Bảo đảm kỹ thuật cho những công trình

HQVN -

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân luôn đoàn kết, sáng tạo, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật cho các công trình xây dựng. Những công trình bàn giao, đưa vào sử dụng đã phát huy được công năng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và tính mỹ thuật.

Lữ đoàn 83 có nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, SSCĐ, xây dựng công trình quốc phòng, dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), các đảo gần bờ và trên đất liền. Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chú trọng bảo đảm kịp thời vật tư, trang bị kỹ thuật cho các khung xây dựng thi công công trình, góp phần đẩy nhanh tiến độ lao động.

Thượng tá Phạm Thanh Dũng, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn cho biết: “Hiện nay Lữ đoàn có nhiều khung xây dựng hoạt động phân tán, xa sở chỉ huy đơn vị; máy móc, trang bị kỹ thuật đa dạng về chủng loại, nhiều thiết bị qua nhiều năm hoạt động đã xuống cấp, tính đồng bộ không cao. Các khung xây dựng hoạt động ven biển và các đảo gần và xa bờ, môi trường, khí hậu, thời tiết phức tạp do vậy tình trạng kỹ thuật của các loại trang bị nhanh xuống cấp. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật còn thiếu so với biên chế. Vì vậy, công tác bảo đảm kỹ thuật cho các nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn”.

Cán bộ, nhân viên kỹ thuật tại các công trường luôn làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng máy móc, trang bị

Các công trường xây dựng đều nằm ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nên khi cơ động lực lượng, trang bị tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tại mỗi công trường xây dựng, Lữ đoàn bố trí một cán bộ hoặc nhân viên thợ bậc cao để tổ chức duy trì các hoạt động kỹ thuật. Cùng với việc duy trì các chế độ bảo quản, bảo dưỡng, khai thác, sử dụng hàng ngày, tuần, cán bộ, nhân viên kỹ thuật kiểm tra chặt chẽ tình trạng kỹ thuật của từng trang bị, theo dõi thời gian hoạt động của máy móc, trang bị.

Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Trường, Thợ sửa chữa xe máy công binh, Phòng Kỹ thuật chia sẻ: “Chúng tôi duy trì nghiêm công tác bàn giao kỹ thuật giữa các ca làm việc. Trong đó, thời gian hoạt động, tình trạng kỹ thuật của máy móc được đăng ký, ghi chép đầy đủ, tỉ mỉ. Việc làm này nhằm phát hiện sớm những trục trặc kỹ thuật để có thể khắc phục ngay, tránh tình trạng xảy ra hư hỏng lớn”.

Để hạn chế máy móc, trang bị nhanh xuống cấp do khí hậu, thời tiết, cuối ngày làm việc, nhân viên kỹ thuật cùng cán bộ, chiến sĩ của từng đơn vị tiến hành lau chùi, bảo quản, bảo dưỡng, kiểm tra tình trạng kỹ thuật. Nắm chắc tình trạng của từng loại trang bị, dự báo những hư hỏng có thể xảy ra, Phòng Kỹ thuật đã chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm vật tư dự phòng để sẵn sàng khắc phục, sửa chữa những hỏng hóc tại công trường, bảo đảm kịp tiến độ thi công.

Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Trường cho biết thêm: “Các linh kiện, thiết bị thay thế chủ yếu phải mua ở các thành phố lớn. Khi đặt hàng, thời gian chờ đợi phải mất đến hàng tháng trời, sẽ làm chậm tiến độ xây dựng. Vì vậy, ngoài vật tư trên cấp, vật tư dự phòng, chúng tôi còn tận dụng vật tư của một số máy móc đã hỏng, không thể khắc phục để cải tiến đưa vào sử dụng”.

Để bảo đảm kỹ thuật cho các khung xây dựng, Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn đã lựa chọn một số đồng chí nhân viên kỹ thuật thuộc Trạm bảo dưỡng sửa chữa tổng hợp có tay nghề cao để thành lập tổ sửa chữa cơ động. Tổ sửa chữa có nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ nhân viên kỹ thuật tại các khung xây dựng khắc phục sự cố, hỏng hóc của máy móc, trang bị. Những trường hợp vượt quá khả năng của nhân viên kỹ thuật thì tổ sửa chữa sẽ chuẩn bị vật tư, phụ tùng cơ động đến công trường hỗ trợ khắc phục sự cố.

Đại úy Phạm Văn Nguyên, Trạm trưởng Trạm bảo dưỡng sửa chữa tổng hợp, Phòng Kỹ thuật-Tổ trưởng tổ sửa chữa kể: “Tổ sửa chữa cơ động có thể khắc phục những hư hỏng vừa, nhỏ và những sự cố thông thường. Những hư hỏng lớn, chỉ huy Lữ đoàn sẽ liên hệ, hiệp đồng với Nhà máy 756 của Bộ Tư lệnh Công binh cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật đến tận công trường để hỗ trợ, sửa chữa. Đây cũng là dịp để nhân viên kỹ thuật của tổ sửa chữa học hỏi thêm kinh nghiệm.”

Thời gian vừa qua, Lữ đoàn làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho các khung xây dựng công trình, duy trì hệ số kỹ thuật trang bị đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, máy công binh hoạt động hơn 4.400 giờ đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện. Trong quá trình thi công, tất cả các công trình đều đạt và vượt định mức lao động 15-31%, dự kiến thời gian hoàn thành sớm so với tiến độ được phê duyệt từ 4-6 tháng, đảm bảo chất lượng, mỹ quan công trình.

Trao đổi về phương hướng bảo đảm kỹ thuật tại các công trường trong thời gian tới, Thượng tá Phạm Thanh Dũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bồi dưỡng, huấn luyện nhằm nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của đơn vị. Ngành Kỹ Lữ đoàn thuật sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động 50 gắn với thực hiện hai đột phá của Ngành Kỹ thuật Hải quân: Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT, góp phần tích cực để Lữ đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

                Bài, ảnh: Hoàng Triệu, Văn Khang

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn