Bộ Tham mưu: Giáo dục chính trị phải đi trước, sát thực tế
Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2020 và Hội nghị rút kinh nghiệm công tác giáo dục chính trị (GDCT) giai đoạn 2018-2020 của Bộ Tham mưu Hải quân đã kết thúc nhưng dư âm còn đọng lại sâu sắc không chỉ với các thí sinh mà cả những người tham dự. Qua hội thi và hội nghị, nhiều nội dung, biện pháp mới được Bộ Tham mưu xác định cần tập trung để nâng cao chất lượng GDCT trong thời gian tới.
Giảng bài sinh động, sát đối tượng học
Đại tá Phạm Đức Huy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Hải quân, Trưởng ban tổ chức hội thi cho biết: Hội thi năm nay có nhiều điểm mới nhằm đánh giá thực chất hơn chất lượng giảng dạy chính trị ở cơ sở. Từ đó, Ban tổ chức xác định những nội dung, biện pháp cần tập trung góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị thời gian tới.
Phần thi thực hành giảng bài trong vòng chung khảo
Đây là năm đầu tiên Bộ Tham mưu tổ chức hội thi thành 2 vòng sơ khảo và chung khảo nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có thêm “đất” để thể hiện khả năng, kiến thức và Ban Giám khảo có thêm cơ sở để đánh giá thực chất chất lượng giảng dạy của từng thí sinh.
Tại vòng sơ khảo, 24 thí sinh là cán bộ giảng dạy chính trị tại các đơn vị đã tham gia 4 phần thi: Chuẩn bị bài giảng; kiến thức; soạn nội dung giảng trình chiếu và thực hành bài giảng.
Trong đó, ở phần thi kiến thức, Ban tổ chức chỉ định hướng các nhóm vấn đề cần tập trung ôn luyện, thí sinh chủ động nghiên cứu tài liệu, biên soạn đề cương ôn luyện, củng cố kiến thức… Phần thi thực hành giảng bài, Ban tổ chức phát phiếu thăm dò ý kiến người dự nghe. Trung úy QNCN Vũ Thị Thanh Hoa, nhân viên Phòng Hậu cần, Trung tâm 47 sau khi nghe một số bài giảng chia sẻ: Chúng tôi ủng hộ sự đổi mới này bởi nó góp phần đánh giá thực chất chất lượng các bài giảng chính trị.
Tại vòng chung khảo, 5 thí sinh xuất sắc được lựa chọn đã tự tin thể hiện kinh nghiệm, kiến thức khi thực hành giảng bài với các chủ đề liên quan đến Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chiến lược phòng chống “Diễn biến hòa bình”…
Hầu hết các thí sinh làm chủ được nội dung bài giảng, kết hợp các phương pháp cơ bản trong giảng dạy chính trị, khẩu khí rõ ràng, tập trung vào những nội dung trọng tâm, liên hệ, vận dụng sát nhiệm vụ đơn vị và đối tượng người học...
Ngoài những ưu điểm, hội thi cũng chỉ ra một số nội dung, biện pháp cần tập trung để nâng cao chất lượng GDCT trong thời gian tới: Công tác GDCT phải đi trước; xây dựng chủ đề bài giảng từ người thực, việc thực của đơn vị; tập trung làm rõ điểm nhấn trong mỗi bài giảng; định hướng tư tưởng, hành động cho người học.
Giáo dục chính trị cần đi trước, sát thực tế
Đó cũng là những nội dung, biện pháp được nhấn mạnh tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác giáo GDCT giai đoạn 2018-2020 của Bộ Tham mưu.
Tại hội nghị, báo cáo trung tâm đã đánh giá kết quả công tác GDCT của Bộ Tham mưu thời gian qua và phương hướng thực hiện Đề án “Đổi mới công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới”, trong đó: Các cơ quan, đơn vị phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; xây dựng tinh thần, trách nhiệm cao cho cán bộ, nhân viên khi thực hiện công tác giảng dạy và học tập chính trị; tập trung nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm; rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống cho cán bộ giảng dạy chính trị; chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp học tập chính trị...
Ban tổ chức trao thưởng cho các thí sinh đạt giải tại hội thi
Hội nghị yêu cầu 100% cán bộ chính trị phải chuẩn bị ý kiến phát biểu. Nhiều đồng chí đưa ra ý kiến rất tâm huyết; chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác GDCT và giảng dạy chính trị. Đồng chí chủ trì hội nghị thường xuyên đặt ra những câu hỏi lật lại vấn đề để đồng chí phát biểu ý kiến vận dụng kiến thức thực tế trả lời. Vì thế, điểm nhấn của hội nghị vẫn là chú trọng vào nội dung thực chất. Hội nghị chỉ ra, công tác GDCT chỉ thực sự hiệu quả nếu bám sát vào thực tiễn; mỗi bài giảng chính trị sẽ thu hút, có tính định hướng cao hơn khi được bắt đầu, liên hệ với thực tế của đơn vị.
Để làm rõ hơn nội dung này, hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận lại những hạn chế, khuyết điểm trong thời gian qua, từ vụ việc vi phạm kỷ luật của một số cán bộ, chiến sĩ đến nội dung bài giảng chính trị chưa theo kịp các vấn đề thời sự, chưa nêu rõ sai phạm ở đơn vị mình…
Từ đó, hội nghị nhấn mạnh các nội dung, biện pháp cần tập trung để nâng cao chất lượng công tác GDCT thời gian tới, đó là: Công tác GDCT phải đi trước, định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho bộ đội; cán bộ GDCT phải nêu gương; xây dựng chủ đề bài giảng từ người thực, việc thực của đơn vị; nội dung bài giảng phải làm rõ được “điểm rơi”, điểm nhấn; quán triệt bộ đội tầm quan trọng, quyền lợi của bản thân khi nghe giảng chính trị… Đại úy Đoàn Văn Thể, Chính trị viên Đại đội 66, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 602 chia sẻ: Qua hội thi và hội nghị, bản thân tôi tự thấy mình cần tích cực đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng bài giảng chính trị để ngày càng sát với thực tế và thu hút bộ đội hơn.
Các nội dung, biện pháp được xác định tại hội thi và hội nghị góp phần đưa công tác GDCT của Bộ Tham mưu ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn nhằm xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Tham mưu có lập trường, tư tưởng kiên định, vững vàng, an tâm công tác, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng tổ chức đảng TSVM, đơn vị VMTD, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: Mai Liên
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 679: Hội thi sĩ quan cấp phân đội, hội thao quân nhân QNCN - ( 27-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )
- Khai mạc tập huấn kỹ thuật cho học viên Cam-pu-chia - ( 25-11-24 09:00 )
- Hợp tác để tự chủ đảm bảo kỹ thuật - ( 24-11-24 10:00 )