Cựu chiến binh Trường Sa nặng lòng với đồng đội
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, từ hai bàn tay trắng, cựu chiến binh Trần Văn Xuất đã vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành chủ Cơ sở nghệ thuật điêu khắc đá mỹ nghệ Xuất Ánh ở làng đá Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng).
Cùng với tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động là con em cựu chiến binh, mỗi năm, ông còn dành hàng trăm triệu đồng hỗ trợ đồng đội và các hoạt động an sinh xã hội.
Gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
Tôi đến Cơ sở nghệ thuật điêu khắc đá mỹ nghệ Xuất Ánh đúng lúc ông Trần Văn Xuất xách túi cá từ bãi biển Non Nước về. Nước da đen sạm cùng với bộ quần lửng, áo cộc đã cũ, nếu chưa quen biết có lẽ nhiều người sẽ nhầm tưởng ông là người bảo vệ ở đây.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông giải thích: "Cá biển đó. Ngày nào tôi cũng đi thả lưới. Không phải vì nhà thiếu thức ăn mà vì nhớ biển. Hồi còn ở đảo, thả câu, giăng lưới bắt cá quen rồi, bây giờ một ngày không đi không chịu được".
Trò chuyện với ông, tôi được hiểu thêm nhiều về cuộc sống, những khó khăn, vất vả cũng như tình cảm đồng chí, đồng đội thiêng liêng của người lính biển ngoài Trường Sa những năm 80 của thế kỷ trước. Qua những câu chuyện của ông, tôi thật khâm phục ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu chính đáng của người cựu chiến binh Trường Sa.
Tháng 2-1984, chàng trai trẻ Trần Văn Xuất lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Sau thời gian huấn luyện tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trần Văn Xuất được phân công ra công tác ở đảo Trường Sa Đông cho đến ngày xuất ngũ. Tháng 3-1987, Trần Văn Xuất hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, với gia tài duy nhất là chiếc ba lô con cóc sờn cũ và mấy con ốc biển mang về từ đảo.
Ông Xuất nhớ lại: "Những năm 80 chưa có chế độ, chính sách học nghề cho bộ đội xuất ngũ. Khi đó, tôi chỉ muốn được tiếp tục vươn khơi bám biển. Thế nhưng, mấy tháng trời ròng rã tìm đến các công ty thủy sản ở các tỉnh duyên hải miền Trung để xin đi biển làm nghề đánh cá mà không có nơi nào nhận. Trở về quê hương, tôi làm đủ nghề kiếm sống, từ đốn củi, trồng khoai lang, nuôi heo đến khai thác đá (khi ấy thành phố chưa cấm khai thác đá ở núi Ngũ Hành Sơn)... nhưng cái nghèo vẫn đeo bám".
Cựu chiến binh Trần Văn Xuất đánh bắt cá tại bãi biển Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Ảnh do nhân vật cung cấp
Năm 1992, TP Đà Nẵng có chủ trương cấm khai thác đá ở núi Ngũ Hành Sơn, ông Xuất bắt đầu vừa học vừa làm công cho một cơ sở đá mỹ nghệ tại địa phương. Ông miệt mài tìm tòi, học hỏi, nâng cao kỹ năng chế tác, đồng thời chắt chiu, dành dụm từng đồng và ấp ủ quyết tâm làm giàu chính đáng. Ngoài giờ làm, ông nhặt nhạnh từng mảnh đá đem về nhà, mày mò chạm khắc, sáng tạo ra các mẫu mã.
Nhờ chịu khó, ông đã tích cóp được một số lượng sản phẩm khá lớn với hàng trăm mẫu mã. Đến năm 1993, Trần Văn Xuất đã chính thức mở xưởng sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ trên đường Huyền Trân Công Chúa. “Nói là xưởng cho oai chứ khi ấy chỉ có vài anh em đồng ngũ vừa làm vừa học. Cửa hàng chỉ có 1-2 cái tủ nhỏ để trưng bày sản phẩm”-ông Xuất chia sẻ.
Trong những ngày đầu bước vào kinh doanh, may mắn và cơ hội đã đến với Trần Văn Xuất. Đúng thời điểm này, lượng du khách đến Đà Nẵng tăng cao và khu danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn. Nhiều du khách dừng chân chiêm ngưỡng người thanh niên mặc áo lính cặm cụi đục, khắc, biến những hòn đá vô tri thành những sản phẩm có hồn với đường nét tinh xảo.
Trần Văn Xuất được nhiều du khách đặt hàng với số lượng lớn để làm quà tặng khi về nước. Khi đã có những đơn hàng tương đối và có chút vốn liếng, ông bắt đầu nhập những tảng đá lớn về sản xuất ra những bức tượng lớn hơn để trưng bày, đồng thời tìm hiểu, làm quen với các hãng lữ hành, tìm hiểu phương thức xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Ông đến ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản, rồi vào TP Hồ Chí Minh tìm công ty vận chuyển. Niềm vui đã đến với vợ chồng ông khi năm 1996, Cơ sở nghệ thuật điêu khắc đá mỹ nghệ Xuất Ánh xuất khẩu thành công lô hàng đầu tiên sang Đức, với trị giá 3.500USD.
Với sự thông minh, tháo vát, tay nghề tinh xảo và sự quan tâm chu đáo đến người lao động, cơ sở của gia đình ông Xuất thu hút được nhiều thợ giỏi. Khách hàng trong và ngoài nước đến với cơ sở ngày càng nhiều. Xuất phát từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình cựu chiến binh Trần Văn Xuất đã có cơ ngơi hai cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ, với diện tích gần 14.000m2, doanh thu mỗi năm 10-12 tỷ đồng; đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.
Sản phẩm ở cơ sở của ông có hàng trăm chủng loại, từ những mặt hàng đá mỹ nghệ tiên tiến cho đến các sản phẩm chế tác theo nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa; từ những chiếc vòng đeo tay giá chỉ 5-10 nghìn đồng đến những bức tượng có giá lên đến hàng tỷ đồng. Hiện nay, sản phẩm đá mỹ nghệ Xuất Ánh đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Australia, Canada...
Những việc làm nghĩa tình
Không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng, là tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở địa phương, cựu chiến binh Trần Văn Xuất còn có nhiều đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ đồng đội...
Mặc dù công việc kinh doanh rất bận rộn nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội những ngày trên đảo năm xưa với Trần Văn Xuất không bao giờ phai nhạt. Năm 2005, trong một lần vào thăm vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), khi nhìn ra biển, những ký ức, nỗi nhớ đảo, nhớ đồng đội lại vọng về da diết và ông tự nhủ sẽ đi tìm bằng được các anh em đã từng sống, công tác trên đảo Trường Sa Đông năm xưa.
Nghĩ sao làm vậy, từ năm 2005 đến 2007, Trần Văn Xuất đã lặn lội đi mấy chục tỉnh, thành phố từ Bắc chí Nam để thực hiện tâm nguyện của mình. Và tâm sức của ông đã được đền đáp bằng kết quả tìm gặp được 27 đồng đội năm xưa.
Ông Xuất bồi hồi nhớ lại: “Cuộc sống của người lính đảo khi ấy khó khăn lắm. Hồi đó trên đảo có 31 anh em. Sau khi xuất ngũ, cuộc sống mưu sinh đã làm cho chúng tôi không có điều kiện để liên lạc với nhau. Nhưng chính những khó khăn, vất vả, những câu chuyện, những tâm sự chúng tôi chia sẻ khi còn ở đảo là đầu mối giúp tôi tìm lại địa chỉ của các anh em”.
Tuy đã cố gắng hết tâm sức nhưng ông vẫn đau đáu trong lòng vì còn 3 đồng đội nữa chưa tìm và liên lạc được. Vì vậy, đầu năm 2007, ông bàn với vợ ý định xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa Đông ngay trong khuôn viên gia đình. Mới đầu vợ ông còn băn khoăn nhưng ông thuyết phục bà: "Dù đã 30 năm tạm biệt Trường Sa Đông nhưng trong lòng tôi thấy mình chưa bao giờ xa nơi ấy. Trường Sa Đông đã lưu giữ quãng đời tuổi trẻ của tôi bên những đồng đội thân yêu. Giờ đây còn 3 đồng đội tôi vẫn chưa tìm được. Mô hình cột mốc hoàn thành, biết đâu có một ngày họ đi qua sẽ nhìn thấy...".
Sau 5 tháng thi công, tháng 10-2007, mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông trong khuôn viên Cơ sở nghệ thuật điêu khắc đá mỹ nghệ Xuất Ánh (đường Trường Sa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) làm bằng đá hoa cương, cao 6m; đáy hình vuông, mỗi cạnh 1,5m đã hoàn thành. Ngày 23-6-2016, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục “Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông bằng đá hoa cương trên đất liền lớn nhất”.
Ông Xuất phấn khởi cho biết: "Ngay sau khi hoàn thành, mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Hằng năm, mô hình cột mốc được hàng nghìn lượt học sinh trên địa bàn và du khách đến tham quan, học tập.
Qua những câu chuyện bên mô hình cột mốc này, tôi đã hỏi thăm được thông tin của các đồng đội năm xưa. Nhờ đó, tôi đã tìm được 3 đồng đội còn lại. Cũng tại mô hình cột mốc, tôi đã tổ chức gặp mặt đồng đội cũ từ Bắc chí Nam. Khi anh em về đây gặp mặt, gia đình tôi đã hiểu được ý nghĩa, những công việc thầm lặng mà tôi đã làm bao năm qua".
Để kịp thời động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, năm 2010, sau khi hoàn thành tâm nguyện tìm đủ đồng đội đã cùng sống, công tác trên đảo Trường Sa Đông, cựu chiến binh Trần Văn Xuất đứng ra thành lập Ban liên lạc Bộ đội đảo Trường Sa Đông thời kỳ 1980-1990, với tổng số 80 thành viên trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hằng năm, cùng với tổ chức họp mặt nhằm động viên, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, Ban liên lạc còn hỗ trợ, giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ủng hộ toàn bộ chi phí cho các lần họp mặt, đến nay, ông Trần Văn Xuất đã hỗ trợ 15 hội viên có hoàn cảnh khó khăn từ 10-15 triệu đồng/người để phát triển kinh tế, sửa chữa nhà ở... Mỗi năm, gia đình cựu chiến binh Trần Văn Xuất còn ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động tình nghĩa, nhân đạo, khuyến học... tại địa phương. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP Đà Nẵng đến nay, gia đình cựu chiến binh Trần Văn Xuất đã trao quà hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương trị giá hơn 65 triệu đồng.
Một điều đáng quý và đáng trân trọng mà cựu chiến binh Trần Văn Xuất đã thực hiện là: 70 lao động thường xuyên làm việc tại Cơ sở nghệ thuật điêu khắc đá mỹ nghệ Xuất Ánh, với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng đều là con em của các cựu chiến binh, bộ đội xuất ngũ ở địa phương.
Nhận xét về cựu chiến binh Trần Văn Xuất, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hữu Trung khẳng định: “Đồng chí Xuất không chỉ là tấm gương sáng cựu chiến binh làm kinh tế giỏi mà còn tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa tại địa phương. Nhiều năm nay, mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông trong khuôn viên Cơ sở nghệ thuật điêu khắc đá mỹ nghệ Xuất Ánh trở thành địa chỉ tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cho học sinh và thế hệ trẻ”.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn