Đại hội Đảng lần thứ XIII: Dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước

HQ Online -

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là đại hội thường kỳ của Đảng, họp 5 năm một lần, là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam và là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước.

1.587 ĐẠI BIỂU THAM DỰ ĐẠI HỘI

Đại hội lần thứ XIII của Đảng được triệu tập từ ngày 25-1 đến ngày 2-2-2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Đại hội sẽ họp phiên trù bị ngày 25-1, phiên khai mạc diễn ra vào 8 giờ sáng ngày 26-1.

Thành phố Hà Nội được trang hoàng cờ, hoa rực rỡ chào đón Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Đại hội lần thứ XIII sẽ thảo luận và thông qua 6 nội dung quan trọng gồm: Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thưc hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII (trình Đại hội XIII); Bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (nhiệm kỳ 2021-2026)-cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội.

Theo dự kiến, tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên. Trong đó, đại biểu đương nhiên là 191 (là các Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm), chiếm tỷ lệ 12,03%; đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương là 1.381, chiếm tỷ lệ 87,01%; đại biểu chỉ định là 15, chiếm tỷ lệ 0,94%. Đại biểu có trình độ từ thạc sỹ trở lên là 67,67% (cập nhật từ Ban Tổ chức Trung ương ngày 6-1-2021).

Ngoài đại biểu chính thức, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam mời các vị nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa III đến khóa VII; đại diện Mẹ Việt Nam anh hùng; đại diện nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu… đến dự Đại hội XIII.

6 NHIỆM VỤ VÀ 3 ĐỘT PHÁ

Việc xây dựng các dự thảo văn kiện được chuẩn bị từ rất sớm, công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị. Dự thảo các văn kiện được lấy ý kiến rất rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân, cả trong nước và ở nước ngoài. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của toàn dân, Tiểu ban Văn kiện Đại hội đã tiếp thu, bổ sung và hoàn chỉnh dự thảo các Văn kiện trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét thông qua để trình ra Đại hội XIII.

Các văn kiện trình Đại hội XIII lần này, mà trung tâm là Báo cáo chính trị, không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (thời điểm tròn 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (thời điểm tròn 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam); và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (thời điểm tròn 100 năm thành lập nước). Đây sẽ là những dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội của Đảng lần này đã đề ra mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phôn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dự thảo đề ra 3 mục tiêu cụ thể:

Thứ nhất, đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Thứ hai, đến năm 2030-kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Thứ ba, đến năm 2045-kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện được các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể nêu trên, dự thảo văn kiện đã xác định 3 nội dung mới mang tính đột phá, trong đó:

Một là đã bổ sung và làm rõ hơn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong lãnh đạo phát triển đất nước.

Hai là xác định rõ hơn các mối quan hệ lớn, nhất là mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường...

Ba là bổ sung, cụ thể hoá ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng để ra cho phù hơp với giai đoạn phát triển mới, bao gồm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Về các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp, dự thảo đã bám sát tình hình và xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021-2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với nhiều nội dung đổi mới quan trọng.

Báo Hải quân điện tử (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn