Chân quê đầu sóng
* Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN
HQVN -
Thanh âm làng quê với tiếng gà gáy, chó sủa, tiếng cuốc kêu, chim hót gọi bạn tình và hình ảnh những đàn cò sải cánh trắng muốt trên sóng cả mênh mông vào buổi hoàng hôn… đã tạo nên một nét chân quê bình dị, sâu lắng ở Trường Sa. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ qua các thế hệ, đến từ các vùng, miền trong cả nước đã bồi đắp cho quần đảo Trường Sa những phong tục tập quán, những nếp nhà đặc sắc. Đó cũng chính là chất liệu góp phần làm nên một vùng văn hóa- vùng văn hóa Trường Sa…
Năm 2003, lần đầu tiên tôi ra Trường Sa. Đó là một trong những chuyến công tác đáng nhớ nhất trong đời làm báo, đời binh nghiệp của tôi. Lần ấy, chúng tôi theo tàu của Vùng 4 Hải quân vận chuyển hàng, quà tết cho đồng đội ở các đảo. Đêm đầu tiên trên đảo Trường Sa Lớn, tôi nằm mà không dám chợp mắt, vì sợ giấc ngủ sẽ làm thời gian trôi đi một cách lãng phí. Tôi muốn tận hưởng từng thanh âm, hương sắc nơi biển cả mênh mông. Đêm sâu, vừa nghe sóng biển rì rào kể chuyện đại dương, đã râm ran tứ bề tiếng gà gáy sang canh. Sau ba cữ gà gáy, hừng đông đã sắc hồng rẽ quạt.
Phút thư giãn của chiến sĩ đảo Trường Sa. Ảnh: Hải Hà
Tôi rủ anh bạn đồng nghiệp đi săn ảnh bình minh biển, đảo. Chợt nghe tiếng cuốc rúc lên ở vạt phong ba phía lô cốt cuối giao thông hào. Ơ! Lạ thật. Gà gáy, chó sủa, tiếng lợn kêu eng éc thì chả có gì lạ, bởi đó là những loài vật nuôi bộ đội ta đem từ đất liền ra. Nhưng những loài chim hoang dã chỉ có nơi đồng quê, đồi núi, sao lại xuất hiện ở đây? Hóa ra, ở đâu có bộ đội, ở đó có chân quê. Con chim cuốc vừa rúc lên, đã nghe tiếng đáp của đồng loại từ phía đường băng. Ngày mới của những loài chim trời bắt đầu bằng tiếng gọi nhau dậy sớm đi ăn.
Chúng tôi ngồi bên mé đảo nhìn ra biển bao la, những đốm sáng từ tàu cá của ngư dân như một mảng trời đầy sao sà xuống cánh đồng chiêm trước nhà. Nét chân quê bình dị, thân thương ấy cứ dậy lên, đầy lên trong tâm hồn, trái tim. Đã đọc nhiều, nghe nhiều, xem nhiều về Trường Sa, về biển, đảo Tổ quốc nhưng chỉ khi được đặt chân lên đảo, được hít thở luồng khí mát lành của sóng gió lọc qua tán phong ba, được sống trong chân quê, nếp nhà nơi đầu sóng… mới thấy yêu biển đảo, yêu Tổ quốc mình thiết tha đến mức nào.
Chiều xuống, khi mặt trời dần khuất sau những lớp sóng bạc đầu, chúng tôi lại nghe tiếng chim đa đa rúc từng hồi. Rồi thì những cánh cò trắng muốt bay về chỗ ngủ. Muông thú ở Trường Sa gần gũi, thân thiết với con người như những người bạn. Chúng sà ngay bên cạnh chúng tôi như muốn gửi lời chào những người bạn mới của đảo…
Biểu diễn hát chèo ở Trường Sa. Ảnh: Hải Hà
Năm 2020 tôi trở lại Trường Sa Lớn. Nhớ tiếng chim trời năm xưa, tôi tìm lại vạt phong ba bên giao thông hào mùa cũ.
-Dạ! Chú đừng đến chỗ ấy ạ! - Chàng Binh nhất đeo súng đứng gác nhỏ nhẹ bước đến nhắc tôi. Tôi chưa kịp giải thích lý do thì người chiến sĩ đã nói tiếp:
-Trong lùm cây ấy có mấy tổ chim cuốc. Có tổ chim mẹ đang ấp, có tổ đã có chim non. Chú đừng lại gần, lỡ giẫm phải chúng!
Tôi đứng lặng nhìn người chiến sĩ. Một cảm giác ngọt ngào tình thân ập đến. Cậu cũng độ tuổi con trai tôi, chỉ khác, cậu đang là công dân của Trường Sa. Người lính Cụ Hồ ôm súng đứng gác giữa biển trời bao la, không chỉ gác cho Tổ quốc, cho quê hương yên bình mà còn gác cho nhịp đời sinh sôi của thiên nhiên tạo tác. 17 năm rồi, con chim cuốc cất tiếng gọi bạn tình ngày ấy có lẽ đã chuyển kiếp từ lâu lắm nhưng tổ chim, tiếng cuốc gọi bình minh khi hừng đông rẽ quạt thì vẫn thế. Tiếng chim đa đa vẫn rúc lên khi hoàng hôn buông xuống. Ngày qua ngày, nhịp đời sinh sôi cứ rộn lên, đầy thêm, nhộn nhịp hơn trên những trảng san hô, bên rặng cây phong ba, bão táp. Tôi bắt tay người chiến sĩ, trở về phòng trong tiếng chuông chùa vang vọng thinh không và âm sắc chân quê đầu sóng.
Văn hóa Trường Sa, văn hóa biển, đảo Tổ quốc mình là những gì được chắt lọc, chưng cất qua ngàn trùng sóng cả, kết tinh trong huyết quản, trái tim chiến sĩ. Khi người chiến sĩ biết yêu thương, nâng niu từng nhành cây, ngọn cỏ, từng cánh bướm, tiếng chim nơi ngàn trùng sóng vỗ thì tình yêu Tổ quốc trong trái tim họ cao cả, thiêng liêng đến mức nào…
*
* *
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được coi là một “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa. Trong bài phát biểu quan trọng tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn hai bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu và “Chân quê” của Nguyễn Bính để truyền tải thông điệp tri ân và trân quý nếp nhà. Đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào môi trường quốc tế.
Thành tựu của nền văn minh công nghiệp, đặc biệt là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đã tác động toàn diện đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Nhiệm vụ của các đơn vị quân đội và đời sống của cán bộ, chiến sĩ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mỗi bước tiến của văn minh đặt ra những thách thức về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tâm lý sính ngoại, chạy theo cái mới lạ, coi nhẹ vốn văn hóa truyền thống ông cha trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân đã tạo nên những rạn nứt, đứt gãy về văn hóa.
Chiến lược bảo tồn văn hóa, chấn hưng đạo đức xã hội, trong đó cốt lõi là văn hóa, đạo đức trong Đảng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, phải biết gạn đục, khơi trong, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Tổng Bí thư kêu gọi cán bộ, đảng viên phải giữ lấy nếp nhà, giữ lấy chân quê, bởi đó là gốc gác của mình, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, bồi đắp nguồn lực nội sinh. Người lính biết yêu quê hương từ bát cơm mẹ nấu, biết sống cho lý tưởng từ lời ru bên vành nôi thơ ấu, qua thời gian, giáo dục, rèn luyện mà trưởng thành lên.
Nếp nhà, chân quê là gia phong, cốt cách, là gốc của của văn hóa đời người.
Ngẫm về thông điệp của Tổng Bí thư, lại thấy trân quý hơn những chiến sĩ văn hóa trong hàng ngũ Bộ đội Cụ Hồ. Ở đâu có bộ đội, ở đó có sáng tạo văn hóa. Bộ đội cũng là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo tồn văn hóa dân tộc, chấn hưng đạo đức xã hội…
Trường Sa ngày mới. Ảnh: Vũ Hưởng
Trong trận càn quét khủng khiếp của đại dịch Covid-19 vừa qua, đất nước, nhân dân thấy rõ hơn bổn phận cống hiến và đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh những con tàu và chiến sĩ Hải quân mang tinh thần, nghĩa khí, tình cảm của biển về đất liền “mở luồng xanh” với hàng nghìn tấn hàng hóa để chi viện, hỗ trợ đồng bào trong các vùng tâm dịch, đã gieo vào lòng dân ấn tượng sâu đậm. Cơn bão dịch bệnh đi qua, đời sống xã hội từng bước thích ứng an toàn với Covid-19, thời gian đẩy những sự kiện của đời sống xã hội lùi sâu vào lịch sử và xóa nhòa đi nhiều thứ nhưng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vì nhân dân quên mình thì còn mãi, trở thành giá trị văn hóa trường tồn.
Trong hành trang và hành trình của Bộ đội Cụ Hồ trên mọi nẻo đường công tác, luôn thấm đẫm nếp nhà, mộc mạc chân quê. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trong những tháng ngày xông pha trên tuyến đầu chống dịch đã được các gia đình nhận làm con nuôi. Những chuyện tình ươm mầm trong tâm dịch giữa bộ đội và nữ tình nguyện viên chống dịch đã tô điểm thêm những sắc màu chung thủy trong bức tranh chân quê, đậm đà tình nghĩa quân dân… Với Bộ đội Cụ Hồ, giúp dân không chỉ là nhiệm vụ mà cao cả hơn, đó là bổn phận, là văn hóa tri ân!
Khi số báo này đến tay bạn đọc thì những chuyến tàu Hải quân rẽ sóng vươn khơi mang theo tình cảm từ đất liền, cũng đã về tới đất liền sau chuyến đi mang hương vị Tết đất liền đến các đảo ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Tết nơi đầu sóng, xuân trên biển, đảo quê hương, đào mai vẫn bung nụ, khoe sắc cùng hoa sóng tung bọt trắng xóa đầu ghềnh. Ở đâu cũng ấm nếp nhà. Muôn trùng sóng vỗ cũng là chân quê…
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Khi gió mùa về... - ( 07-12-24 01:00 )
- Mùa khoai trong ký ức - ( 05-12-24 02:00 )
- Quân chủng Hải quân tích cực hưởng ứng cuộc thi “80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng, chiến đấu và trưởng thành” - ( 04-12-24 04:00 )
- Đoàn cơ sở Lữ đoàn 957: Diễn đàn điểm “80 năm Vinh quang hào hùng – Tiếp bước cha anh” - ( 04-12-24 01:00 )
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 khu vực II - ( 04-12-24 08:00 )