Cán bộ, chiến sĩ Hải quân mãi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh

HQ Online -

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh do tuổi cao, sức yếu đã từ trần tối ngày 22-4. Ra đi ở tuổi 99, Đại tướng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Đại tướng Lê Đức Anh có cuộc đời hoạt động cách mạng đa dạng, phong phú, đứng ở nhiều vị trí đương đầu với khó khăn, thử thách khắc nghiệt trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.

Trong quá trình công tác và cả khi đã nghỉ hưu, Đại tướng thường xuyên dành sự quan tâm, nhiều tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam cũng như sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Người có nhiều đóng góp lớn lao cho nước nhà

Nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920, tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) từ tháng 5-1938, hoạt động trong phong trào công nhân cao su ở Lộc Ninh, Phú Riềng và các tỉnh Nam Bộ cho đến Cách mạng Tháng 8-1945.

Tiếp đó, ông tham gia quân đội, giữ các chức vụ từ trung đội trưởng đến chính trị viên tiểu đoàn. Từ năm 1948 đến năm 1954, ông kinh qua nhiều chức vụ như Tham mưu trưởng các quân khu 7, 8 và Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn, quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Từ năm 1955 đến năm 1963, ông là Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (người phía bên phải, hàng đầu tiên đang đi) cùng đoàn công tác của Quân chủng Hải quân thị sát đảo Phan Vinh, tháng 5-1988. (Ảnh: Nguyễn Viết Thái)

Từ tháng 2-1964 đến năm 1975, ông trở lại miền Nam chiến đấu trên cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Cánh quân Tây Nam. Từ tháng 5-1976 đến năm 1986, ông được giao nhiều trọng trách lớn như Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Cam-pu-chia, Trưởng đoàn Chuyên gia Việt Nam ở Cam-pu-chia. Năm 1986, ông là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tham gia quân đội, ông được phong quân hàm Đại tá năm 1958, phong vượt cấp lên Trung tướng năm 1974. Năm 1980 là Thượng tướng và năm 1984 là Đại tướng.

Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1987 đến năm 1991, sau đó là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đến tháng 9-1997. Ông tham gia Ban Chấp hành Trung ương nhiều khóa, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là cố vấn của Trung ương Đảng từ năm 1997 đến năm 2001.

Ông có vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông cũng chính là người đề xuất việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 29-12-1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã cùng duyệt hàng quân danh dự với người đứng đầu Nhà nước-Chủ tịch nước Lê Đức Anh, trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.

Sau khi nghỉ công tác, ông vẫn nghiên cứu và đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết, có tầm chiến lược đối với Đảng và Nhà nước.

Cuộc đời ông gắn liền với những chiến thắng, những bước ngoặt thăng trầm của lịch sử, của vận mệnh dân tộc, của thời đại Hồ Chí Minh.

Lời thề của Đại tướng ở Trường Sa

Đầu tháng 5-1988, trong chuyến thăm và kiểm tra quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955 – 7-5-1988) do Quân chủng Hải quân tổ chức tại đảo Trường Sa. Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng nói về chủ quyền thiêng liêng của quần đảo Trường Sa. Đến nay, bài phát biểu ấy vẫn được cán bộ, chiến sĩ Hải quân trân trọng trưng bày ở Phòng truyền thống của đảo Nam Yết (huyện đảo Trường Sa). Tại buổi lễ, Đại tướng nói:

Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu trong lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam tại đảo Trường Sa (năm 1988) 

"Cùng với các lực lượng, các đơn vị của Hải quân nhân dân Việt Nam, hôm nay, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức mít tinh kỷ niệm lần thứ 33 ngày truyền thống vinh quang của Quân chủng (7/5/1955-7/5/1988) trên quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Thay mặt Bộ Quốc phòng, tôi chuyển tới các đồng chí cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân lời chúc sức khỏe.

Hải quân ta ra đời trong hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách bằng sức lao động thông minh và sáng tạo, từ những chiếc thuyền gỗ có gắn máy mà đi lên, Hải quân ta đã tích cực trên các mặt trận chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam và làm nhiệm vụ quốc tế.

Từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Hải quân nhân dân ta đã nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí quyết chiến, quyết thắng và đã lập nhiều chiến công oanh liệt. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ ven biển miền Bắc, Hải quân nhân dân ta còn có nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng là đưa cán bộ, súng đạn vào miền Nam bằng loại tàu đi biển do Hải quân tự thiết kế. Loại tàu nhỏ này đã vượt biển khơi đi qua vùng biển dưới sự kiểm soát của không quân và hải quân thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, của hạm đội tuần tiễu của quân đội ngụy Sài Gòn.

Nhưng Hải quân nhân dân ta vừa làm nhiệm vụ bảo vệ ven biển miền Bắc, chống lại sự phong tỏa của địch đồng thời vận chuyển được hàng vạn tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần xứng đáng giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Nhân dịp kỉ niệm ngày truyền thống của Quân chủng, tôi nhắc lại điều đó để nói lên tinh thần dũng cảm và sự thông minh sáng tạo của cán bộ Hải quân ta trong thời kỳ đánh Mỹ. Đó là sự thông minh và dũng cảm tuyệt vời, nó được nối tiếp mãi cho đến ngày nay và mãi mãi đến các thế hệ mai sau. Thông minh, dũng cảm là sức mạnh. Niềm tin là sức mạnh. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế là sức mạnh.

Mở đầu thời kỳ đánh Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trước một tên đầu sỏ hùng mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc; Đảng ta đã có một vũ khí cực mạnh, đó là niềm tin, niềm tin ở chính nghĩa độc lập tự do, niềm tin ở sức mạnh của nhân dân khi đã quyết tâm thì sẽ sáng tạo muôn vàn cách đấu tranh để giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Chính niềm tin sắt đá đó đã động viên và đoàn kết toàn dân tộc nhất tề đứng dậy đấu tranh với đế quốc cực mạnh và đã từng bước thu hút sự chú ý và sự ủng hộ của loài người tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. Sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới đã góp phần quan trọng giành thắng lợi trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Đoàn kết dân tộc, đoàn kết với bạn bè quốc tế, đó là sức mạnh, đó là đại nghĩa, đó là lẽ sống của cách mạng Việt Nam, của nhân dân Việt Nam.

Với mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc: Trong những năm 50 và những năm 60 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình.

Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Năm 1976, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước và bầu bạn trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Tới Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, thì người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ đã nói: "Trung Quốc cảm ơn Việt Nam, chính nhờ Việt Nam chống Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến Trung Quốc để cầu thân với Trung Quốc".

Nói tóm lại cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tinh thần anh em sâu đậm. Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc Việt Nam những tội lỗi mà các triều đại phong kiến Trung Quốc đã gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đô hộ.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế.

Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt -Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta.

Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa-một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Bài phát biểu trên đã thể hiện tình cảm, lòng tin yêu, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cá nhân Đại tướng Lê Đức Anh đối với sự phát triển, trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thanh Thủy (TH)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn