Đại tá, Nhạc sĩ, NSƯT Phạm Nguyễn: Những giai điệu “sóng biển” mãi dạt dào
HQVN -
Tiếng dương cầm du dương, thánh thót như gọi mùa xuân về với biển, đảo yêu thương. Nhẹ nhàng lướt tay trên từng phím đàn, Đại tá, Nhạc sĩ, NSƯT Phạm Nguyễn, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Văn công Hải quân thả hồn bay bổng theo từng nốt nhạc của ca khúc“Ra khơi mang tình mẹ”. Dường như tình yêu biển, đảo, bộ đội Hải quân hòa vào đam mê âm nhạc luôn trẻ mãi trong tim người nhạc sĩ “gạo cội”của Hải quân.
Yêu và đam mê…
Ngồi trong “ngôi nhà thứ hai” - Đoàn Văn công Hải quân, nhìn ra ngoài trời mưa xuân lất phất, Nhạc sĩ Phạm Nguyễn kể cho tôi nghe ký ức về những ngày đã xa:
- Tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 1964, khi mới 16 tuổi và đang là vận động viên bơi lội của TP. Hải Phòng. Vào quân đội, tôi được huấn luyện rồi trở thành chiến sĩ ra đa tàu thuộc Trung đoàn 171 Hải quân (nay là Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân) và trở thành “cây đơn ca” của đơn vị. Trong một lần Văn công Hải quân xuống thâm nhập tàu tôi đã hát giao lưu bài “Đào công sự”. Một tháng sau thì có quyết định về Đoàn Văn công Hải quân, tôi trở thành lính nghệ thuật từ đó...
Rót chén trà nóng mời người thân, Thượng tá QNCN, Nhạc sĩ, NSƯT Hoàng Nguyên, Phó Đoàn trưởng Đoàn Văn công Hải quân tiếp lời:
- Sau khi trở thành ca sĩ của Đoàn, anh Nguyễn đã cùng các ca sĩ, diễn viên của Đoàn đi dọc Bắc, Trung, Nam biểu diễn phục vụ bộ đội Hải quân và nhân dân cả nước. Có những chuyến đi rất đáng nhớ như: Biểu diễn phục vụ quân dân vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị trong lễ trao trả tù binh; biểu diễn phục vụ các đơn vị từ Nha Trang, Phú Quốc, Cà Mau những ngày đầu đất nước vừa thống nhất...
NSUT Phạm Nguyễn (người thứ 6, hàng thứ nhất từ bên phải sang) cùng tốp xung kích Văn công Hải quânbiểu diễn phục vụ bộ đội Pháo Cao Xạ trên cao điểm đảo Bạch Long Vĩ, năm 2002. Ảnh: CTV
Ngừng một lát, Nhạc sĩ Hoàng Nguyên kể tiếp:
- Đến năm 1976, khi Đoàn Văn công Hải quân giải tán, anh Nguyễn là một trong những hạt nhân được giữ lại, công tác tại Phòng Văn hóa (nay là Nhà Văn hóa, Cục Chính trị Hải quân) làm công tác phong trào, hướng dẫn âm nhạc, dạy đàn, hát cho bộ đội. Anh cùng cán bộ Phòng đã thường xuyên có mặt ở các khu vực Cửa Hội, Nha Trang, Phú Quốc... để “đào tạo” hạt nhân văn hóa, văn nghệ cho các đơn vị Hải quân. Chính quá trình thâm nhập trải nghiệm thực tế ở các đơn vị trong Quân chủng đã giúp anh có những chất liệu phong phú, đa dạng trong các sáng tác sau này.
Nhạc sĩ Phạm Nguyễn cho biết:
- Năm 1978, tôi được Đoàn tạo điều kiện cho đi học tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, trước đó đã được học vài khóa về âm nhạc ở Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Năm 1984, tôi về lại Đoàn khi Đoàn Văn công Hải quân đã được thành lập lại.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên nhớ lại:
- Sau khi trở về Đoàn, anh Nguyễn được bổ nhiệm làm Phó Đoàn trưởng Đoàn Văn công Hải quân. Cũng trong năm 1984, anh Nguyễn lần đầu tiên dẫn Đội xung kích của Đoàn ra Trường Sa biểu diễn. Thời đó đảo còn rất nhiều khó khăn, nhất là phương tiện nghe nhìn còn thiếu thốn nên khi biết có Văn công Hải quân ra đảo biểu diễn anh em vui và cảm động lắm. Có những đêm muộn, bộ đội thắp đèn dầu ngồi nghe văn công hát, còn ca sĩ chỉ với 1 đàn Ắc-coóc, 1 ghi ta là hát vo. Hát xong, mặt ca sĩ và bộ đội đảo đều đen nhẻm vì cùng ngồi chắn gió cho đèn... Tính đến nay, anh Nguyễn đã ra Trường Sa 26, 27 chuyến rồi.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên mở máy tính chỉ cho tôi xem những bức ảnh “độc” ở Trường Sa hồi đó và kể tiếp:
- Năm 1990, anh Nguyễn bắt đầu sáng tác. Các tác phẩm cứ nối nhau ra đời, nóng hổi, thổn thức và được bộ đội Hải quân đón nhận vì nó gần gũi, nói đúng tâm tư, tình cảm, cuộc sống của những người lính biển. Sức sống của các ca khúc: “Bác về thăm biển”, “Ra khơi mang tình mẹ”, “Em chỉ hát lời của biển”... một thời lay động bao con tim lính biển, đến bây giờ vẫn được nhiều người yêu thích.
Nhạc sĩ Phạm Nguyễn cười bảo:
- Hoàng Nguyên là người đầu tiên hát ca khúc đầu tay của tôi đấy, có khi “hắn” còn nhớ lời hơn cả mình!
Nghe vậy, nghệ sĩ Hoàng Nguyên liền ôm cây ghi ta và giới thiệu:
- “Biển và em”, nhạc và lời Phạm Nguyễn: “Khi anh yêu biển, như anh yêu em. Biển êm vỗ về, mơn man bờ cát. Khi anh xa biển, như anh xa em, là nỗi nhớ trong lòng anh, niềm khao khát giữa biển xanh, nhớ mãi... Anh là chim ưng, là gió khơi về, em là bờ xa, là cánh buồm nhỏ... Sóng dâng biển trào, khúc ca ngọt ngào, tình anh, người lính biển yêu mãi biển và em”.
Tay dừng lại trên dây đàn, Hoàng Nguyên nói tiếp:
- Anh Nguyễn so sánh tình yêu của mình với biển như tình yêu với người mình yêu. Lúc đầu, chỉ là tình cảm của cá nhân nhạc sĩ thôi nhưng vì cái hồn biển trong anh quá thấm đẫm nên khi lời hát từ trái tim anh ấy vang lên đã lay động tâm hồn bao người lính biển, đảo…
- Vậy nhạc sĩ tâm huyết nhất với nhạc phẩm nào nhất?-Tôi quay qua Phạm Nguyễn hỏi.
- “Hoa và cát”- Đó là bài tôi tư duy ấp ủ rất nhiều năm, mãi đến năm 1997 mới viết được. Bài hát lấy hình ảnh bông hoa muống biển ôm mãi bờ cát giống như bộ đội Hải quân mãi ôm và giữ đảo, trong đó có câu: “Biển ngàn đời mặn chát mà trong tôi vẫn khao khát biển ơi”. Bài hát này, ca sĩ Ngọc Anh nhóm A3 thể hiện rất nội tâm và đã được Hãng đĩa hát Việt Nam thu đĩa.
- Nhưng chỉ có ca khúc “Em chỉ hát lời của biển” là nhạc sĩ sử dụng chất liệu Tây Nguyên? - Tôi hỏi tiếp.
- Đúng vậy, tôi rất thích âm nhạc Tây Nguyên, khỏe khoắn và nồng nàn. Nó thể hiện được tình cảm của mình với biển, đảo: “Con chim nhỏ của tôi, sao không hát giữa rừng xanh, sao không hát giữa đồng xanh, chim chỉ hát lời của biển, chim chỉ hát lời đảo nhỏ”.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên nói thêm:
- Từ một bài hát viết cho hội diễn nghệ thuật quần chúng, sau này, “Em chỉ hát lời của biển” đã lan tỏa rộng rãi, được nhiều ca sĩ thể hiện thành công như: Phương Anh, Nhiên Hương, Thu Lan...
Dạt dào tình biển...
Trong một buổi trò chuyện về nhạc sĩ Phạm Nguyễn, Thiếu tá CN Nguyễn Phương Anh, ca sĩ Đoàn Văn công Hải quân đã chia sẻ:
- Anh chị em trong Đoàn thường gọi thân mật Nhạc sĩ Phạm Nguyễn là “Bố Lũng”, bởi bố là người sống rất tình cảm và tâm huyết với nghề. Các ca khúc do bố sáng tác đều mang đậm hơi thở của biển, gắn bó với bộ đội Hải quân. Trong đó, ca khúc “Em chỉ hát lời của biển” mình đã hát nhiều lần trong các chương trình lớn về biển, đảo; tại các đơn vị Hải quân và các chuyến cùng Đoàn công tác Quân chủng ra nước ngoài đối ngoại quốc phòng...
Còn Trung tá Bùi Ngọc Lâm, Trợ lý âm nhạc, Phòng Văn hóa-Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị thì cho biết: Thế hệ nhạc sĩ trẻ chúng tôi luôn trân trọng, biết ơn nhạc sĩ Phạm Nguyễn đã dìu dắt, “thắp lửa” tình yêu và niềm say mê sáng tác âm nhạc về biển, đảo. Những cung bậc cảm xúc chân thật ấy đã được nhạc sĩ đưa vào sáng tác của mình, vì thế các nhạc phẩm thường rất gần gũi với người lính biển. Các ca khúc ấy không chỉ mang tính nghệ thuật, giải trí mà còn có ý nghĩa chính trị, phục vụ công tác tuyên truyền... Nhạc sĩ Phạm Nguyễn là người có nhiều đóng góp và là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu trong nền âm nhạc truyền thống của Hải quân.
NSƯT Phạm Nguyễn trong một buổi hòa thanh. Ảnh: Thùy Liên
Trở lại cuộc trò chuyện với hai nhạc sĩ của biển, tôi hỏi về các ca khúc mang ý nghĩa chính trị của Nhạc sĩ Phạm Nguyễn thì Nhạc sĩ Hoàng Nguyên trả lời:
- Nhiều lắm chứ, viết về Đoàn tàu Không số, anh Nguyễn có bài “Kỷ niệm những con tàu Không số”, “Bến đợi”; kỷ niệm 50 năm đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5-8, anh viết “Kí ức đánh thắng trận đầu” hay “Bài ca người chiến sĩ săn tàu”, “Dấu chân người chiến sĩ Đặc công” anh viết cho Lữ đoàn 126; “Rồng lửa ta bay” cho Lữ đoàn 679...
Dù đã nghỉ hưu nhưng Nhạc sĩ Phạm Nguyễn vẫn sáng tác. Gần đây là bài “Cung trầm biển sâu” viết về tàu ngầm Hải quân. “Người lính vẽ hoa trên sóng” Nhạc sĩ viết cho Viện Kỹ thuật Hải quân dịp kỷ niệm ngày thành lập. Và “Năm cánh sao biển”, Phạm Nguyễn mới sáng tác gần đây có ý tưởng chủ đạo là năm cánh sao nhỏ ghép thành một ngôi sao lớn đại diện cho các lực lượng chính hình thành nên Quân chủng Hải quân hôm nay. Nhiều nhạc phẩm của ông đã và đang được Đoàn Văn công Hải quân dàn dựng công phu.
Và rồi, những nốt nhạc thiết tha, sâu lắng lại vang lên khi nhạc sĩ Phạm Nguyễn lướt ngón tay trên các phím đàn, nghệ sĩ Hoàng Nguyên thì ngân nga ca khúc “Người về thăm biển”: “Con tàu buông neo, con sóng vui reo vỗ nhẹ mạn tàu… Bao ngày mong đợi trào dâng lên môi: Bác ơi! Bác đã về rồi…”. Ngay sau đó, những giai điệu lại tuôn chảy, nhảy nhót theo tiếng đàn của bài “Ra khơi mang tình mẹ”: Ra khơi đêm nay, sao thắp giữa bầu trời như mắt mẹ nhìn theo bao thân thương. Trường Sa-Cô Tô-Lạch Trường, tàu đi qua bao dặm đường giữ yên Tổ quốc...”.
Những giai điệu “sóng biển” cứ mãi dạt dào trong trái tim người nhạc sĩ của biển như lời Đại tá, Nhạc sĩ, NSƯT Phạm Nguyễn nồng nàn:
- Là chiến sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ mặc áo lính, cuộc sống bao năm gắn bó với tàu, biển, đảo và bộ đội Hải quân nên lúc nào tôi cũng thầm cảm ơn bộ đội Hải quân đã cho tôi trải nghiệm và tạo nguồn cảm hứng để sống và sáng tác như bao năm qua. Cả cuộc đời tôi đã dành tình yêu và đam mê sáng tác âm nhạc cho biển, đảo, bộ đội Hải quân nên nếu còn sức khỏe và điều kiện cho phép tôi sẽ còn sáng tác về biển, đảo và người lính biển hôm nay!
Thùy Liên
Những giải thưởng âm nhạc của Nhạc sĩ Phạm Nguyễn:
Ca khúc “Biển và em” đạt giải A cuộc thi viết về năm thanh niên tổ chức tại Hải Phòng; “Hoa và cát” đạt giải A Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật toàn quốc và giải Ba Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam; “Mưa rơi em hát”, “Như lời câu hát lý thương nhau” đạt giải Ba Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam; “Bát canh đảo xa”, “Bốn mùa ra khơi” đạt giải Nhì và “Bến đợi” đạt giải Ba Giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng về văn học, nghệ thuật; “Chim biển” đạt giải Ba Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm và giải A Cuộc thi viết về lực lượng vũ trang toàn quân do Tổng cục Chính trị tổ chức; “Em chỉ hát lời của biển” đạt giải Nhì Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Ấn tượng triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” - ( 24-11-24 09:00 )
- Vùng 3: Giao nhiệm vụ cho lực lượng tham liên hoan nghệ thuật quần chúng - ( 23-11-24 01:00 )
- Bế mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 - ( 20-11-24 10:00 )
- Quân chủng Hải quân khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2024 - ( 18-11-24 10:00 )
- Rau càng cua - ( 17-11-24 08:00 )