Cần nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế hàng hải miền Trung phát triển

HQVN -

Vùng duyên hải miền Trung nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế hàng hải. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để kinh tế hàng hải phát triển phải triển khai đồng bộ các giải pháp...

Những khó khăn cần tháo gỡ

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định kinh tế hàng hải là ngành kinh tế biển được đặt ưu tiên phát triển thứ hai trong thứ tự ưu tiên phát triển 6 ngành kinh tế biển. Kinh tế hàng hải bao gồm các ngành công nghiệp tàu thủy, vận tải biển và dịch vụ khai thác cảng biển, bảo đảm hàng hải, các hoạt động phụ trợ như: Đại lý môi giới, hoa tiêu và hậu cần (logistics). Trong chiến lược phát triển kinh tế biển tổng thể, kinh tế hàng hải đóng vai trò quan trọng với trọng tâm khai thác cảng biển.

Bốc dỡ hàng hóa ở cảng Tiên Sa, TP. Đà Nẵng

TS Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Với vị trí địa lý đặc biệt, vùng duyên hải miền Trung có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế hàng hải nhưng đồng thời cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức cần giải quyết. Trong đó nổi lên là: Nhiều cảng biển và cơ sở hạ tầng liên quan chưa được đầu tư, nâng cấp đúng mức dẫn đến khả năng kết nối và năng lực vận tải chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh tế hàng hải cũng như đời sống người dân ven biển. Cùng với đó còn một số bất cập trong chính sách, quy hoạch và quản lý phát triển kinh tế hàng hải...

Ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên hiện chưa có cảng biển nào xứng tầm, công suất đủ lớn để trở thành trung tâm logistics của khu vực có thể đón được tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng container đến trực tiếp các nước trên thế giới. Các cảng biển đã và đang được xây dựng, nâng cấp nhìn chung quy mô còn nhỏ, năng lực hạn chế, công nghệ xếp dỡ chưa hiện đại, năng suất khai thác thấp, chưa phát huy được thế mạnh. Cảng Vũng Áng-Sơn Dương (Hà Tĩnh) là cảng biển lớn nhất đang được đầu tư mở rộng, thu hút nhiều nhà đầu tư. Phần lớn cảng mới mở thời gian qua chỉ phục vụ được nhu cầu xuất, nhập hàng hóa của các địa phương trong vùng. Trong vùng chưa có tuyến đường sắt kết nối với cảng biển. Do vậy, việc đưa/rút hàng, thu gom hàng tổng hợp, container qua cảng phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực vận tải bằng đường bộ. Điều này vừa làm tăng chi phí vận tải đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thông qua các cảng biển vừa tạo áp lực lên mạng lưới giao thông đường bộ.

Theo PGS, TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), sự phát triển cơ sở hạ tầng và các công trình phụ trợ khác cho hoạt động logistics trong vùng chưa đáp ứng yêu cầu, kém về chất lượng và thiếu đồng bộ. Ví như hạ tầng cho logistics ở tỉnh Quảng Nam bộc lộ không ít hạn chế: Hệ thống giao thông đã được quy hoạch và tập trung đầu tư, tuy nhiên một số tuyến đường nhỏ, hẹp và chưa khớp nối đồng bộ, nhất là các tuyến đường trục ngang nối các trục dọc…

Triển khai đồng bộ giải pháp

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, phát triển bền vững kinh tế biển khu vực miền Trung có ý nghĩa quyết định, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Đối với lĩnh vực kinh tế hàng hải, trọng tâm là khai thác hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển.

Phát triển logistics hiện đang được các địa phương ở miền Trung xác định là một trong những ngành dịch vụ xương sống cho thúc đẩy và phát triển nền kinh tế. TS Phan Thị Sông Thương, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ khuyến nghị, việc quy hoạch logistics cần dựa trên tiềm năng, lợi thế, điều kiện cạnh tranh, bảo đảm đúng định hướng và mục tiêu phát triển của từng địa phương đặt trong bối cảnh liên kết vùng và khu vực.

Nội dung quy hoạch cần xác định những định hướng cụ thể, mang tính đột phá, trong đó quy hoạch kết cấu hạ tầng logistics bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả; đầu tư phát triển cảng cạn/ICD, các trung tâm logistics và cụm logistics ở những vị trí bảo đảm tính kết nối mạng lưới giao thông cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, đường bộ với cảng cạn/ICD và các trung tâm logistics.

Đà Nẵng ở vị trí đóng vai trò kết nối giữa các địa phương có biển trong khu vực miền Trung. Thời gian qua, thành phố đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ tuy nhiên ở lĩnh vực kinh tế hàng hải (cảng biển) chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, để khai thác động lực phát triển thành phố từ kinh tế biển, trọng tâm là ngành kinh tế hàng hải, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, thành phố cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối trong nước, quốc tế và hạ tầng chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng cần khai thác hiệu quả cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, cảng biển Tiên Sa, hoàn thành xây dựng cảng biển Liên Chiểu và các hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt. Qua đó tạo sự năng động về kinh tế gắn với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế...

Bài, ảnh: Văn Nguyễn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn