Cánh bay mùa xuân

HQVN -

Cùng với các lực lượng khác trong Quân chủng, mùa xuân này, thủy phi cơ DHC-6 của Hải quân Nhân dân Việt Nam (NDVN) có gần một thập kỷ phát triển, trưởng thành, là một trong những lực lượng quan trọng đánh dấu lộ trình tiến thẳng lên hiện đại của Quân chủng Hải quân. Sự ra đời của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 nói chung và DHC-6 nói riêng mở ra thời kỳ mới về dấu ấn đặc thù của lực lượng không quân bay biển chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Từ quyết tâm làm chủ bầu trời biển, đảo

Trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần có một lực lượng không quân nằm trong thành phần lực lượng chủ lực của Quân chủng, hơn 10 năm về trước, sau bao năm trăn trở, nghiên cứu, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cho phép Quân chủng Hải quân có được một lực lượng Không quân Hải quân để vừa làm nhiệm vụ bay biển vừa thuận lợi hơn trong hiệp đồng SSCĐ với các lực lượng như chỉ thị mục tiêu, tuần thám biển, săn ngầm, tìm kiếm cứu nạn... Đặc biệt, lực lượng Không quân Hải quân sẽ là “cầu nối” bằng đường hàng không giữa các đảo xa với đất liền.

   Kiểm tra kỹ thuật DHC-6 trước giờ bay

Thành công lớn của Quân chủng là được trên đồng ý cho thành lập lực lượng Không quân Hải quân để chúng ta có đầy đủ 5 thành phần lực lượng quan trọng. Thành công nữa là chúng ta nghiên cứu, đề xuất và được trên đồng ý cho trang bị những máy bay phù hợp với không quân biển, đảo- lực lượng rất đặc thù của bộ đội Hải quân như EC-225, DHC-6, kịp thời nâng cấp, phát huy tính đồng bộ của Ka-28 trong hoạt động chống ngầm, săn ngầm...

Sau bao ngày chờ đợi, ngày 29/10/2013, chiếc thủy phi cơ DHC-6 đầu tiên của Hải quân NDVN số hiệu VNT 777 đã đáp xuống sân bay Cam Ranh trong niềm vui, xúc động của bao người. Sự hiện diện của chiếc máy bay mới, hiện đại, phù hợp với bay biển (vừa hạ cánh trên đường băng ngắn vừa có thể hạ cánh trên mặt biển) cùng với sự kiện trước đó (ngày 3/7/2013) Quân chủng được tiếp nhận Lữ đoàn 954 từ Quân chủng Phòng không - Không quân về trực thuộc Quân chủng mở ra dấu mốc mới về một lực lượng đặc thù, đặc biệt của Hải quân NDVN.

Để sớm làm chủ thế hệ máy bay mới này, trước đó, từ năm 2010 Quân chủng đã làm tốt công tác tuyển chọn phi công và gửi đi đào tạo tại nước ngoài để làm chủ, khai thác chuyên nghiệp, bài bản ngay từ khi có máy bay hiện đại.

Vốn là Phó thuyền trưởng tàu Hải quân, rồi trở thành Phó Phi đội trưởng, Tham mưu trưởng Phi đội DHC-6 khi quân hàm mới chỉ là Thượng úy, Thiếu tá Phạm Vũ Tuấn (nay là Phó Trưởng phòng Không quân Hải quân chia sẻ): Tuyển chọn đầu vào phi công DHC-6 đợt đầu tiên là số học viên đã trúng tuyển tàu ngầm, có sức khỏe tốt và hội đủ các yếu tố khác. Tuy nhiên, vì quá trình đào tạo phi công theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng và làm chủ trang bị theo tiêu chuẩn Châu Âu nên rất khắt khe về ngoại ngữ (tiếng Anh), do đó áp lực và sự sàng lọc giai đoạn đầu đòi hỏi các học viên được tuyển chọn vào phi công DHC-6 phải rất nỗ lực để khẳng định mình trong lực lượng mới. Do yêu cầu cao về kỷ luật trong công tác kỹ thuật hàng không DHC-6, nhiều đồng nghiệp vốn khai thác các loại dòng máy bay trước đó bước đầu gặp không ít khó khăn, thách thức.

Đến những chiến công đầu

Niềm vui, niềm tự hào khi được làm chủ máy bay mới, hiện đại nhưng áp lực về khai thác làm chủ không hề nhỏ. Là người có mặt trên chuyến bay đầu tiên của DHC-6 ra Trường Sa ngày 8/3/2014, tôi nhớ mãi giây phút thủy phi cơ đáp xuống sân bay Trường Sa. Dù có chuyên gia hỗ trợ nhưng Phi đội trưởng, cơ trưởng Vương Đăng Nam và Phó phi đội trưởng Phạm Vũ Tuấn không khỏi căng thẳng, hồi hộp khi điều khiển máy bay đáp xuống sân bay. Chỉ đến khi máy bay lăn bánh trên đường băng, nhìn nét mặt hân hoan của quân dân trên đảo, cả Biên đội và đoàn công tác do Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó Tư lệnh Hải quân mới hết hồi hộp.

Xúc động nhất là khi chứng kiến niềm vui, niềm tự hào của quân dân nơi đây khi chứng kiến lần đầu tiên Hải quân Việt Nam có máy bay của lực lượng mình ra thăm quân dân nơi đầu sóng. Nhờ có lượng thực phẩm tươi sống mà DHC-6 vừa mang ra nên bữa liên hoan chúc mừng chị em trên đảo nhân ngày 8/3 hôm đó diễn ra rôm rả hơn. Các món nóng sốt mới được máy bay mang ra từ đất liền như phở bò, vịt lộn, hoa quả tươi được cháu nhỏ thích nhất. Chị Hà, một hộ dân trên đảo xúc động: Nghe thông báo có máy bay Hải quân ra Trường Sa quân dân ai cũng háo hức, mong chờ, có mặt để đón đoàn từ sáng sớm, vui nhất là từ nay đã có cầu hàng không...

Tổ bay DHC-6 thực hiện nhiệm vụ trên biển

Thiếu tá Phạm Vũ Tuấn, người đã có chuyến bay đầu tiên ra Trường Sa năm ấy và nhiều chuyến bay cấp cứu, cứu nạn ở Trường Sa chia sẻ: Trong những năm qua chỉ riêng bay cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn, DHC-6 đã bay 15 chuyến thành công. Có nhiều ca bay cấp cứu với yêu cầu thời gian gấp, bay trong điều kiện thời tiết phức tạp nhưng các tổ bay đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhớ lại lần được DHC-6 bay cấp cứu từ Trường Sa về Viện quân y 87 do nhồi máu cơ tim, ngư dân Phạm Điểm, tàu cá QNg 95220 TS, 63 tuổi ở Lý Sơn, Quảng Ngãi vẫn chưa hết xúc động: Tôi được sống lần hai là nhờ đội ngũ y, bác sĩ và thủy phi cơ Hải quân. Hôm đó đang đánh bắt gần đảo thì bị đột quị, tưởng “đi” luôn rồi, may mắn được Trung tâm Y tế Trường Sa cấp cứu ban đầu và được Hải quân cho máy bay ra chở về đất liền điều trị nên tôi đã sống lại lần hai. Cám ơn Quân đội và Hải quân mình nhiều lắm!

Ngoài các chuyến bay cấp cứu, nhờ lợi thế tầm bay rộng, có thể hoạt động liên tục trên biển 6-7 tiếng, nhất là với trần bay thấp, rất thuận lợi khi quan sát mặt biển, nếu cần thì hạ trên mặt nước nên DHC-6 thường xuyên được điều động bay xác định tọa độ cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Cuối tháng 10/2020, khi 2 tàu cá và 28 ngư dân Bình Định mất tích trên khu vực biển Khánh Hòa, ngay sau khi được nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng và Quân chủng do Tư lệnh Hải quân trực tiếp chỉ đạo ở Sở chỉ huy phía trước, 2 thủy phi cơ DHC-6 số hiệu 772 và 773 đã kịp thời có mặt tại vùng biển tàu cá đang gặp nạn để bay chỉ thị mục tiêu cho tàu mặt nước tìm kiếm cứu nạn. Dù trong điều kiện thời tiết phức tạp nhưng với lợi thế tầm bay rộng, bay thấp nên Phi đội DHC-6 đã kịp thời chỉ thị mục tiêu, xác định chính xác tọa độ các tàu ngư dân gặp nạn để lực lượng tàu mặt nước tổ chức tìm kiếm và cứu nạn thành công 2 tàu cá trong niềm vui khôn tả. Ông Phạm Đình Nhanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, Hoài Nhơn, Bình Định- người trực tiếp đón 28 ngư dân bị nạn ở cảng Cam Ranh về địa phương chia sẻ: Nhờ Hải quân có trang bị hiện đại, nhất là có không quân bay xác định mục tiêu để tàu mặt nước tìm kiếm nên ngư dân địa phương đã được cứu sống kịp thời. Sự việc trên cũng là bài học để chúng tôi làm tốt hơn việc tuyên truyền đối với ngư dân về ý thức bảo đảm an toàn khi khai thác hải sản, nhất là phối hợp hiệp đồng trong tìm kiếm cứu nạn.

Mở rộng tầm bay trên thềm lục địa

Mùa xuân này, khi mọi người mọi nhà đang chuẩn bị vui tết đón xuân thì lực lượng thủy phi cơ DHC-6 lại lên đường thực hiện nhiệm vụ ở vùng trời, vùng biển thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đây là đợt ra quân thứ 2 của lực lượng Không quân Hải quân Việt Nam từ 25/10/2021 đến nay theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu về bay quan sát trên vùng biển giáp ranh các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thực hiện đợt cao điểm về tăng cường phối hợp giữa các lực lượng nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Thượng tá Nguyễn Hồng Phương, Phó Trưởng phòng Không quân Hải quân cho biết: Từ ngày 15/12 đến 30/12/2021 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng, lực lượng Không quân Hải quân đã tổ chức cho thủy phi cơ DHC-6 số hiệu 773 cơ động từ Cam Ranh vào Cần Thơ thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển giáp ranh Việt Nam với Malaysia và Indonesia. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, đường bay xa, khu vực biển vốn nhạy cảm, nhưng nhờ sự hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị Phòng không-Không quân và lực lượng chức năng các nước có vùng biển giáp ranh, Hàng không dân dụng, Trung tâm Quản lý bay Quốc gia, các Quân khu 7,9, DHC-6 đã tổ chức nhiều ban bay, quan sát, phát hiện được gần 500 lần chiếc tàu cá hoạt động trên vùng biển giáp ranh, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có dấu hiệu vượt qua đường ranh giới biển. Đợt này, DHC-6 đã phát hiện 33 tàu cá vượt đường ranh giới, Tổ bay đã thông báo kịp thời cho tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển đang trực ở vùng biển giáp ranh tổ chức ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền.

Thủy phi cơ DHC-6 tuần tra kiểm soát mặt biển

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của Ban chỉ đạo IUU Bộ Quốc phòng, nhất là Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều động thủy phi cơ DHC-6 bay tuần tra, quan sát, cảnh báo trên vùng biển giáp ranh phối hợp cùng các tàu trực, tuần tra trên biển nên so với đợt ra quân lần 1 (từ ngày 25/10 đến 15/11/2021), đợt 2 này số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm rất nhiều (đợt 1 bay quan sát 1712 lần chiếc tàu cá, phát hiện 56 lần chiếc vượt đường ranh giới). Đây thực sự là tín hiệu tốt để chúng ta quyết tâm thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hiệu quả IUU, để EC sớm gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản nước ta.

Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Hải quân khẳng định: Những năm qua dù lực lượng DHC-6 tuổi đời còn rất non trẻ nhưng đã lập nhiều thành tích rất đáng tự hào, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ngoài nhiệm vụ SSCĐ, bay vận tải, cứu hộ cứu nạn trên đảo xa, lực lượng DHC-6 của Hải quân còn bay chuyên cơ, phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội. Đặc biệt là những thành tích trong thực hiện IUU trên vùng trời, vùng biển giáp ranh vừa qua khẳng định niềm tin của lãnh đạo các cấp đối với thủy phi cơ DHC-6 và lực lượng Không quân Hải quân...

Một mùa xuân mới lại về với biển. Trên những cánh bay mùa xuân, các phi công trẻ của lực lượng Không quân Hải quân vẫn miệt mài học tập, huấn luyện, làm chủ, chuyển giao, đào tạo thêm những thế hệ phi công mới để tiếp nối những chiến công đầu, tiếp tục vươn dài, vươn rộng tầm bay, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Trọng Thiết

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn