Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam
* GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong và ngoài nước nghiên cứu về chiến dịch này. Rất nhiều vấn đề được làm sáng tỏ, đào sâu cả ở tầm khái quát và ở các sự kiện, biến cố, chi tiết cụ thể từ hai phía.
Song đến nay, có một câu hỏi mang tính lịch sử sâu sắc được đặt ra và tìm lời giải đáp trong nhiều công trình, đó là: Tại sao, nguyên nhân nào Việt Nam là một dân tộc nghèo, đất không rộng, người không đông lại làm nên chiến thắng vĩ đại mang tầm vóc thế giới? Tại sao nước Pháp giàu có, "binh hùng", vũ khí mạnh... lại thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ đã được chuẩn bị công phu, mà họ nghĩ sẽ là "cối xay thịt" quân Việt Minh?
Đã có nhiều lời giải xác đáng, khoa học song không phải trọn vẹn. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận đánh thuộc lĩnh vực quân sự, vì vậy, trước hết phải tìm nguyên nhân chiến thắng từ góc độ quân sự. Đó là khoa học quân sự, là nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vậy nội hàm của học thuyết, nghệ thuật quân sự Việt Nam là gì? Tại một cuộc hội thảo quan trọng về vấn đề này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Phải khẳng định có một học thuyết quân sự Việt Nam và tôi nghĩ rằng, theo học thuyết ấy không hề có chiến lược quân sự thuần túy, chiến lược ta bao giờ cũng là chiến lược tổng hợp, cả chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, một chiến lược toàn diện tổng hợp”[1]. Từ đó, “văn hóa” đã trở thành một nội dung, một thành tố hữu cơ trong học thuyết quân sự Việt Nam. Và trong một lần trao đổi với Giáo sư Phan Huy Lê, Đại tướng đã xác định: “Nghệ thuật quân sự Việt Nam là lĩnh vực thuộc phạm trù văn hóa”.
Và điều đặc biệt thú vị nữa là, sau thất bại ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, chính tướng bại trận Henri Navarre - Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương - đã phải thừa nhận rằng: “Sức mạnh to lớn của Việt Minh nằm trong sức mạnh huyền thoại của dòng giống người Việt, lòng yêu nước và nhất là ý thức xã hội mà họ đã xây dựng được... Chính phủ Việt Minh đưa cuộc chiến vào tất cả các lĩnh vực - chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội và quân sự - tạo ra một động lực hết sức mạnh mẽ”[2]. Tuy rất cay đắng vì thất bại, song tướng H.Navarre đã tìm ra được chân lý, được nguyên nhân sâu xa gây nên thất bại của mình vì không hiểu được “động lực hết sức mạnh mẽ” của văn hóa quân sự Việt Nam, của văn hóa yêu nước, giữ nước của dân tộc chúng ta.
17 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Lý giải vì sao nhân dân ta đã đánh thắng hai đế quốc nói chung và Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: “Sẽ không tìm được câu trả lời cho câu hỏi này nếu không nhìn sâu vào chiều dày lịch sử xa xưa, vào nền văn hóa dân tộc, vào truyền thống và di sản quân sự của tổ tiên...”[3].
Đặc điểm bao trùm và sâu sắc nhất của văn hóa giữ nước - yêu nước của dân tộc ta được hình thành và phát triển hàng nghìn năm nay, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định là: “Bí quyết quan trọng bậc nhất là: Phải thực hiện cả nước chung sức đánh giặc, phải tổ chức toàn dân kháng chiến. Quân phải đánh giặc, đồng thời dân cũng phải đánh giặc”[4]. Thử sơ lược nhìn lại một vài sự kiện lịch sử để hiểu rõ đặc trưng văn hóa giữ nước này từ xa xưa cho tới đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Có lẽ, truyền thuyết “Thánh Gióng” là biểu hiện văn hóa đầu tiên của văn hóa giữ nước của dân tộc ta. Gióng đánh quân xâm lược một mình? Không phải. Ai nuôi Gióng từ một cậu bé bỗng lớn lên thành Phù Đổng. Cơm gạo của dân làng. Ai rèn đúc vũ khí (ngựa sắt, gươm sắt) cho Gióng. Dân làng. Thanh gươm bị gẫy, vũ khí thay thế của Gióng là các cụm tre làng. Gióng đã thắng, đuổi quân xâm lược khỏi bờ cõi đất nước, song, đó chính là sức mạnh nhân dân trong Gióng đã làm nên chiến thắng. Đó là sức mạnh tổng hợp, tổng lực của văn hóa giữ nước của dân tộc ta. Tôi nhớ, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Alain Ruscio - sử gia người Pháp đã nhận xét: “Võ Nguyên Giáp đâu phải chỉ có một mình! Ông có nhân dân Việt Nam cùng kề vai, sát cánh...”[5]. Thật thú vị khi có sự trùng hợp của hai hình ảnh trên.
Văn hóa giữ nước huy động sức mạnh của cả dân tộc khi bị kẻ thù xâm lược là bí quyết của mọi chiến thắng. Tướng bại trận tại Điện Biên Phủ - De Castries đã phải thốt lên: Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc.
Văn hóa giữ nước, bảo vệ Tổ quốc như vậy, tất yếu tạo ra nghệ thuật quân sự đặc biệt, riêng có của Việt Nam, đó là chiến tranh nhân dân, mà đặc trưng của nó là sức mạnh bắt nguồn trong lực lượng hùng hậu của nhân dân được giác ngộ và được tổ chức.
Thử đối chiếu hai trận quyết chiến chiến lược kết thúc chiến tranh, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước ta: Trận Ngọc Hồi - Đống Đa của thế kỷ XVIII và trận Điện Biên Phủ giữa thế kỷ XX sẽ cho ta thấy sức mạnh của văn hóa giữ nước và sự kế thừa, phát triển của chiến tranh nhân dân. Chỉ trong vòng hơn một tuần, người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tập hợp, tổ chức lực lượng quân đội từ trong nhân dân, nông dân hùng hậu từ miền Trung ra đến phía Bắc, hành quân thần tốc đánh bại 29 vạn quân Thanh, đất nước sạch bóng quân thù, kết thúc chiến tranh.
Để chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân và dân cả nước, từ Bắc tới Nam đã phối hợp tiêu diệt sinh lực địch, cô lập Điện Biên Phủ. Không chỉ có bộ đội chiến đấu ở Điện Biên Phủ mà còn hàng vạn, hàng triệu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hành quân đem đạn dược, vũ khí, mở đường, tiếp tế hậu cần... cho chiến dịch. Cả nước ra trận vì trận quyết chiến chiến lược này, đúng như sau này, nhà thơ Chính Hữu đã viết: “Có những ngày vui sao, cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục” (khi trận Điện Biên Phủ sắp diễn ra, tôi còn bé, nhưng vẫn nhớ như in: Gia đình tôi, lúc đó có 9 anh chị em thì 3 anh đã tự nguyện đi thanh niên xung phong. 3 chị đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch, trong đó có chị chưa đến 15 tuổi. Ở nhà chỉ còn có bố mẹ già và 3 đứa em nhỏ, thiếu ăn. Đồng cảm với những người ra trận, bà con làng xóm đã tự nguyện ùn ùn gánh ngô đến ủng hộ gia đình. Tôi nhớ, ngô chất thành như núi trong nhà). Văn hóa giữ nước đâu còn là một khái niệm trừu tượng mà chính là những cái cụ thể, hằng ngày nhất và đặc biệt được thể hiện trong phẩm giá những con người bình thường nhất, trước hết là những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu.
Thời phong kiến, trong kế sách giữ nước của ông cha ta có chính sách “ngụ binh ư nông”. Người nông dân sẵn sàng bỏ cày, bỏ cuốc, trở thành nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân khi có giặc xâm lược đất nước, khi có lời hiệu triệu cứu nước. “Ngụ binh ư nông” là một nét văn hóa giữ nước vô cùng độc đáo của dân tộc ta đã tồn tại từ hàng trăm năm. Ngày xưa, những người lính dũng cảm của anh hùng dân tộc Quang Trung đều là từ nông dân. Ở trận Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, có lẽ, phần lớn “chiến sĩ Điện Biên” cũng từ đồng quê mà trưởng thành, trở thành Bộ đội Cụ Hồ, thành Anh hùng.
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu thời khắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ảnh tư liệu TTXVN
Bốn từ “Quyết chiến - Quyết thắng” trên lá cờ ở Chiến dịch Điện Biên Phủ giúp tôi nhớ tới hai từ “Sát Thát” được viết trên tay những người lính thời Trần quyết diệt quân xâm lược và dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cảm tử quân Trung đoàn Thủ đô chiến đấu bảo vệ Hà Nội hơn 60 ngày đêm năm 1946. Đó không hề là một khẩu hiệu hô hào suông. Đó là ý chí kiên cường, quả cảm của người lính và đó chính là hành động tự nguyện của các thế hệ người lính Việt Nam quyết tâm sắt đá diệt giặc để giữ nước, bảo vệ và giải phóng đất nước như lời hịch năm xưa “dẫu có trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, ngàn xác này gói trong da ngựa cũng cam lòng”. Và đó chính là những giá trị văn hóa bền vững và phát triển trong lịch sử dân tộc ta từ ngàn xưa đến hiện tại. Một dòng chảy văn hóa giữ nước không bao giờ, không thể đứt đoạn. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã minh chứng hùng hồn cho sự thật lịch sử đó.
56 ngày đêm cực kỳ gian khổ và hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ, nếu không có sự đoàn kết, gắn bó, thương yêu nhau như tình cảm ruột thịt, chắc rằng người lính không thể trụ vững. Ngược lại, ở nơi đây đã trở thành tấm gương sáng ngời của tình đồng đội, đồng chí, cán bộ với chiến sĩ. Khi được lên Điện Biên tham gia tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng (1984), tôi lặng đi vì ngỡ ngàng và xúc động khi chứng kiến những chiến sĩ Điện Biên ôm chặt nhau, khóc không thành tiếng, đứng lặng đi với những đôi mắt đỏ hoe chứa đầy nước mắt trước Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi A1 (lúc đó, còn đơn sơ lắm). Một vẻ đẹp kỳ lạ trong đau thương của người lính. Nghĩa tình đồng đội, đồng chí là một giá trị văn hóa tuyệt vời của Bộ đội Cụ Hồ, mà đỉnh cao của nó trước những thử thách vô cùng khốc liệt, nghiệt ngã ở chiến trường Điện Biên Phủ. Song giá trị văn hóa mới đó có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử dân tộc, trong văn hóa giữ nước của chúng ta. Tôi nhớ đến tình cảm “phụ tử chi binh” của thời Trần, “huynh đệ chi binh” của thời Lê và “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” có từ thời khởi nghĩa Lam Sơn.
Lịch sử dân tộc ta từng chịu quá nhiều đau thương mất mát, bị tàn phá, hy sinh do các cuộc chiến tranh xâm lược gây ra. Cũng chính vì thế mà dân tộc ta vô cùng yêu quý hòa bình, cho dù khi chỉ có vài ngày giữa cuộc chiến. Vì vậy, nói văn hóa giữ nước Việt Nam không chỉ là sức mạnh chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, không chỉ là chiến lược, chiến thuật các trận đánh (nội dung này là cả một kho tàng phong phú mà cha ông ta đã để lại), mà còn chính là văn hóa yêu hòa bình, và không còn cách nào khác, phải chiến đấu cũng bởi vì hòa bình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xác quyết: “Chúng tôi đã nhiều lần chứng tỏ thiện chí của mình. Nếu các ông muốn hòa bình thì sẽ có hòa bình. Còn nếu không, muốn chiến tranh thì sẽ có chiến tranh” và “Hãy tin rằng chúng tôi sẽ làm tất cả để tránh khỏi thảm họa này”[6]. “Đó là một cuộc chiến mà chúng tôi bắt buộc phải làm, chúng tôi là một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhất thế giới”[7]. Kẻ thù hung tàn, cường bạo đã bắt buộc chúng ta phải vào cuộc chiến để giành Hòa bình cho dân tộc, song, với Đại tướng, đó phải là “một nền hòa bình trong tự do và công bằng... chứ không phải hòa bình trong nhẫn nhục, mất danh dự và nô lệ”[8]. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ là biểu hiện sáng ngời của văn hóa giữ nước - văn hóa yêu hòa bình Việt Nam, bởi vì chiến đấu để “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” như lời khẳng định đanh thép trong “Bình Ngô đại cáo”. Đó là tư tưởng quân sự độc đáo Việt Nam, biết cách đánh thắng bằng bản sắc văn hóa riêng của dân tộc chúng ta. Ở chiến trường Điện Biên Phủ, chúng ta đã thực hiện trọn vẹn, hoàn hảo điều đó.
Theo QĐND điện tử
-----------------------------------------------
[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những bài viết và nói chọn lọc thời kỳ đổi mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.444.
[2] H.Navarre, Đông Dương hấp hối (Hồi ký), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.55.
[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những bài viết và nói chọn lọc thời kỳ đổi mới, Sđd, tr.150.
[4] Võ Nguyên Giáp, Tổng tập luận văn, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, T.2, tr.997.
[5] G.Boudarel, Võ Nguyên Giáp, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012, tr.12.
[6] G.Boudarel, Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr.235.
[7] B.Currey, Chiến thắng bằng mọi giá - Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013, tr.432.
[8] G.Boudarel, Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr.74.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
Tin tức khác
-
Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024) - ( 15-10-24 11:00 )
-
Nâng chế độ bồi dưỡng với người trực tiếp khảo sát, rà phá bom, mìn - ( 15-10-24 09:00 )
-
Chuẩn bị tốt cho tiếp quản Thủ đô - ( 06-10-24 08:00 )
-
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn (1/10/1914 – 1/10/2024): Đại tướng Lê Trọng Tấn với quá trình hoạt động cách mạng Việt Nam - ( 30-09-24 01:00 )
-
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn (1/10/1914 – 1/10/2024) - ( 27-09-24 09:00 )
70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong và ngoài nước nghiên cứu về chiến dịch này. Rất nhiều vấn đề được làm sáng tỏ, đào sâu cả ở tầm khái quát và ở các sự kiện, biến cố, chi tiết cụ thể từ hai phía.
Song đến nay, có một câu hỏi mang tính lịch sử sâu sắc được đặt ra và tìm lời giải đáp trong nhiều công trình, đó là: Tại sao, nguyên nhân nào Việt Nam là một dân tộc nghèo, đất không rộng, người không đông lại làm nên chiến thắng vĩ đại mang tầm vóc thế giới? Tại sao nước Pháp giàu có, "binh hùng", vũ khí mạnh... lại thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ đã được chuẩn bị công phu, mà họ nghĩ sẽ là "cối xay thịt" quân Việt Minh?
Đã có nhiều lời giải xác đáng, khoa học song không phải trọn vẹn. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận đánh thuộc lĩnh vực quân sự, vì vậy, trước hết phải tìm nguyên nhân chiến thắng từ góc độ quân sự. Đó là khoa học quân sự, là nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vậy nội hàm của học thuyết, nghệ thuật quân sự Việt Nam là gì? Tại một cuộc hội thảo quan trọng về vấn đề này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Phải khẳng định có một học thuyết quân sự Việt Nam và tôi nghĩ rằng, theo học thuyết ấy không hề có chiến lược quân sự thuần túy, chiến lược ta bao giờ cũng là chiến lược tổng hợp, cả chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, một chiến lược toàn diện tổng hợp”[1]. Từ đó, “văn hóa” đã trở thành một nội dung, một thành tố hữu cơ trong học thuyết quân sự Việt Nam. Và trong một lần trao đổi với Giáo sư Phan Huy Lê, Đại tướng đã xác định: “Nghệ thuật quân sự Việt Nam là lĩnh vực thuộc phạm trù văn hóa”.
Và điều đặc biệt thú vị nữa là, sau thất bại ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, chính tướng bại trận Henri Navarre - Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương - đã phải thừa nhận rằng: “Sức mạnh to lớn của Việt Minh nằm trong sức mạnh huyền thoại của dòng giống người Việt, lòng yêu nước và nhất là ý thức xã hội mà họ đã xây dựng được... Chính phủ Việt Minh đưa cuộc chiến vào tất cả các lĩnh vực - chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội và quân sự - tạo ra một động lực hết sức mạnh mẽ”[2]. Tuy rất cay đắng vì thất bại, song tướng H.Navarre đã tìm ra được chân lý, được nguyên nhân sâu xa gây nên thất bại của mình vì không hiểu được “động lực hết sức mạnh mẽ” của văn hóa quân sự Việt Nam, của văn hóa yêu nước, giữ nước của dân tộc chúng ta.
17 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Lý giải vì sao nhân dân ta đã đánh thắng hai đế quốc nói chung và Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: “Sẽ không tìm được câu trả lời cho câu hỏi này nếu không nhìn sâu vào chiều dày lịch sử xa xưa, vào nền văn hóa dân tộc, vào truyền thống và di sản quân sự của tổ tiên...”[3].
Đặc điểm bao trùm và sâu sắc nhất của văn hóa giữ nước - yêu nước của dân tộc ta được hình thành và phát triển hàng nghìn năm nay, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định là: “Bí quyết quan trọng bậc nhất là: Phải thực hiện cả nước chung sức đánh giặc, phải tổ chức toàn dân kháng chiến. Quân phải đánh giặc, đồng thời dân cũng phải đánh giặc”[4]. Thử sơ lược nhìn lại một vài sự kiện lịch sử để hiểu rõ đặc trưng văn hóa giữ nước này từ xa xưa cho tới đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Có lẽ, truyền thuyết “Thánh Gióng” là biểu hiện văn hóa đầu tiên của văn hóa giữ nước của dân tộc ta. Gióng đánh quân xâm lược một mình? Không phải. Ai nuôi Gióng từ một cậu bé bỗng lớn lên thành Phù Đổng. Cơm gạo của dân làng. Ai rèn đúc vũ khí (ngựa sắt, gươm sắt) cho Gióng. Dân làng. Thanh gươm bị gẫy, vũ khí thay thế của Gióng là các cụm tre làng. Gióng đã thắng, đuổi quân xâm lược khỏi bờ cõi đất nước, song, đó chính là sức mạnh nhân dân trong Gióng đã làm nên chiến thắng. Đó là sức mạnh tổng hợp, tổng lực của văn hóa giữ nước của dân tộc ta. Tôi nhớ, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Alain Ruscio - sử gia người Pháp đã nhận xét: “Võ Nguyên Giáp đâu phải chỉ có một mình! Ông có nhân dân Việt Nam cùng kề vai, sát cánh...”[5]. Thật thú vị khi có sự trùng hợp của hai hình ảnh trên.
Văn hóa giữ nước huy động sức mạnh của cả dân tộc khi bị kẻ thù xâm lược là bí quyết của mọi chiến thắng. Tướng bại trận tại Điện Biên Phủ - De Castries đã phải thốt lên: Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc.
Văn hóa giữ nước, bảo vệ Tổ quốc như vậy, tất yếu tạo ra nghệ thuật quân sự đặc biệt, riêng có của Việt Nam, đó là chiến tranh nhân dân, mà đặc trưng của nó là sức mạnh bắt nguồn trong lực lượng hùng hậu của nhân dân được giác ngộ và được tổ chức.
Thử đối chiếu hai trận quyết chiến chiến lược kết thúc chiến tranh, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước ta: Trận Ngọc Hồi - Đống Đa của thế kỷ XVIII và trận Điện Biên Phủ giữa thế kỷ XX sẽ cho ta thấy sức mạnh của văn hóa giữ nước và sự kế thừa, phát triển của chiến tranh nhân dân. Chỉ trong vòng hơn một tuần, người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tập hợp, tổ chức lực lượng quân đội từ trong nhân dân, nông dân hùng hậu từ miền Trung ra đến phía Bắc, hành quân thần tốc đánh bại 29 vạn quân Thanh, đất nước sạch bóng quân thù, kết thúc chiến tranh.
Để chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân và dân cả nước, từ Bắc tới Nam đã phối hợp tiêu diệt sinh lực địch, cô lập Điện Biên Phủ. Không chỉ có bộ đội chiến đấu ở Điện Biên Phủ mà còn hàng vạn, hàng triệu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hành quân đem đạn dược, vũ khí, mở đường, tiếp tế hậu cần... cho chiến dịch. Cả nước ra trận vì trận quyết chiến chiến lược này, đúng như sau này, nhà thơ Chính Hữu đã viết: “Có những ngày vui sao, cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục” (khi trận Điện Biên Phủ sắp diễn ra, tôi còn bé, nhưng vẫn nhớ như in: Gia đình tôi, lúc đó có 9 anh chị em thì 3 anh đã tự nguyện đi thanh niên xung phong. 3 chị đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch, trong đó có chị chưa đến 15 tuổi. Ở nhà chỉ còn có bố mẹ già và 3 đứa em nhỏ, thiếu ăn. Đồng cảm với những người ra trận, bà con làng xóm đã tự nguyện ùn ùn gánh ngô đến ủng hộ gia đình. Tôi nhớ, ngô chất thành như núi trong nhà). Văn hóa giữ nước đâu còn là một khái niệm trừu tượng mà chính là những cái cụ thể, hằng ngày nhất và đặc biệt được thể hiện trong phẩm giá những con người bình thường nhất, trước hết là những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu.
Thời phong kiến, trong kế sách giữ nước của ông cha ta có chính sách “ngụ binh ư nông”. Người nông dân sẵn sàng bỏ cày, bỏ cuốc, trở thành nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân khi có giặc xâm lược đất nước, khi có lời hiệu triệu cứu nước. “Ngụ binh ư nông” là một nét văn hóa giữ nước vô cùng độc đáo của dân tộc ta đã tồn tại từ hàng trăm năm. Ngày xưa, những người lính dũng cảm của anh hùng dân tộc Quang Trung đều là từ nông dân. Ở trận Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, có lẽ, phần lớn “chiến sĩ Điện Biên” cũng từ đồng quê mà trưởng thành, trở thành Bộ đội Cụ Hồ, thành Anh hùng.
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu thời khắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ảnh tư liệu TTXVN
Bốn từ “Quyết chiến - Quyết thắng” trên lá cờ ở Chiến dịch Điện Biên Phủ giúp tôi nhớ tới hai từ “Sát Thát” được viết trên tay những người lính thời Trần quyết diệt quân xâm lược và dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cảm tử quân Trung đoàn Thủ đô chiến đấu bảo vệ Hà Nội hơn 60 ngày đêm năm 1946. Đó không hề là một khẩu hiệu hô hào suông. Đó là ý chí kiên cường, quả cảm của người lính và đó chính là hành động tự nguyện của các thế hệ người lính Việt Nam quyết tâm sắt đá diệt giặc để giữ nước, bảo vệ và giải phóng đất nước như lời hịch năm xưa “dẫu có trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, ngàn xác này gói trong da ngựa cũng cam lòng”. Và đó chính là những giá trị văn hóa bền vững và phát triển trong lịch sử dân tộc ta từ ngàn xưa đến hiện tại. Một dòng chảy văn hóa giữ nước không bao giờ, không thể đứt đoạn. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã minh chứng hùng hồn cho sự thật lịch sử đó.
56 ngày đêm cực kỳ gian khổ và hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ, nếu không có sự đoàn kết, gắn bó, thương yêu nhau như tình cảm ruột thịt, chắc rằng người lính không thể trụ vững. Ngược lại, ở nơi đây đã trở thành tấm gương sáng ngời của tình đồng đội, đồng chí, cán bộ với chiến sĩ. Khi được lên Điện Biên tham gia tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng (1984), tôi lặng đi vì ngỡ ngàng và xúc động khi chứng kiến những chiến sĩ Điện Biên ôm chặt nhau, khóc không thành tiếng, đứng lặng đi với những đôi mắt đỏ hoe chứa đầy nước mắt trước Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi A1 (lúc đó, còn đơn sơ lắm). Một vẻ đẹp kỳ lạ trong đau thương của người lính. Nghĩa tình đồng đội, đồng chí là một giá trị văn hóa tuyệt vời của Bộ đội Cụ Hồ, mà đỉnh cao của nó trước những thử thách vô cùng khốc liệt, nghiệt ngã ở chiến trường Điện Biên Phủ. Song giá trị văn hóa mới đó có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử dân tộc, trong văn hóa giữ nước của chúng ta. Tôi nhớ đến tình cảm “phụ tử chi binh” của thời Trần, “huynh đệ chi binh” của thời Lê và “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” có từ thời khởi nghĩa Lam Sơn.
Lịch sử dân tộc ta từng chịu quá nhiều đau thương mất mát, bị tàn phá, hy sinh do các cuộc chiến tranh xâm lược gây ra. Cũng chính vì thế mà dân tộc ta vô cùng yêu quý hòa bình, cho dù khi chỉ có vài ngày giữa cuộc chiến. Vì vậy, nói văn hóa giữ nước Việt Nam không chỉ là sức mạnh chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, không chỉ là chiến lược, chiến thuật các trận đánh (nội dung này là cả một kho tàng phong phú mà cha ông ta đã để lại), mà còn chính là văn hóa yêu hòa bình, và không còn cách nào khác, phải chiến đấu cũng bởi vì hòa bình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xác quyết: “Chúng tôi đã nhiều lần chứng tỏ thiện chí của mình. Nếu các ông muốn hòa bình thì sẽ có hòa bình. Còn nếu không, muốn chiến tranh thì sẽ có chiến tranh” và “Hãy tin rằng chúng tôi sẽ làm tất cả để tránh khỏi thảm họa này”[6]. “Đó là một cuộc chiến mà chúng tôi bắt buộc phải làm, chúng tôi là một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhất thế giới”[7]. Kẻ thù hung tàn, cường bạo đã bắt buộc chúng ta phải vào cuộc chiến để giành Hòa bình cho dân tộc, song, với Đại tướng, đó phải là “một nền hòa bình trong tự do và công bằng... chứ không phải hòa bình trong nhẫn nhục, mất danh dự và nô lệ”[8]. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ là biểu hiện sáng ngời của văn hóa giữ nước - văn hóa yêu hòa bình Việt Nam, bởi vì chiến đấu để “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” như lời khẳng định đanh thép trong “Bình Ngô đại cáo”. Đó là tư tưởng quân sự độc đáo Việt Nam, biết cách đánh thắng bằng bản sắc văn hóa riêng của dân tộc chúng ta. Ở chiến trường Điện Biên Phủ, chúng ta đã thực hiện trọn vẹn, hoàn hảo điều đó.
Theo QĐND điện tử
-----------------------------------------------
[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những bài viết và nói chọn lọc thời kỳ đổi mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.444.
[2] H.Navarre, Đông Dương hấp hối (Hồi ký), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.55.
[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những bài viết và nói chọn lọc thời kỳ đổi mới, Sđd, tr.150.
[4] Võ Nguyên Giáp, Tổng tập luận văn, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, T.2, tr.997.
[5] G.Boudarel, Võ Nguyên Giáp, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012, tr.12.
[6] G.Boudarel, Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr.235.
[7] B.Currey, Chiến thắng bằng mọi giá - Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013, tr.432.
[8] G.Boudarel, Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr.74.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024) - ( 15-10-24 11:00 )
- Nâng chế độ bồi dưỡng với người trực tiếp khảo sát, rà phá bom, mìn - ( 15-10-24 09:00 )
- Chuẩn bị tốt cho tiếp quản Thủ đô - ( 06-10-24 08:00 )
- Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn (1/10/1914 – 1/10/2024): Đại tướng Lê Trọng Tấn với quá trình hoạt động cách mạng Việt Nam - ( 30-09-24 01:00 )
- Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn (1/10/1914 – 1/10/2024) - ( 27-09-24 09:00 )