Chủ động ứng phó, kịp thời giúp dân

HQ Online -

Cơn bão số 9 có cường độ mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Trung từ TP.Đà Nẵng đến Phú Yên. Trước, trong và sau bão, các đơn vị của Quân chủng Hải quân đóng quân trên địa bàn từ đất liền đến đảo xa đều chủ động ứng phó, kịp thời giúp đỡ địa phương phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”

Trước khi bão đổ bộ, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra các đơn vị Vùng 4. Qua kiểm tra, đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Các đơn vị đứng chân trên địa bàn bão đổ bộ đều quán triệt, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); chuẩn bị chu đáo các phương án phòng chống, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, tàu thuyền, vũ khí trang bị, doanh trại, kho tàng. Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng đến kiểm tra Kho 718, Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật 354, Vùng 3 cũng đánh giá cao phương án đảm bảo an toàn của đơn vị đồng thời chỉ đạo Vùng 3 chuẩn bị 10 kíp xuồng cứu nạn, sẵn sàng xuất phát khi có lệnh.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83 thu dọn vệ sinh sau bão trên đường Võ Nguyên Giáp, TP. Đà Nẵng. Ảnh: Vũ Hưởng

Bão số 9 đổ bộ vào đất liền với sức gió lên đến cấp 12, 13, mưa lớn, sóng biển cao, gây thiệt hại về nhiều mặt. Ngay sau cơn bão tan, các đơn vị đóng quân ở khu vực miền Trung đã khẩn trương bắt tay vào công việc khắc phục tại đơn vị và chủ động phối hợp với chính quyền giúp đỡ nhân dân dựng lại nhà cửa, tổng dọn vệ sinh môi trường.

Tại Đà Nẵng, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 và Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân đã giúp hàng chục nhà dân và trường mầm non vận chuyển cây đổ, sắp xếp đồ dùng để nhà trường sớm đón học sinh trở lại học tập. Trên các tuyến đường ven biển, bộ đội cùng nhân dân thu dọn, vận chuyển hàng trăm khối đất đá, rác thải, cành cây đổ gẫy, bảo đảm vệ sinh, an toàn giao thông... Trung tá Lê Đình Hà, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 83 cho biết: Đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ và xe chuyên dùng san gạt cát do sóng biển đánh lên đường ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, bảo đảm giao thông trở lại bình thường được nhân dân và chính quyền đánh giá cao.

Các trạm ra đa thuộc Trung đoàn 351, Vùng 3 ở Lý Sơn, Quảng Ngãi và Phù Cát, Bình Định, ngoài đảm bảo an toàn tuyệt đối trang bị trên núi cao, còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương gia cố nhà cửa cho các hộ dân và trường học trước khi bão đổ bộ. Ngay trong mưa bão, Trạm ra đa 3512 đã đón và bố trí nơi ăn ở cho gần chục hộ dân vào tránh trú an toàn. Mặc dù quân số ít nhưng sau bão, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã giúp trường mầm non của địa phương lợp lại mái ngói bị tốc, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra

Xuyên bão cứu dân trên biển

Trong khi chạy tránh bão số 9, 3 tàu cá của tỉnh Bình Định (BĐ 96388 TS, BĐ 98658 TS, BĐ 97469 TS) đã gặp nạn trên vùng biển cách Đông Bắc Nha Trang từ 135-170 hải lý. Nhận được thông báo của trên, Quân chủng Hải quân điều Tàu 467, Tàu 473 rời quân cảng Cam Ranh xuyên đêm, vượt sóng to, gió lớn trong bão để ra đến hiện trường sớm nhất. Những đợt sóng đánh chớm ca bin tàu, lắc ngang, lắc dọc nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn bình tĩnh, khắc phục khó khăn, điều động tàu tìm kiếm. Đêm tối, mưa gió, tầm nhìn hạn chế nhưng Tàu 467 vẫn tiếp cận và làm dây cứu kéo Tàu BĐ 98658 TS với 14 ngư dân. Sau đó 3 ngư dân tình nguyện theo Tàu 473 để hỗ trợ công tác tìm kiếm các ngư dân còn mất tích. Sáng 31-10, Tàu 467 đã kéo Tàu BĐ 98658 cùng 11 ngư dân về đến cảng Ba Ngòi, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa an toàn, bàn giao cho cơ quan chức năng và gia đình trong niềm vui mừng khôn xiết của người thân và bà con.

Tàu 467 cứu kéo tàu cá BĐ 98658 về bờ. Ảnh: Xuân Hưng

Tại Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 9 ở Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp gọi điện động viên cán bộ, chiến sĩ các tàu của Hải quân đang làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tàu cá Bình Định trên biển. Phó Thủ tướng yêu cầu các tàu nhanh chóng cơ động tiếp cận cứu ngư dân đồng thời bảo đảm an toàn về người và phương tiện…

Cùng với đó, Quân chủng Hải quân thành lập Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn phía trước tại Cam Ranh, Khánh Hòa, do Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Hải quân trực tiếp chỉ đạo. Những ngày sau đó, các tàu 490, 461, 463 và 465 liên tiếp cơ động ra hiện trường, nâng tổng số lên 5 tàu cùng 2 thủy phi cơ DHC-6 (số hiệu 772, 773) của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 tham gia tìm kiếm cứu nạn. Anh Lê Văn Chung, Thuyền trưởng Tàu 490 cho biết: Tàu tổ chức thành tổ quan sát bên mạn trái, mạn phải, tổ quan sát quang điện tử trên ca bin và tổ thông tin, trực 24/24 để quan sát, phát hiện ngư dân.

Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Bộ Quốc phòng; các lực lượng đã tổ chức tìm kiếm tích cực. Sáng 30-10, Tàu 490 đã tiếp nhận 3 ngư dân (Huỳnh Xuân Phi, Võ Văn Hoài và Lê Minh Don) Tàu BĐ 97469 TS từ Tàu MV Fortune Iris, quốc tịch Hồng Kông, Trung Quốc. Trước đó, khi đang hành trình trên biển, Tàu MV        Fortune Iris đã vớt được 3 ngư dân nói trên. AnhHuỳnh Xuân Phi, một trong 3 ngư dân được cứu nạn cho biết: Khi Tàu BĐ 97469 TS bị phá nước và chìm, nhóm chúng tôi gồm 8 người bám vào các thanh gỗ và cột đèn. Qua 3 đêm, 4 ngày thì còn lại 3 người chúng tôi.

Như vậy đến ngày 31-10, đã có 3 trong tổng số 26 ngư dân của 2 tàu BĐ 97469 TS và BĐ 96388 TS mất tích trên biển được cứu sống. Hiện các tàu và thủy phi cơ DHC-6 của Hải quân vẫn đang “căng sức” phối hợp với các lực lượng, khẩn trương tìm kiếm các ngư dân còn lại.

Vũ Hưởng, Đức Thu

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn