Bộ đội Hải quân-Lực lượng tìm kiếm cứu nạn nòng cốt trên biển (Bài 3)

NHIỀU GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU THIỆT HẠI DO THIÊN TAI

HQ Online -

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, bộ đội Hải quân đã có nhiều giải pháp giúp đỡ ngư dân khai thác hải sản bền vững, đúng pháp luật, bảo đảm an toàn, chủ động phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Một chương trình thiết thực

Giữa năm 2019, Quân chủng Hải quân triển khai Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Mục tiêu xuyên suốt của chương trình nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và giúp đỡ ngư dân khai thác hải sản an toàn, đúng pháp luật, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Các đơn vị Hải quân đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 28 tỉnh, thành phố ven biển để tổ chức thực hiện.

Bộ Tư lệnh Vùng 1 tặng vật tư y tế, cờ Tổ quốc cho ngư dân huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng. Ảnh: Vũ Hưởng

Đại tá Trần Xuân Văn, Phó Chính ủy Vùng 1 cho biết: Các đơn vị Vùng 1 đã phát huy nội lực, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, Vùng đã tổ chức tặng vật tư y tế cho hàng trăm ngư dân ở cảng cá Mắt Rồng, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng và các địa phương khác. Số quà tuy không lớn nhưng đã hỗ trợ, tạo động lực để bà con yên tâm vươn khơi.

Mỗi đơn vị Hải quân đều có cách làm cụ thể, thiết thực, giúp ngư dân bám biển dài ngày. Điển hình là các đơn vị đều cử cán bộ, thủy thủ có kinh nghiệm đi biển đến trao đổi với bà con về công tác bảo đảm an toàn hàng hải, an toàn lao động. Đội ngũ y, bác sĩ Hải quân đến từng tàu khám và tư vấn sức khỏe đồng thời hướng dẫn ngư dân kỹ thuật băng bó vết thương, biện pháp cấp cứu tại chỗ. Ngoài ra, các đơn vị còn phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tặng bà con tủ thuốc, cờ Tổ quốc, vật tư, phụ tùng thay thế; thăm, tặng quà gia đình ngư dân thuộc diện chính sách, có công với cách mạng.

Quân y Vùng 4 khám và tư vấn sức khỏe miễn phí cho ngư dân. Ảnh: Đức Thu

Qua gần 2 năm thực hiện, Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” đã được các cấp, các ngành và đặc biệt là ngư dân đánh giá cao. Ông Đinh Văn Thu, quê ở xã Nghi Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, chủ tàu cá TH 90785 TS cho biết: Tàu của tôi khai thác hải sản ở ngư trường vịnh Bắc Bộ đã nhiều năm. Chúng tôi thấy bộ đội Hải quân có nhiều tàu lớn, phương tiện hiện đại, khi chúng tôi có việc gì cần giúp đỡ, các anh đều có mặt kịp thời, tận tình hướng dẫn, tư vấn mọi mặt. Chúng tôi thực sự rất yên tâm mỗi khi ra khơi.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng

Thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng địa phương, tổ chức tuyên truyền cho bà con không khai thác hải sản bất hợp pháp; thông tin về diễn biến, tình hình trên các vùng biển; tình hình ngư dân vi phạm pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, pháp luật của các nước trong khu vực khi hoạt động trên biển...

Từ thực tế các vụ việc tai nạn tàu thuyền trên biển cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, ngoài yếu tố khách quan (khí hậu, thời tiết không thuận lợi) thì còn nhiều nguyên nhân chủ quan khác như: Tàu thuyền quá cũ; nhiều ngư dân chưa qua đào tạo; sử dụng lao động mang tính thời vụ, có người đã lớn tuổi; các tàu chưa tuân thủ quy định bảo đảm an toàn… Thời điểm ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc, biển động mạnh, nhiều ngư dân vẫn chủ quan, quá tự tin vào kinh nghiệm đi biển của bản thân dẫn đến những vụ gặp nạn đáng tiếc...

Do đó, để góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, theo người viết bài, cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước (Ủy ban nhân dân, Chi cục thủy sản, Biên phòng, Cơ sở đăng kiểm tàu cá…) để kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tàu cá, có chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định về trang bị an toàn, trang bị cứu sinh, cứu nạn khi tàu rời bến.

Phòng Kinh tế Hải quân nắm tình hình thực hiện Chỉ thị 45 của Chính phủ và tặng áo phao cho ngư dân tại Kiên Giang. Ảnh: Quang Tiến

Theo Chuẩn Đô đốc Phạm Mạnh Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Hải quân, để công tác phòng, chống thiên tai trên biển có hiệu quả thì các cấp cần tiếp tục phối hợp tuyên truyền quy định pháp luật về an toàn hàng hải, an toàn con người cho bà con; giúp ngư dân nâng cao cảnh giác trước diễn biến xấu của thời tiết trên biển, nhất là khi có bão, áp thấp nhiệt đới, bà con cần tự giác rời ngư trường về nơi tránh trú an toàn, tránh ham đánh bắt dẫn đến rủi ro.

Mặt khác, các địa phương cần phát huy vai trò của nghiệp đoàn nghề cá, tổ đội sản xuất trên biển để khi gặp nạn thì chính bà con có mặt ở hiện trường giúp đỡ lẫn nhau. Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Để phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ an toàn, rất cần “cú hích” về chính sách tái cơ cấu đội tàu khai thác nhằm bảo đảm cân đối cung, cầu, qua đó mới giảm thiểu rủi ro cả về kinh tế và tài sản.

Xuân mới đang về cùng với đó là mùa mở biển, khai trương vụ đánh bắt mới đến gần. Mong một năm mưa thuận, gió hòa, bà con ngư dân cả nước yên tâm vươn khơi, bám biển, có một mùa khai thác hải sản bội thu và an toàn.

 Vũ Hưởng

(Tiếp theo bài trước và hết)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn