Cựu chiến binh Hải quân làm kinh tế giỏi

Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân”, không chịu khuất phục trước khó khăn, cựu chiến binh (CCB) Trịnh Văn Doanh ở phường Đông Hải 1, quận Hải An, TP. Hải Phòng đã không ngừng phấn đấu vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi.

Từ người lính Trường Sa

Tháng 11 - 1978, ông Trịnh Văn Doanh tình nguyện viết đơn nhập ngũ vào Quân chủng Hải quân. Trong quá trình công tác, nhờ tích cực học tập, rèn luyện, ông được cử đi học tại Khoa Hàng hải, Trường Trung cấp Hải sản Hải quân thuộc Cục Xây dựng kinh tế, Quân chủng Hải quân. Kết thúc khoá học, ông Doanh được cấp trên điều động về Hải đoàn 128 công tác. Thực hiện chỉ thị của Bộ Tư lệnh Hải quân về việc thực hiện nhiệm vụ CQ88, ông cùng cán bộ chiến sĩ trên Tàu 709 đã cơ động đến vị trí thả neo và cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc tại đảo Đá Thị. Là trưởng ngành boong, kiêm pháo thủ trên tàu ông Doanh trực tiếp bắn yểm trợ cho lực lượng ta đổ bộ trên đảo, ông kể: Khi đó thuyền trưởng Tàu 709 là Đại uý Phạm Văn Bờ. Lực lượng cắm cờ trên đảo ngoài cán bộ, chiến sĩ Tàu 709 còn có lực lượng đặc công của Quân khu 5. Thời điểm đó tình hình rất căng thẳng, nguy hiểm nhưng do làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt nên anh em nhanh chóng đổ bộ lên đảo, cắm cờ bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Năm 1983, ông xây dựng gia đình cùng bà Trần Thị Vần. Nay đã lên chức bà nội, nhưng bà vẫn nhớ như in những ngày chồng đi Trường Sa thực hiện nhiệm vụ. Bà kể: Năm ấy nhà tôi đi công tác Trường Sa lúc cháu lớn mới lên 4 tuổi. Tôi đang có bầu tháng thứ hai, nhưng không dám nói sợ ông ấy phân tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Gần một năm sau bố cháu công tác trở về, cháu thứ hai nhà tôi đã biết lẫy.

Cựu chiến binh Trịnh Văn Doanh giới thiệu sản phẩm

Nhấp thêm ngụm trà nóng, ông Doanh trải lòng: Những năm đó, những người lính Hải quân như chúng tôi lên đường không có vướng bận gì trong suy nghĩ. Tất cả chỉ tập trung cho mục tiêu cao nhất đó là giành lại đảo, khẳng định chủ quyền của ông cha ta để lại. Lên tàu thực hiện nhiệm vụ là xác định hy sinh, mấy anh em giao hẹn với nhau là ai còn sống trở về thì phải có trách nhiệm chăm sóc vợ con gia đình đồng chí đã hy sinh.

Sau gần 30 năm công tác tại Hải đoàn 128 Hải quân, năm 2005 ông Trịnh Văn Doanh về nghỉ hưu tại địa phương và bắt tay vào kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Đến ông chủ doanh nghiệp thành đạt

CCB Trịnh Văn Doanh về nghỉ hưu lúc các con còn nhỏ và đang ăn học, điều kiện kinh tế gia đình khá khó khăn. Ban đầu ông vay 20 triệu ngân hàng để mở cửa hàng kinh doanh và làm sơn. Do thị trường sơn đã bắt đầu bão hoà nên việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Vốn đam mê đồ gỗ từ nhỏ, ông chuyển hướng sang kinh doanh đồ gỗ. Để tích luỹ kiến thức về ngành gỗ, ông Doanh đến các cửa hàng hàng gỗ để tham khảo, ngoài ra ông còn lên mạng để tìm hiểu thông qua chợ gỗ và những người cùng sở thích. Ông tiếp tục vay ngân hàng 100 triệu sau đó là 300 triệu để đầu tư kinh doanh đồ gỗ.

Say mê đồ gỗ, ông lặn lội vào tận Gia Lai, Đắc Lắc, Thừa thiên Huế… để vừa học hỏi, vừa tìm mua, sưu tầm những đồ gỗ cổ như: tràng kỷ, ngũ sơn, tam sơn… Ông nhanh chóng nắm bắt được nhiều kiến thức, đánh giá đúng từng chủng loại gỗ, tuổi của sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ gỗ lâu năm. Ông Doanh chia sẻ: Đồ gỗ cổ không có giá cố định và rất khó để đánh giá được giá trị thực mà tuỳ thuộc vào cái duyên của mỗi người. Quan điểm của tôi chơi, để sưu tầm và giao lưu với anh em là chính, những bạn bè thật tâm huyết thì có thể chia sẻ, sang nhượng, nhưng không nặng nề về kinh tế.

Đam mê đồ gỗ cổ, ông Doanh tìm đến một số làng nghề mộc truyền thống ở Nam Định, Bắc Ninh… đặt hàng các sản phẩm theo mẫu đồ cổ để phục vụ người tiêu dùng. Chơi, sưu tầm đồ gỗ, không phải để kinh doanh nên ông Doanh tạo cho mình nguyên tắc riêng: Có những món đổ cổ, quý hiếm tôi chỉ để chơi chứ không bán vì bán đi rồi mình có tiền cũng không mua lại được. Tôi muốn lưu giữ lại giá trị lịch sử, giá trị văn hoá nghệ thuật trong từng sản phẩm.

Công việc kinh doanh thuận lợi, ông Doanh không chỉ nhanh chóng trả hết nợ mà còn có thu nhập ổn định. Sau hơn mười năm buôn bán, sưu tầm đồ gỗ, ông Doanh đã có được khối tài sản nhiều tỉ đồng. Vươn lên bằng nghị lực của chính bản thân mình, cựu chiến binh Trịnh Văn Doanh thật xứng đáng là người lính Cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh, để mọi người học tập và làm theo.


   Bài, ảnh: Hoàng Văn Trường

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn