Công tác chuẩn bị cho tàu đi biển dài ngày ở Lữ đoàn 127

* Trung tá Mai Danh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân

HQ Online -

Lữ đoàn 127 là đơn vị tàu mặt nước chủ công của Vùng 5 Hải quân. Các tàu của Lữ đoàn thường xuyên hoạt động dài ngày trên biển. Do vậy công tác bảo đảm cho tàu đi biển luôn được Lữ đoàn đặc biệt quan tâm.

Lữ đoàn 127 có nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, tuần tra, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc; tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển, thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng và các nhiệm vụ khác. Lữ đoàn được giao quản lý, khai thác một số lượng lớn tàu mặt nước, trong đó hầu hết là tàu có lượng giãn nước nhỏ, tuổi thọ cao, VKTBKT qua nhiều năm khai thác, sử dụng, tình trạng kỹ thuật thiếu đồng bộ…

Do yêu cầu nhiệm vụ, các tàu của Lữ đoàn thường xuyên hoạt động dài ngày trên biển. Từ năm 2015 đến nay, Lữ đoàn huy động gần 500 lượt tàu thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, tuần tra, bảo vệ chủ quyền, cứu hộ cứu nạn, đối ngoại quốc phòng… với hành trình trên 300 ngàn hải lý an toàn. Đặc biệt, có những chuyến, tàu của Lữ đoàn hoạt động liên tục trên biển gần 60 ngày, góp phần cùng các lực lượng của Vùng 5 quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc.

Cấp phát nhiên liệu bảo đảm cho tàu hoạt động. Ảnh: CTV

Có được kết quả trên là do Lữ đoàn triển khai nhiều giải pháp, trong đó công tác chuẩn bị về con người, phương tiện, VKTBKT cho tàu trước, trong và sau khi đi biển luôn được đặt lên hàng đầu. Lữ đoàn thường xuyên chỉ đạo các hải đội tàu quán triệt và thực hiện nghiêm quy định của Điều lệnh tàu Hải quân nhân dân Việt Nam về tổ chức chức chuẩn bị chiến đấu, chuẩn bị đi biển.

Trước mỗi chuyến đi biển, chỉ huy các tàu nghiên cứu kỹ mệnh lệnh đi biển và hiểu rõ ý định của cấp trên. Thuyền trưởng chủ trì xây dựng kế hoạch đi biển, kế hoạch quan sát nắm tình hình và đặc biệt là kế hoạch bảo đảm an toàn, dự kiến các tình huống và phương án xử lý. Chính trị viên tàu xây dựng kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị. Thuyền phó quân sự xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và biên bản kiểm tra tình trạng VKTBKT. Các văn kiện được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, làm cơ sở pháp lý cho tàu triển khai thực hiện. Chi ủy tàu hội ý và tổ chức sinh hoạt chi bộ, ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ đi biển, phân công cán bộ phụ trách từng mặt công tác, từ lúc chuẩn bị tại bến cho đến khi kết thúc quá trình đi biển, trở về đơn vị.

Công tác chuẩn bị về con người là vấn đề dài hơi, cần tiến hành thường xuyên, liên tục. Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 127 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ tàu, ngành, nhân viên chuyên môn giỏi vị trí phụ trách, sẵn sàng thay thế 1 đến 2 vị trí khác khi cần và có sức khỏe tốt, chịu được cường độ hoạt động cao. Cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh vững vàng, tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, SSCĐ hy sinh vì chủ quyền biển, đảo.

Tàu hoạt động dài ngày trên biển trong điều kiện sóng gió phức tạp, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bộ đội và tình trạng VKTBKT. Do vậy, công tác chuẩn bị hậu cần, kỹ thuật rất quan trọng. Lữ đoàn yêu cầu 100% cán bộ, chiến sĩ phải khám sức khỏe trước lúc đi biển. Các tàu dự trữ đủ lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và có biện pháp bảo quản, sử dụng dài ngày. Chỉ huy hải đội, tàu cùng cơ quan kỹ thuật Lữ đoàn duy trì nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra VKTBKT; lên phương án khắc phục sự cố, tình huống bất ngờ; lập biên bản cụ thể, đủ điều kiện về tình trạng kỹ thuật mới cho tàu xuất bến...

Tàu của Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân tuần tra trên biển. Ảnh: CTV

Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị đi biển, thuyền trưởng tổ chức sinh hoạt toàn tàu, quán triệt, phổ biến mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên để mọi cán bộ, chiến sĩ nắm và thực hiện đồng thời giao nhiệm vụ cho các ngành, các tổ, các kíp trực, đi ca.

Quá trình đi biển, thuyền trưởng duy trì toàn tàu chấp hành nghiêm mệnh lệnh, kế hoạch, quy định bảo đảm an toàn; phân công, cắt cử các lực lượng đi ca, trực canh, quan sát 24/24. Cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của chỉ huy biên đội, chỉ huy tàu. Khi có tình huống, cấp ủy, chỉ huy tàu đoàn kết, thống nhất lãnh đạo; mưu trí, dũng cảm, linh hoạt, xử trí đúng đối sách, đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước. Tàu luôn giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy cấp trên để kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo. Thuyền trưởng, chính trị viên kiểm tra, đôn đốc các kíp trực, đi ca ít nhất mỗi ca 1 lần. Phụ trách các ngành ít nhất 2 tiếng 1 lần kiểm tra nhân viên và liên tục theo dõi bảo đảm VKTBKT hoạt động tốt. Hàng ngày vào 7 giờ sáng, các tàu giao ban và hội ý chỉ huy, nhận xét trong ngày và triển khai công việc tiếp theo.

 Sau khi kết thúc nhiệm vụ đi biển, trở về đơn vị, các tàu tổ chức sinh hoạt rút kinh nghiệm, đánh giá ưu điểm, chỉ rõ khuyết điểm, nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục để chuyến đi sau đạt kết quả tốt hơn. Chỉ huy các cấp động viên tư tưởng, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đi đôi với xử lý những biểu hiện vi phạm. Toàn tàu tập trung làm tốt công tác vệ sinh, bảo quản, bảo dưỡng, kiểm sửa VKTBKT; tổng hợp tình hình báo cáo theo phân cấp và nhanh chóng đưa tàu trở về hoạt động, sinh hoạt, huấn luyện, công tác bình thường theo trạng thái neo đậu tại cảng.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn