Bãi cọc cổ mới được khai quật tại TP.Hải Phòng: Mở ra hướng nghiên cứu mới về chiến thắng Bạch Đằng
HQ Online -
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS, TSKH) Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử-Khảo cổ-Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá: “Bãi cọc gỗ được khai quật tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng là một phát hiện cực kỳ quan trọng, giúp chúng ta có những nhận thức hết sức mới về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Mông-Nguyên”.
Kết quả bước đầu khai quật
Những ngày này, các nhà sử học và người dân TP.Hải Phòng rất háo hức trước thông tin tìm được bãi cọc gỗ mà quân dân nhà Trần sử dụng trong trận chiến với quân xâm lược Mông-Nguyên trên sông Bạch Đằng.
Báo cáo sơ bộ của Viện Khảo cổ học cho biết. Ngày 28-9, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài thuộc cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, anh Nguyễn Văn Triệu là nông dân ở Thôn 3, làng Mai Động xã Liên Khê đã phát hiện hai cây gỗ dài hơn 3m, đường kính chừng 30cm, nằm cách bề mặt chừng 0,5-0,7m.
Lãnh đạo TP.Hải Phòng và các nhà khoa học tham quan bãi cọc mới được khai quật
Ngày 16-10, theo đề nghị của Bảo tàng Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên, Đoàn khảo sát do Tiến sĩ Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học làm Trưởng đoàn về khảo sát hiện trường phát hiện cọc.
Ngày 1 và 2-11, đoàn khảo sát do Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm Trưởng đoàn xuống hiện trường khảo sát lần 2. Đợt khảo sát này phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định C14 cho thấy niên đại của những chiếc cọc là từ năm 1.270 - 1.430 sau công nguyên.
Được sự nhất trí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 27-11, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ. Kết quả khai quật 950m2 với 3 hố khai quật phát hiện 27 cọc. Các cọc xuất lộ đã bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc, theo lời dân địa phương thì có thể là loại gỗ sến nhựa và lim. Các cọc phân bố so le, không thẳng hàng, cách nhau theo chiều Đông Tây khoảng 5-7m, chiều Bắc Nam 3,5-5cm; kích thước các cọc không đều nhau, loại nhỏ 10-18cm, loại lớn 28-32cm, cá biệt có cọc có đường kính 37-40cm...
Nghiên cứu địa tầng cho thấy, khu vực xuất lộ cọc là một bãi bồi ven sông đã bị phủ lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn/đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ. Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo; đối với cọc to hơn thì “ngoạm” này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển…
Quá trình tìm hiểu, nhiều người dân tại xã Liên Khê thông tin, nhiều năm trước, nhiều hộ gia đình ở đây cũng phát hiện được nhiều cọc gỗ cổ. Tuy nhiên, do không biết được giá trị lịch sử nên đã không báo với cơ quan chức năng.
Bước đầu, Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3 (năm 1288) để ngăn chặn quân Mông-Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông-Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông-Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông-Nguyên với quốc gia Đại Việt.
Trách nhiệm của thành phố
Theo GS,TSKH Vũ Minh Giang: Trước đây, chúng ta nghiên cứu chủ yếu là đọc sách, dựa vào những mô tả nên hình dung về trận đánh một cách trừu tượng. Các nhà khoa học nghiên cứu chủ yếu xoay quanh bãi cọc đã được phát hiện ở Quảng Yên (Quảng Ninh). Nay phát hiện thêm bãi cọc Cao Quỳ, xem trên bản đồ tôi thấy rằng trận địa này nằm rất gần cửa sông Bạch Đằng và có một lạch triều chảy qua đây thì rất có thể đây là bãi cọc lớn hơn bãi cọc bên Quảng Yên. Chúng ta chưa biết được liệu trận đánh chính nằm ở bên này hay bên kia? Đồng thời, các nhà nghiên cứu phát hiện một vấn đề khá quan trọng đó là ông cha ta không cắm cọc dưới lòng sông Bạch Đằng-đó là việc không khả thi vì sông quá rộng lại sâu.Trong khi đó, đường ra biển, ngoài sông Bạch Đằng còn nhiều lạch triều (sông nhánh) có độ sâu từ 5-7 mét, thậm chí 10 mét, đủ sức để những tàu lớn thời đó đi qua. Vì vậy, có thể cha ông ta đã đóng cọc gỗ xuống các lạch triều này, rồi lùa địch vào đó vào lúc triều cạn, để đội hình địch mắc cạn, sau đó dùng kế hỏa công, sử dụng các thuyền nan chở đầy dầu tràm, củi thông để tiêu diệt tàu, thuyền của địch.
Để có được chiến thắng Bạch Đằng, quân dân nhà Trần đã dựa vào địa thế và dân hai bên bờ sông là Hải Phòng và Quảng Ninh. Thủy Nguyên (Hải Phòng) có núi non, địa thế hiểm trở nên có thể là nơi được dùng vào mục đích mai phục, là nơi ta dụ quân địch vào thế trận bày sẵn. “Nhận thức mới này sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về chiến thắng Bạch Đằng và chiến trận toàn dân chống ngoại xâm”-GS, TSKH Vũ Minh Giang nói.
Còn GS sử học Lê Văn Lan cho rằng: “Bãi cọc Cao Quỳ được phát lộ cho thấy chiến thắng của quân dân Nhà Trần năm 1288 là “Chiến dịch Bạch Đằng Giang” chứ không phải là “Trận Bạch Đằng Giang” như nhận thức lâu nay”.
Tại Hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ vừa được tổ chức, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Việc phát hiện, khai quật các bãi cọc Bạch Đằng có ý nghĩa rất quan trọng về mặt khoa học quân sự và văn hóa lịch sử song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và ý nghĩa hơn. Đây chính là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền TP.Hải Phòng trước lịch sử của dân tộc và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau. Nhiệm vụ quan trọng này không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống rất to lớn góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh để xây dựng và phát triển thành phố không chỉ vững mạnh về kinh tế xã hội mà còn là điểm sáng trong việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc”.
Bài, ảnh: Phúc Vinh
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Nhà máy X52: Khánh thành và bàn giao nhà đồng đội tại Khánh Hoà - ( 26-11-24 07:00 )
- Giao nhiệm vụ cho đội tuyển tham gia hội thi giảng viên các học viện, nhà trường quân đội năm 2024 - ( 26-11-24 07:00 )
- Cục Kiểm ngư làm việc với Quân chủng Hải quân - ( 26-11-24 03:00 )
- Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân: Sinh hoạt đối thoại dân chủ Quý IV năm 2024 - ( 26-11-24 02:00 )
- Tiểu đoàn 45: Khánh thành nhà đồng đội tặng quân nhân - ( 26-11-24 02:00 )