Bộ đội Hải quân-Lực lượng tìm kiếm cứu nạn nòng cốt trên biển (Bài 1)

ĐI XUYÊN TÂM BÃO CỨU DÂN

HQ Online -

Thời gian qua, cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các đơn vị Hải quân từ đất liền tới đảo xa, nhà giàn luôn tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố thiên tai. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bộ đội Hải quân đều có mặt kịp thời để cứu giúp nhân dân, khẳng định là lực lượng nòng cốt trong công tác tìm kiếm cứu nạn biển xa.

Năm 2020, các đơn vị của Quân chủng Hải quân đã kịp thời cứu nạn được 32 tàu và gần 320 người. Mỗi con tàu, điểm đảo, nhà giàn thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Những vụ tàu của ngư dân gặp nạn ngoài biển đều trong điều kiện thời tiết bất lợi như: Ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa, dông lốc… dẫn đến tàu gặp sự cố, bị phá nước và chìm. Mỗi khi có tàu gặp nạn, những con tàu Hải quân dù là đang làm nhiệm vụ trên biển hay neo đậu trong cảng luôn sẵn sàng vượt sóng to, gió lớn đi cứu giúp bà con.

Nhà giàn DK1-11 cứu giúp ngư dân tàu cá QNa 95654 TS bị nạn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: Văn Bình

Cuối tháng 4-2020, tàu cá QNa 95654 TS đang khai thác hải sản trên vùng biển thềm lục địa phía Nam, gặp dông, lốc, tàu bị phá nước và chìm trong đêm tối. 30 ngư dân đã kịp thoát ra, trèo lên 4 thuyền mủng, lênh đênh trôi dạt trên biển nhiều giờ. Nhận được tín hiệu cứu nạn từ xa, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1-11 (Tiểu đoàn DK1, Vùng 2) pha đèn hướng dẫn bà con điều khiển thuyền mủng hướng về nhà giàn. Ngay trong đêm, 30 ngư dân được đưa lên Nhà giàn DK1-11 chăm sóc sức khỏe, sau đó được tàu của Vùng 2 đưa về đất liền an toàn.

Ông Tô Điệp, quê ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, Thuyền trưởng tàu cá QNa 95654 TS cho biết: “Khi tàu chìm chúng tôi tưởng chừng không còn hy vọng nhưng nhờ sự hỗ trợ kịp thời của bộ đội Nhà giàn DK1-11 nên chúng tôi được cứu sống. Sự cứu giúp kịp thời của các anh là động lực để chúng tôi yên tâm tiếp tục vươn khơi, bám biển”.

Năm 2020, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ở nước ta, thiên tai diễn ra khốc liệt và dị thường. Đồng bào miền Trung liên tục chịu ảnh hưởng của các trận “đại hồng thủy”. Bão, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, trong đó ngư dân là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ riêng cơn bão số 9 đổ bộ vào nước ta đã gây ra nhiều vụ tàu cá gặp nạn trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ Tàu Trường Sa 22, Vùng 4 làm dây cứu kéo tàu cá Phú Yên bị nạn vào bờ. Ảnh: Quốc Uy

Trước tình hình đó, Quân chủng Hải quân phải lập Sở chỉ huy tiền phương tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để chỉ huy các lực lượng cứu nạn. Gió lớn, sóng to, trong khi hầu hết các tàu đều phải tìm nơi tránh trú thì tàu Hải quân không quản hiểm nguy, đi xuyên bão cứu ngư dân. Quân chủng đã điều động 6 tàu, 9 lần/chiếc thủy phi cơ DHC-6 tham gia tìm kiếm cứu nạn; cứu vớt được 17 ngư dân và cứu kéo 1 tàu cá về bờ an toàn.

Đại úy Vũ Hoàng Chiến, Thuyền trưởng Tàu 473, Vùng 4 cho biết: Trong đợt đi tìm kiếm 3 tàu cá Bình Định (BĐ 96388 TS, BĐ 98658 TS và BĐ 97469 TS) gặp nạn trên vùng biển cách Đông Bắc Nha Trang khoảng 135-170 hải lý, Tàu 473 đã đi ngược sóng, ngược gió, xuyên qua tâm bão số 9. Mặc dù rất nguy hiểm và vất vả nhưng chúng tôi đã xác định cứu dân là mệnh lệnh từ trái tim, chăm sóc, bảo vệ ngư dân như người thân trong nhà. Đó là động lực giúp toàn tàu đoàn kết, quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Giữa tháng 12-2020, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 14, tàu cá QNg 96739 TS (chủ tàu là ông Ngô Văn Hùng, ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang khai thác hải sản gần khu vực đảo Song Tử Tây thì gặp sự cố, tàu bị phá nước và chìm. Tàu 737, Hải đoàn 128, Quân cảng Sài Gòn đang làm nhiệm vụ gần đó ngay trong đêm tối đã cơ động đến cứu vớt 14 ngư dân lên tàu, đưa vào đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Sau đó 14 ngư dân này tiếp tục được tàu Hải quân đưa vào bờ an toàn bàn giao cho gia đình và địa phương.

Trong bão số 9 năm 2020, tàu cá Bình Định đã được tàu của Hải quân cứu nạn kịp thời. Ảnh: Xuân Hưng

Cũng do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 14, tàu cá BĐ 98089 TS gặp nạn ở Đông Bắc TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khoảng 80 hải lý (trên tàu có 3 ngư dân); tàu cá QNg 96317 TS gặp nạn ở Đông Nam Vũng Tàu khoảng 110 hải lý (trên tàu có 7 ngư dân). Hai tàu này đã được Tàu 277 (Vùng 2) và Tàu 465 (Vùng 4) cứu kéo về bờ an toàn.

Từ những vụ việc trên cho thấy, các tình huống ngư dân gặp nạn đều xảy ra vào lúc thời tiết cực đoan, biển động mạnh, nếu công tác tìm kiếm cứu nạn không kịp thời sẽ uy hiếp tính mạng của bà con. Đặc biệt, khi tàu gặp nạn ở vùng biển xa, sóng to, gió lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc huy động, sử dụng lực lượng tìm kiếm cứu nạn rất khó khăn. Những lúc như vậy, lực lượng Hải quân đã khẳng định được bản lĩnh, năng lực và kinh nghiệm của mình.

Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Cứu hộ-cứu nạn, Bộ Tham mưu Hải quân cho biết: Các lực lượng Hải quân nói chung và những tàu của Hải quân trên hướng biển nói riêng luôn chuẩn bị đầy đủ phương án, phương tiện cứu hộ, cứu nạn cần thiết cho nhiệm vụ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo xa, nơi chỉ có lực lượng Hải quân mới có thể tiếp cận được. Bộ đội được huấn luyện chu đáo các kỹ năng ứng phó sự cố trên biển, sẵn sàng lên đường cứu giúp ngư dân trong mọi tình huống. Hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển của bộ đội Hải quân thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Vũ Hưởng

 Bài 2: Tránh trú an toàn, sẵn sàng phương tiện

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn