Chuyện đảo xa
Bố đi đã được mười lăm ngày. Mười lăm ngày căn nhà với hai mẹ con dường như rộng rãi, lạnh lẽo hơn.
Chiếc bật lửa đỏ, có khắc tên ở giữa nằm ngang trên bao thuốc lá vỏ vàng im lặng, không xê dịch. Cốc chén uống trà in hình hoa hồng nửa tháng nay chưa một lần được nóng. Chiếc ghế bố vẫn ngồi nhìn ra biển mỗi buổi chiều khi đi làm về vẫn còn rơi lại hình bóng thường nhật. Hai mẹ con thường giật mình khi nhìn vào khoảng trống ấy. Có lúc tưởng bố vẫn ở ngay trước mặt mà hóa ra không phải. Thói quen đánh lừa hai mẹ con chỉ vì quá lo lắng, nhớ nhung.
Gió biển thường ngày đi qua vẫn ghé lại nhưng không ngồi lâu như khi bố ở nhà. Bởi không còn ai kể cho chúng nghe câu chuyện về Cô Tô mấy chục năm trước, về chính bản thân chúng qua lời văn của nhà văn Nguyễn Tuân. Không ai rì rầm nói về mảnh đất nơi sự sống được tính bằng giây dưới chân thành cổ Quảng Trị những năm tháng lửa đạn bảy hai. Người cựu binh già đối thoại cùng đồng đội mình bao năm nay vẫn ở tuổi hai mươi, đã trở thành bất tử. Từng lớp, từng lớp người ra đi có mấy ai về lại được. Mỗi bữa cơm là một cuộc chia tay. Người ta điểm danh nhau qua những nắm cơm được nắm lại vội vàng, lẫn đất cát, mặn chát của muối trắng mà lúc nào cũng thừa thãi. Bố nó nhiều khi bưng bát cơm trắng ngần lên miệng, mắt mơ màng, lẩm bẩm.
"Nay thừa ra hai nắm của thằng Vinh, thằng Tân... Qua thừa của thằng Thắng, thằng Khánh, thằng Hòa, thằng An, thằng Duy, thằng Hồng... Kia, thừa của thằng Dũng, thằng Tùng, thằng Luân, thằng Hải, thằng Cường, thằng Phụng, thằng Cao, thằng Đạt,...".
Cái danh sách bạn bè cứ kéo dài mãi, cho đến khi bát cơm nguội ngắt bố mới và lấy và để. Bát cơm trôi tuột đi, đắng ngăn ngắt. Mẹ ngồi đối diện im lặng nhìn, nước mắt chan cơm. Từng khuôn mặt đồng đội hiện lên trong mắt bố. Bố nhớ đến day dứt khoảng thời gian sống bên nhau đã lùi rất xa vào quá khứ. Ngồi được với nhau phút nào hay phút ấy. Nhìn nhau thoáng nào vui thoáng ấy. Chỉ mong mình được chết thay để bạn bè, đồng đội được trở về quê hương đoàn tụ cùng gia đình. Đã có nhiều người ngã xuống để bố được trở về, lấy mẹ rồi sinh ra nó bây giờ.
"Bố may mắn quá!".
Lần đầu tiên cùng gió nghe bố kể về những năm tháng ác liệt ấy nó đã thốt lên như thế. Bố đột ngột dứt khỏi dòng ký ức, bị ném mạnh ra chơ vơ giữa đời thường. Môi ông tái nhợt đi. Gánh nặng tuổi tác buông xuống, trĩu nặng. Mái tóc bạc đổ nghiêng nghiêng giữa một buổi chiều hè nóng nực. Mặt trời lặn xuống sau bãi Hoàng Hôn đỏ như quầng lửa. Cái nhìn ông xoáy vào nó lúc ấy vừa thảng thốt vừa căm giận. Nó sợ hãi khóc thét gọi mẹ. Bố lặng lẽ đứng dậy thay nước, thắp hương, lầm rầm nói chuyện.
"Con bé nhà tao bé quá, nó chưa biết gì nên nói năng lung tung chúng mày bỏ quá cho. Tao hứa với chúng mày sẽ mãi mãi ở lại vùng đảo Đông Bắc Tổ quốc này. Trẻ làm lính chiến đấu trực tiếp với giặc Mỹ xâm lược, về già thì làm cựu chiến binh góp phần bảo vệ từng tấc đất nơi đầu sóng ngọn gió quê hương".
Lần này bố đi khác những lần có việc vào đất liền trước kia. Không có sự bàn bạc, chuẩn bị, lẫn một lời nhắn lại cho hai mẹ con. Tất cả chỉ từ một bức thư được người quen đưa đến. Không mang quần áo, giấy tờ, thuốc lá, chỉ cầm theo chút tiền hôm qua mẹ mới đưa để trả tiền hàng. Lúc ấy, mẹ đang ở ngoài chợ. Nó đi học chưa về. Khi về nhà cửa trống không. Hàng xóm cho biết có người đến đưa thư, rồi bố vội vã đi ngay, dáng vẻ hốt hoảng, lo lắng. Mẹ đi tìm người đưa thư cho bố thì người này nói cũng không biết trong thư viết gì. Chỉ biết có người ở trong đất liền đưa ra từ hôm qua nhờ gửi mà có việc hôm nay mới mang tới được.
Mẹ định sẽ gửi nó ở nhà bà Quyên vài ngày để vào đất liền tìm bố. Nhưng cuối cùng lại thôi, tự nhủ đất trời bao la, rộng lớn biết bố ở đâu mà tìm. Ngộ nhỡ lúc đang đi tìm bố lại về thì có phải cứ đi tìm xoay vần nhau mãi. Vả lại bao nhiêu năm chiến tranh còn chờ đợi được, huống hồ nay đã thời bình. Mẹ định gửi cả thư cho chị Tuyến đang học trên Hà Nội, sau phân vân thế nào lại thôi.
★
Bố đi, mẹ nghỉ không bán hàng. Ngày ngày, chỉ còn lại biển và mẹ. Biển cồn cào, gió từng đợt ào ạt tốc đến, sóng nhấp nhô hết lớp này đến lớp khác nối đuôi nhau xô dạt vào bờ. Mẹ bần thần đi đi lại lại trên bãi cát trước nhà. Mái tóc điểm bạc xổ tung, quật vào mắt vào mũi, rối bù. Từng bước chân lún sâu vào lòng cát lạnh. Mặt trời mấy hôm nay cũng không còn nhô lên, hạ xuống ở bãi Bình Minh, Hoàng Hôn nữa. Trời nổi gió, mây đen kéo đến mù trời, lắc rắc mưa, tin bão xa ùa vào Vịnh Bắc Bộ được loa phát thanh trên đảo phát suốt ngày đêm. Tiếp đến lại tin gió mùa đông bắc tràn về, nhiệt độ có thể hạ xuống rất thấp. Đèn biển trên đảo Cô Tô không ngơi chớp sáng. Tàu đánh cá theo ánh đèn từ ngoài khơi ùn ùn kéo nhau về trú bão. Tàu chở hàng, chở khách từ Vân Đồn ra Cô Tô và ngược lại hoãn khởi hành chờ bão tan. Vài cánh hải âu mỏng manh chao nghiêng giữa lưng trời mỏi mệt. Có cảm giác chỉ bay xuống thấp một chút nữa lập tức bị sóng nuốt trôi.
Bố vẫn chưa về.
Tiếng thở dài của mẹ loang ra văng vẳng, âm âm cùng gió vang vọng khắp đảo. Gió trên đảo bất cứ vào mùa nào cũng âm âm như thế. Nó hỏi tại sao? Mẹ bảo tại trên đảo không khi nào là không có những người yêu thương, chờ đợi nhau. Người trẻ thì chờ đợi người yêu, chờ chồng, chờ vợ. Người già thì chờ con, chờ cháu đi học, đi làm trong đất liền, chờ những người bạn tâm giao chẳng biết bao giờ gặp. Tiếng thở dài từ đời này luân chuyển sang đời khác chẳng tan đi. Tiếng thở dài ra biển, biển thành sóng xô dạt khắp bờ bến, để những nỗi nhớ gặp nhau. Tiếng thở dài vào bờ thành gió âm âm...
Câu chuyện mẹ kể như cổ tích. Đẹp, buồn và xa vắng đến lạ. Từ mẹ nó bỗng nhớ đến rừng Chõi ở tít phía trong kia. Rừng Chõi cũng cô đơn, là nhân chứng cho bao kiếp người trên đảo.
★
Khi cơn bão vừa suy yếu thành áp thấp thì bố về. Mẹ đứng đón bố ngay khi bố chuẩn bị xuống tàu. Nụ cười ấm áp không gợn trách cứ. Bàn tay mẹ đưa ra ấm áp cho bố vịn vào, nhảy lên, linh cảm cho mẹ biết chiều hôm nay bố về.
Lúc ấy cái lạnh đã hoàn toàn làm chủ hòn đảo. Mấy ngày trước dường như nó còn ngại ngùng cơn bão, đối thủ ngang tầm to lớn. Nay bão không còn cái lạnh càng hung hăng, dữ tợn. Nó được mẹ đưa đi học mà người cứ run lên cầm cập. Ngồi trong lớp, đóng hết các cửa lại vẫn thấy gió lùa dưới chân bàn, chân ghế. Tiếng cô giáo giảng bài bị bóp méo bởi gió, nghe tiếng rõ, tiếng không. Đút hai tay vào túi vẫn thấy cóng, đến lúc bỏ tay ra cầm bút viết cứ run run, nét chữ nguệch ngoạc.
Bố không về một mình. Bố về cùng với một đứa con trai cao xấp xỉ bằng nó với mái tóc cháy nắng vàng khè, nước mũi xanh thò lò quệt ngang quệt dọc, mặt mũi nứt nẻ vì lạnh, mặc quần áo kẻ bông cũ nhàu, chân đi dép tổ ong trắng đã ngả vàng. Đứa con trai rụt rè đứng sau bố, nhìn hai mẹ con, ánh mắt xa lạ, đề phòng. Cho đến khi bố bước vào nhà nó vẫn còn đứng nấp ngoài cửa chưa dám vào.
"Vào đây cháu, ngại gì, bây giờ căn nhà này sẽ là căn nhà của cháu. Gia đình bác đây sẽ là gia đình của cháu".
Nó nhìn đứa con trai xa lạ. Bố phải ra dắt vào, bắt ngồi lên ghế, rót nước ấm cho uống và bảo mẹ nấu mì cho ăn. Trên đời này nó chưa thấy ai ăn khỏe như thế. Ăn hết ba gói mì tôm, hai cuộn mì gạo mà hỏi no chưa vẫn lắc đầu. Nhưng bố không cho ăn nữa, bảo no quá vỡ bụng ra thì chết. Mẹ dẫn đứa con trai ra lau miệng, rửa chân, đi tất, xin nải chuối trên bàn thờ xuống, cắt lấy vài quả bảo ăn.
"Cháu ăn ngoan đi. Giới thiệu với hai mẹ con đây là Khôi, cháu một người bạn từng chiến đấu cùng bố. Giới thiệu với cháu đây là bác Lâm, vợ bác. Chị này là chị Thảo, chín tuổi, hơn cháu hai tuổi. Nhà bác còn một chị nữa, tên là chị Tuyến đang học trên Hà Nội.
Tháng sáu sang năm bác sẽ cho cháu đi học lớp một. Từ giờ đến lúc ấy bác và chị Thảo sẽ dạy cháu học bảng chữ cái và cộng trừ".
Thế là từ ấy nhà nó có thêm một thành viên mới nhỏ tuổi nhất. Khôi rất ngoan. Bảo gì cũng nghe, học hành sáng dạ, biết làm việc nhà cùng nó, chỉ hơn tháng đã thuộc hết mặt chữ, cộng trừ được đến mười. Chỉ phải cái thỉnh thoảng Khôi hay trốn mọi người ra bãi biển ngồi, ánh mắt buồn thăm thẳm nhìn xa xăm vào miền nào đấy vô định lắm. Trông Khôi lúc ấy già hơn hẳn. Mỗi lúc Khôi như thế nó thường len lén ra ngồi xuống bên cạnh. Mặt trời lên, hoặc xuống từ dưới lòng biển. Nó nghĩ dưới biển kia hẳn cũng có một thế giới khác để loài người sinh sống. Còn mặt trời thì là của chung, lúc ở đây trời sáng thì dưới kia trời tối và ngược lại. Kể mà hai chị em được xuống ấy chơi một chuyến thì vui phải biết.
"Quê em có biển không?"
"Có chị ạ. Nhưng quê em biển không có sóng to như thế này. Gió cũng thổi êm đềm hơn".
"Thế bố mẹ em đâu?"
"Họ mất rồi chị ạ. Mẹ biển đã nuốt chửng họ vào bụng mình và không bao giờ thả ra. Em sống với ông nội hai năm nay, ông cũng vừa bỏ em đi tháng trước".
"Thôi, em đừng buồn nữa. Ở thế giới dưới biển sâu kia bố mẹ biết em buồn họ cũng không vui đâu. Lau nước mắt đi, ngoan rồi hôm nào bố lên doanh trại của các chú bộ đội xin hoa về cắm chị sẽ xin bố cho đi theo. Lên đấy vui lắm".
"Chị hứa nhé".
"Ừ, chị hứa, ngoắc tay nào".
★
Đêm rất khuya, giọng bố trầm trầm kể cho mẹ nghe câu chuyện rất cũ. Ở phía ngoài gió lớn, gió bé, gió mẹ, gió con không bảo nhau mà đều đứng ghé tai vào tường lắng nghe.
Những ngày ấy mình và địch ở giáp ranh (cài răng lược). Đêm là của mình. Ngày là của địch. Lần ấy, vào một đêm sáng trăng anh đi trinh sát tìm đường cho Bộ Chỉ huy chiến dịch đưa quân vào tăng cường các lực lượng Thành cổ. Chẳng may bị thám báo phát hiện. Hai bên giao chiến. Anh bị trúng đạn ở đùi. Cũng may hôm ấy đi cùng một anh du kích người địa phương. Anh ấy cũng bị thương ở bả vai trái. Anh bảo anh ấy cứ bỏ anh ở lại mà đi đi nhưng anh ấy không nghe. Cuối cùng anh ấy cũng dìu được anh về đến nhà, giấu dưới hầm. Hai vợ chồng anh ấy nuôi hơn nửa tháng mới được đơn vị cử người đi tìm thấy.
Hai anh chị sau hòa bình sinh được một người con trai. Người con trai muộn mới lấy vợ sinh được cháu Khôi. Cuối năm ngoái hai vợ chồng con anh ấy mất tích trong một cơn bão biển quái ác. Chị ấy cũng mất ngay sau đó. Chỉ còn lại anh còm cõi nuôi cháu. Cho đến khi anh ốm nặng thì anh mới biết tin. Được một người bạn trong đất liền báo ra là anh vội vã đi ngay, anh xin lỗi đã không nhắn lại cho em. Vào trong Quảng Trị, lo cho anh ấy xong xuôi anh xin chính quyền và bà con chòm xóm đưa thằng bé về nuôi. Chứ để nó bơ vơ thế anh không đành.
Em biết mà...
Bên ngoài, gió lau nước mắt, bay đi.
★
Ngày cuối tuần, mặt trời nhô lên từ phía biển đẹp rạng ngời như một viên hồng ngọc. Bố dẫn nó và Khôi đến tượng đài Bác Hồ thắp hương rồi lên chỗ các chú bộ đội. Hương biển tràn vào doanh trại khiến ai ai cũng nao lòng. Vào phòng chú Quân tiểu đoàn trưởng ngồi chơi, uống nước một lát rồi bố cùng chú đi ngắm cảnh. Hai đứa nó được dắt tay nhau đi tung tăng khắp doanh trại. Gặp chú bộ đội nào hai đứa cũng chào, chú nào cũng đòi phải ôm, thơm rồi mới cho đi tiếp. Có chú còn giữ ở lại doanh trại chơi vài ngày. Nó hứa sẽ cùng em Khôi, bố, mẹ đến chơi vào tháng sau.
Gần cuối chiều, chào các chú ra về bố dẫn hai đứa lên xem đèn biển, rồi xuôi xuống Đồn Biên phòng Cô Tô chơi. Lúc về, bố hỏi hai đứa sau này lớn lên muốn trở thành bác sĩ, giáo viên hay kỹ sư? Cả hai đứa cùng lắc đầu, hóa ra cả hai đứa đều muốn trở thành người lính giữ đảo, ở lại với đảo như các chú bộ đội, biên phòng.
Niềm hạnh phúc dâng lên từ trái tim người lính già xen lẫn với tiếng cười con trẻ lan tỏa khắp đất trời.
Nguồn: Báo Nhân Dân cuối tuần
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Ấn tượng triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” - ( 24-11-24 09:00 )
- Vùng 3: Giao nhiệm vụ cho lực lượng tham liên hoan nghệ thuật quần chúng - ( 23-11-24 01:00 )
- Bế mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 - ( 20-11-24 10:00 )
- Quân chủng Hải quân khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2024 - ( 18-11-24 10:00 )
- Rau càng cua - ( 17-11-24 08:00 )