Cần tăng cường các giải pháp quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn

HQVN -

6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc vi phạm kỷ luật (VPKL), bảo đảm an toàn góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị VMTD mẫu mực, tiêu biểu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đơn vị an toàn tiếp tục tăng

Những tháng đầu năm 2022, sau khi đại dịch Covid-19 có chiều hướng giảm, cùng với các đơn vị trong toàn quân, các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng sau thời gian cách ly, cấm trại khá dài đã trở lại trạng thái bình thường mới. Tinh thần, khí thế hăng say học tập, huấn luyện sau đại dịch của cán bộ, chiến sĩ là điều đáng ghi nhận, góp phần quan trọng để các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tuy nhiên, khi mọi hoạt động trở lại bình thường cũng là lúc có nhiều rủi ro về VPKL, mất an toàn trong huấn luyện, tham gia giao thông, khi cán bộ, chiến sĩ đi tranh thủ, nghỉ phép ở các địa phương...

Kiểm tra lễ tiết tác phong quân nhân ở Tàu 015, Lữ đoàn 162, Vùng. Ảnh: Lê Ngọc

Theo số liệu từ cơ quan chức năng Quân chủng, nếu như 6 tháng đầu năm 2020 chỉ có 7/20 cơ quan, đơn vị Hải quân an toàn thì đến tháng 6/2022 đã có đến 13/20 đầu mối các cơ quan, đơn vị bảo đảm an toàn, tăng 3 đơn vị so với cùng kỳ năm 2021, gồm: Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Vùng 5, Học viện Hải quân, Viện Kỹ thuật, Lữ đoàn 83, Lữ đoàn 126, Lữ đoàn 131, Lữ đoàn 189, Lữ đoàn 954, Công ty Hải Thành, Hải đoàn 128, 129. Đặc biệt các vụ việc VPKL thông thường giảm nhiều (chỉ tăng về mất an toàn giao thông), nhất là vi phạm “3 dứt điểm” và các loại hình VPKL khác giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Quân chủng đứng thứ 5/24 đầu mối trong toàn quân về bảo đảm an toàn.

Đây là kết quả từ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong việc quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 103/CT-BQP ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Nghị quyết số 1683-NQ/ĐU ngày 9/6/2020 Đảng ủy Quân chủng, Chỉ thị số 11851/CT-BTL ngày 18/9/2020 của Tư lệnh Hải quân về tăng cường xây dựng nền nếp chính qui; quản lý, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn trong tình hình mới.

Theo Thượng tá Nguyễn Phan Lê, Trợ lý điều lệnh, Phòng Quân huấn-Nhà trường, Bộ Tham mưu, qua kiểm tra các đơn vị đầu năm nay và cũng là điểm mới nhất của năm 2022 là lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đều có cam kết, xác định việc thực hiện đầy đủ chế độ công tác của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên là để củng cố mối đoàn kết nội bộ đồng thời sẽ nắm chắc tình hình đơn vị, nhất là tăng cường kiểm tra, giám sát để đánh giá thực chất kết quả chấp hành kỷ luật của đơn vị. Thứ hai là các thông báo kỷ luật của Bộ và Quân chủng đều được các đơn vị cấp đại đội và tương đương trở lên soạn thảo thành giáo án huấn luyện để thường xuyên quán triệt, nhắc nhở bộ đội, nhất là rút ra bài học kinh nghiệm để phòng ngừa vi phạm ở đơn vị mình.

Nguy cơ VPKL, mất an toàn còn tiềm ẩn

Bên cạnh nhiều điểm sáng về tình hình chấp hành kỷ luật 6 tháng đầu năm nay thì vẫn còn những hạn chế về quản lý bộ đội, quản lý kỷ luật cần được rút kinh nghiệm kịp thời. Vi phạm kỷ luật thông thường dù ở mức thấp hơn so với những năm 2020 về trước nhưng với hơn 10 vụ việc, trong đó 1 vụ mất an toàn hàng hải, 2 vụ mất an toàn công tác, 2 vụ vắng mặt trái phép, 3 vụ vi phạm chức trách và một số vụ mất an toàn giao thông đã nói lên tính chất phức tạp, khó lường, khó khăn trong quản lý kỷ luật.

Đoàn công tác của Bộ Tham mưu quán triệt nội dung kiểm tra ở cơ quan Bộ Tư lệnh Vùng 5. Ảnh: Văn Định

Từ vụ việc mất an toàn hàng hải, dù cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm nhưng điều cần rút ra là bên cạnh yếu tố năng lực, kinh nghiệm của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, nhất là đối với đơn vị tàu là rất quan trọng thì khi thực hiện nhiệm vụ trên biển trong mọi lúc, mọi tình huống, từ người chỉ huy tàu đến mọi vị trí phải chấp hành nghiêm qui tắc hàng hải áp dụng cho tàu hải quân. Cán bộ, chiến sĩ, nhất là chỉ huy đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, xử trí tình huống thiếu bình tĩnh, nóng vội, khi gặp sự cố phải báo cáo trung thực, kịp thời để cơ quan cấp trên chỉ đạo, có giải pháp khắc phục. Đối với 2 vụ việc mất an toàn trong công tác, dù các vụ việc năm nay mức độ nhẹ hơn so với năm trước nhưng cũng cần rút kinh nghiệm kịp thời, đó là chấp hành nghiêm các qui định, qui tắc an toàn khi thao tác đối với VKTBKT, nhất là các loại vũ khí dễ nổ, gây sát thương, bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể gây hậu quả khôn lường. Đối với các đơn vị đặc thù, đóng quân phân tán, khó khăn khi cấp cứu, cứu nạn, do đó cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần tăng cường quán triệt công tác bảo đảm an toàn khi huấn luyện, tuần tra, canh gác, nhất là thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết phức tạp, ban đêm.

Theo một lãnh đạo cơ quan chức năng Quân chủng, khó khăn nhất trong quản lý kỷ luật đầu năm nay là tai nạn giao thông (TNGT) có chiều hướng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, nhất là khi số lượng quân nhân điều khiển phương tiện tham gia giao thông tăng lên sau đại dịch. Dù thấp hơn nhiều so với những năm 2020 trở về trước nhưng 6 tháng qua, các vụ việc mất ATGT lên đến 7 vụ, làm chết 7 người, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đáng lưu tâm 4/7 vụ TNGT là khi quân nhân đang nghỉ phép tại địa phương, 2 trường hợp khác gây TNGT là điều khiển xe máy khi ra ngoài doanh trại (1 chiến sĩ và 1 cán bộ đại đội), các trường hợp bị tai nạn đều phóng nhanh, không làm chủ tốc độ.

Từ các vụ TNGT trên cũng là bài học để các cơ quan, đơn vị có các giải pháp hữu hiệu, quyết liệt hơn trong quản lý, giải quyết chế độ nghỉ tranh thủ, nghỉ phép cho quân nhân tại quê hương và khi ra ngoài doanh trại, hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn đáng tiếc, gây hậu quả nghiêm trọng và đau thương cho gia đình, đơn vị và địa phương.

Trọng Thiết

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn