cả 3 mặt xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối XHCN.
Đại hội bầu BCH Trung ương gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. BCH Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết, bầu Ban Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ làm Cố vấn BCH Trung ương Đảng.
Báo HQVN điện tử (Tổng hợp)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia - ( 24-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 171: Hội nghị Quân chính năm 2024 - ( 23-11-24 05:00 )
- Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân đào tạo nhận thức chung Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 - ( 23-11-24 05:00 )
- Lữ đoàn 169 tập huấn hàn, cắt, gia công cơ khí - ( 23-11-24 01:00 )
- Học viện Hải quân: Bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức hải quân Khóa 30 - ( 23-11-24 01:00 )