Hướng tới Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2018

18 tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ đã được tổ chức

HQVN -

Từ các phong trào quần chúng và các hoạt động phong phú ở cơ sở như: “Bảo đảm an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ” (ATVSLĐ-PCCN); “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm ATVSLĐ-PCCN”; “Ngày an toàn lao động trong tháng”, “Tháng an toàn lao động trong năm”, hội thi “An toàn-vệ sinh viên giỏi”… các cơ quan quản lý Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thấy cần thiết phải tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN hàng năm để tạo nên cao trào trong cả nước nhằm gắn bảo hộ lao động với bảo vệ môi trường và văn hóa trong sản xuất.

Được sự giúp đỡ về kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), qua quá trình nghiên cứu kinh nghiệm của các nước Thái Lan, Ốt-xtrây-li-a… và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào đầu tháng 5-1999. Sự kiện này diễn ra đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 với sự tham gia của liên bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Công an; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các cơ quan có liên quan và hàng triệu người lao động trên khắp cả nước.

Mục đích của việc tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN là nhằm phát động sâu rộng phong trào quần chúng lao động ở các ngành, địa phương, các doanh nghiệp, đơn vị chấp hành đúng qui định pháp luật về bảo hộ lao động. Qua đó, nâng cao hiệu quả phong trào hạn chế và ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động, bảo vệ tài sản Nhà nước và tài sản công dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN cũng giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động đối với công tác ATVSLĐ; đề ra chương trình hành động để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN.

Luyện tập chữa cháy ở Trung tâm bảo đảm kỹ thuật 354, Vùng 3 Hải quân. Ảnh: Duy Khánh

Để bảo đảm tổ chức thành công Tuần lễ này, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN Trung ương được thành lập bao gồm các thành viên đại diện cho các cơ quan, tổ chức, đoàn thể sau: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bộ Công an; Bộ Văn hóa-Thông tin; Bộ Công nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đài Truyền hình Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam. Trong đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là thường trực của Ban chỉ đạo.

Hàng năm, Ban chỉ đạo Trung ương lựa chọn chủ đề và địa phương trọng điểm để tổ chức tuần lễ ATVSLĐ-PCCN mang tính chất quốc gia.

Hưởng ứng phong trào của cả nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có Chỉ thị 59/CT-BQP ngày 14-11-2005 về việc “Hưởng ứng tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN hàng năm”. Bộ Quốc phòng cũng lựa chọn những đơn vị tiêu biểu trên địa bàn-Nơi diễn ra Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN cấp Nhà nước để thay mặt cho toàn quân tổ chức lễ mít tinh phát động hưởng ứng.

Từ năm 1999-2016, Việt Nam đã tổ chức thành công 18 Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN hàng năm tại các địa phương trên toàn quốc. Năm 2006 là năm tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 8, Quân chủng Hải quân vinh dự được Bộ Quốc phòng lựa chọn thay mặt cho toàn quân tổ chức mít tinh phát động tại Học viện Hải quân.

Trong giai đoạn này, Quân chủng đã tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung của Tuần lễ quốc gia. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị Hải quân đã bám sát các chủ đề để có hình thức tổ chức phù hợp; hướng dẫn và thực hiện đầy đủ các hoạt động hưởng ứng trong Tuần lễ quốc gia như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức triển lãm, thi tìm hiểu, hội thao, thao diễn, tọa đàm, hội thảo…; đẩy mạnh các hoạt động thường xuyên trong năm như huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, sức khỏe người lao động, thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ-PCCN…

Sau 18 năm được tổ chức liên tục, Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể về công tác ATVSLĐ-PCCN đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều chính sách, văn bản quan trọng đã được Đảng và Chính phủ, các cấp, các ngành bổ sung và hoàn thiện nhằm tăng cường công tác ATVSLĐ-PCCN như: Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18-9-2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Quốc hội cũng đã lần đầu tiên thông qua Luật ATVSLĐ với nhiều nội dung, chính sách mới, mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ATVSLĐ, mở rộng đối tượng áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Nhiều luật liên quan đến ATVSLĐ cũng được sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Lao động năm 2012; Luật Công đoàn năm 2012; Luật Xây dựng năm 2013; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013.

Bảo Ngọc

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn