C-Sea-Hướng đi mới cho môi trường biển sạch hơn

HQVN -

“Bây giờ những đồ hộp, vỏ lon hay rác thải rắn được ép nhỏ lại sau đó mang vào đất liền để xử lý thay vì đốt, chôn hay vứt xuống biển như trước kia. Máy ép rác hoạt động tốt và đang cho thấy là rất hiệu quả”-Trung tá Bùi Thanh Tùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây chia sẻ về chiếc máy ép rác đầu tiên được lắp đặt trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Anh Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương"-Trung tâm Tình nguyện quốc gia thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (CLB) đã nhiều lần đi thăm quân, dân trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Khi chứng kiến cảnh các tàu cá xả rác thẳng ra biển hay khu vực giàn khoan tràn ngập túi nilon, vỏ chai nhựa trôi nổi trên mặt biển, anh đã nảy ra ý tưởng chế tạo máy ép rác để cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, đảo. 

 

Thành viên CLB "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" giới thiệu với đoàn công tác về cách sử dụng máy ép rác C-Sea. ảnh: CTV

Anh cho biết: “Qua khảo sát tôi thấy trung bình trên huyện đảo Trường Sa mỗi năm thải ra hàng triệu vỏ đồ hộp các loại. Tại các đảo, nhà giàn, việc tập kết, xử lý các vỏ đồ hộp, túi nilon là rất khó khăn nên chỉ có phương án làm giảm thể tích và vận chuyển vào bờ là hợp lý. Ngoài ra, những phế liệu này khi thu gom, bán cho các cơ sở tái chế cũng gây được nguồn quỹ không nhỏ cho bộ đội làm kinh phí bổ sung các dụng cụ thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền…”.

Sau 4 tháng nghiên cứu, thiết kế và chế tạo tại Công ty cổ phần Phát triển công nghệ môi trường 3T Việt Nam, chiếc máy ép rác C-Sea của CLB đầu tiên do các thành viên CLB chế tạo đã được lắp đặt, vận hành thử nghiệm tại đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Máy được thiết kế đơn giản, chỉ có 3 nút bấm, dễ sử dụng với lực ép tối ưu từ 8-10 tấn, ép được nhiều loại rác từ mềm nhẹ như vỏ chai nhựa đến nhôm, sắt. Để phù hợp với môi trường, khi chế tạo máy, các thành viên CLB đã sử dụng những vật liệu chống ăn mòn, chịu mặn. Thiết bị dễ bảo trì, sửa chữa.

Trung tá Bùi Thanh Tùng nhận xét về máy ép rác C-Sea: “Sau gần 2 tháng thử nghiệm, máy hoạt động tốt, ép được nhiều loại rác như: Vỏ lon, vỏ hộp, cóng, chai nhựa… Máy dễ điều khiển, vận hành an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, máy cũng bộc lộ số nhược điểm cần điều chỉnh: Khoảng cách giữa mặt ép đế dưới và bàn ép nén còn xa, điện năng của đảo không đảm bảo để máy vận hành thường xuyên”.

Trong quá trình sản xuất máy ép rác, các kỹ sư không chuyên của CLB đã đưa ra 2 phiên bản: Phiên bản 1 sử dụng điện tiết kiệm năng lượng, tiêu thụ điện 2,2 kW/giờ, mỗi khối ép mất 5 phút, tiêu thụ khoảng 185 W; phiên bản 2 dùng kích tay, không dùng điện nhằm tiết kiệm năng lượng.

Đi kèm máy ép rác, các thành viên CLB cũng cung cấp một số lượng lớn bao tải phân loại và dây buộc. Theo đó, phế liệu sắt sẽ đựng trong bao màu đỏ, phế liệu nhựa sẽ đựng trong bao màu xanh. Những khối ép hình chữ nhật có kích thước dưới 1m3 rất dễ lưu trữ và vận chuyển. “Để đảm bảo vệ sinh trong điều kiện lưu trữ lâu trên đảo, dự án còn cung cấp chế phẩm vi sinh xử lý vi khuẩn Mediapag-20 để phun lên bề mặt nhằm diệt khuẩn tại các khối rác sau khi ép. Chế phẩm này được CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương ứng dụng thành công từ năm 2017”-Anh Trần Thái Sơn, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết.

Trao đổi về hướng phát triển của máy ép rác C-Sea, anh Trần Vũ Thành chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi đang xin ý kiến về chiếc máy đang thử nghiệm trên đảo Song Tử Tây. Chúng tôi sẽ điều chỉnh để khắc phục những nhược điểm nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của máy. Giá thành của máy ép rác C-Sea khoảng 60 triệu đồng. CLB dự kiến sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đoàn thể chung tay đóng góp để tặng máy ép rác cho tất cả các đảo trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Chúng tôi hi vọng mọi người cùng chung tay vì môi trường biển sạch, đảo xanh”.

Hoàng Minh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn