“Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm”
“Tháng tư đong đậu nấu chè. Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm”, không khí của ngày Tết mồng 5/5 (Âm lịch) cứ thế rộn ràng trên mọi miền Tổ quốc. Đây là dịp người Việt thể hiện tấm lòng tri ân nguồn cội, ước mơ về một mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc.
Nếu như Tết Nguyên đán là lễ quan trọng nhất mở đầu cho một năm thì Tết Đoan Ngọ sẽ mở đầu cho một mùa vụ. Trong tâm thức của người Việt, Tết Đoan Ngọ chỉ đứng thứ hai sau Tết Nguyên đán, chẳng thế mà dân gian có câu: “Tết mồng 5, rằm tháng 7” nói lên ý nghĩa của ngày này.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ mồng 5/5 Âm lịch có đầy đủ các món ăn đặc trưng của miền Bắc như: Cơm rượu nếp, mận, vải, đào…
Đoan Ngọ có thể được hiểu là ngày mở đầu chuỗi ngày nắng nóng nhất trong năm. “Đoan” có nghĩa là bắt đầu, “Ngọ” tức chỉ giờ ngọ, khoảng thời gian nóng nhất trong ngày từ 11 giờ đến 13 giờ. Vì thế, ăn Tết Đoan Ngọ sẽ thực hiện vào buổi trưa.
Tuy nhiên, dựa trên cách tính nông lịch cổ truyền, tháng 5 là thời điểm kết thúc vụ chiêm và bước vào vụ mùa. Lúc này, người nông dân sẽ làm lễ “uống nước nhớ nguồn” cảm ơn trời đất, tổ tiên, ăn mừng một mùa vụ bội thu. Phong tục Tết Đoan Ngọ cũng được hình thành nhờ có nghề trồng lúa nước, xuất phát từ chính người nông dân.
Người Hà Nội lại ưa thích lựa chọn thêm hoa sen trắng, sen hồng để dâng lên bàn thờ gia tiên
Tết Đoan Ngọ được ví như khúc giao mùa từ mùa xuân sang mùa hạ. Thời điểm này, sâu bệnh bắt đầu gây hại cho mùa màng, con người và vật nuôi nên Tết Đoan Ngọ còn có tên khác là Tết diệt sâu bọ.
Cũng như bao ngày lễ khác, mâm quả dâng lên bàn thờ tổ tiên là điều không thể thiếu trong mỗi gia đình dịp Tết Đoan Ngọ. Ở miền Nam, đất đai trù phú vốn nức tiếng bởi miệt vườn xum xuê trái quả, nên người dân thường chọn những quả đặc trưng như: Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, dừa nước.... Còn người dân ở miền Bắc, miền Trung lại lựa chọn những trái quả đẹp nhất trong vườn nhà: Ổi, mận, vải, xoài… để bày lên mâm.
Như nếp quen đã thành lệ, cứ đến mồng 5/5, các gia đình đều tạm gác công việc để quây quần bên nhau, chuẩn bị thức ngon từ tối hôm trước để dâng cúng tổ tiên.
Cơm rượu nếp được ủ từ hôm trước, sáng hôm sau có thể sử dụng được luôn
Mỗi người một công việc, lau dọn bàn thờ gia tiên sạch sẽ, nhà cửa được dọn dẹp, ngăn nắp. Hoa quả, trái cây chuẩn bị đủ đầy, lễ vật càng tươm tất càng cho thấy cuộc sống gia đình sung túc, bình an.
Điều đặc biệt là trong mâm cúng gia tiên của ba miền Bắc - Trung - Nam đều có một điểm chung, đó chính là món bánh gio. Thứ bánh làm từ gạo nếp, nước tro tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại có sức hút đến lạ kỳ.
Có thể thấy, Tết Đoan Ngọ đã gắn với tín ngưỡng của cộng đồng người Việt từ bao đời nay. Theo dòng chảy của thời gian, Tết Đoan Ngọ luôn hiện hữu, chiếm một vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Ấn tượng triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” - ( 24-11-24 09:00 )
- Vùng 3: Giao nhiệm vụ cho lực lượng tham liên hoan nghệ thuật quần chúng - ( 23-11-24 01:00 )
- Bế mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân năm 2024 - ( 20-11-24 10:00 )
- Quân chủng Hải quân khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2024 - ( 18-11-24 10:00 )
- Rau càng cua - ( 17-11-24 08:00 )