Ba kịch bản kinh tế thế giới do tác động của “cơn bão” Covid-19
Covid-19 mới chỉ bùng phát vài tháng trở lại đây nhưng đã khiến cả thế giới phải “vã mồ hôi hột” bởi những tác động mà nó gây ra, đặc biệt về kinh tế. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra một bản báo cáo trong đó phân tích những thiệt hại mà “cơn bão” dịch bệnh này gây ra đối với nền kinh tế châu Á và toàn cầu.
Bản báo cáo có tiêu đề “Tác động kinh tế của sự bùng phát Covid-19 đối với khu vực châu Á đang phát triển” đã cho thấy “cơn bão” này hoàn toàn có khả năng gây tổn hại đáng kể cho các nền kinh tế châu Á đồng thời khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại lên tới 347 tỷ USD. Cụ thể, dịch bệnh này đã làm sụt giảm nhu cầu trong nước, tàn phá ngành du lịch, liên kết sản xuất và thương mại, gián đoạn cung ứng và ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, theo ADB, mức độ thiệt hại kinh tế sẽ phụ thuộc vào mức độ bùng phát khó lường của dịch bệnh. Vì thế, ADB đã đưa ra 3 kịch bản về những tác động của Covid-19, với mức độ thiệt hại tùy kịch bản sẽ vào khoảng từ 77 tỷ đến 347 tỷ USD, tương đương 0,1% đến 0,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Kịch bản khả quan nhất là nếu dịch bệnh chỉ bùng phát trong vòng 2 tháng kể từ thời điểm tháng 1, khi Trung Quốc công bố dịch, GDP của khu vực châu Á sẽ thiệt hại 0,2% tương đương với 16 tỷ USD. Trong khi đó, nền kinh tế thế giới sẽ chịu thiệt hại 77 tỷ USD, tương đương 0,1% GDP toàn cầu. Trung Quốc, tâm chấn của dịch bệnh, chịu tác động lên tới 0,3% GDP, tương đương với 44 tỷ USD.
Các công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Ở kịch bản xấu nhất, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại 347 tỷ USD, trong đó Trung Quốc thiệt hại 237 tỷ USD. Kịch bản cuối cùng này cũng cho thấy sự sụt giảm lớn về cả tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư ở Trung Quốc. Điều này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các quốc gia có mối quan hệ gắn bó về thương mại với Trung Quốc như Philippines, Singapore, Việt Nam, Mông Cổ...Trong kịch bản ở mức vừa phải khi dịch bệnh lan rộng và kéo dài trong khoảng 3 tháng, thiệt hại toàn cầu có thể lên tới 156 tỷ USD, tương đương 0,2% GDP toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại 103 tỷ USD, tương đương 0,8% GDP của nước này. Phần còn lại của châu Á sẽ mất 22 tỷ USD, tương đương 0,2% GDP.
Ông Yasuyuki Sawada, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết: “Có rất nhiều điều không chắc chắn về Covid-19, bao gồm cả tác động kinh tế của nó. Điều này đòi hỏi phải sử dụng nhiều kịch bản để cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về những tổn thất có thể xảy ra. Chúng tôi hy vọng báo cáo phân tích này có thể hỗ trợ các chính phủ trong việc chuẩn bị các hành động ứng phó dứt khoát và mang tính quyết định nhằm giảm thiểu tác động đến con người và kinh tế của đợt bùng phát này”.
Đây không phải lần đầu tiên các chuyên gia đưa ra dự báo về tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu. Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng đã bày tỏ lo ngại rằng, dịch Covid-19 gây ra có thể đẩy tiến trình phục hồi vốn đã mong manh của nền kinh tế toàn cầu vào vùng nguy hiểm. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế của Hãng tư vấn Oxford Economics thậm chí còn ước tính dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD.
Do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và ngày càng lan nhanh tại các quốc gia phát triển thuộc khu vực đồng euro nên việc đánh giá chính xác về những tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm này là một câu hỏi khó. Điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào công tác đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong một thế giới có sự kết nối đa chiều như hiện nay, việc các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Liên minh châu Âu (EU) “hắt hơi” chắc chắn cũng sẽ khiến nhiều nền kinh tế khác phải “sổ mũi”. Vì thế, có lẽ bên cạnh việc tìm kiếm vắc-xin cho Covid-19, các quốc gia trên thế giới cũng cần chuẩn bị "vắc-xin" cho chính nền kinh tế nước mình, đề phòng những cú sốc có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Học viện Hải quân: Bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức hải quân Khóa 30 - ( 23-11-24 01:00 )
- Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới và nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú - ( 22-11-24 01:00 )
- Lữ đoàn 161: Hội thao cấp ủy năm 2024 - ( 22-11-24 08:00 )
- Khai trương chính quyền số, Hải Phòng hướng tới sự minh bạch, hiệu quả và tiện ích, tạo động lực phát triển mới - ( 22-11-24 08:00 )
- Quân chủng Hải quân kiểm tra đơn vị VMTD tại Lữ đoàn 189 - ( 22-11-24 08:00 )