Xã luận: Tạo động lực mới hoàn thành các mục tiêu lớn
Sau 27,5 ngày làm việc, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp.
Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất, kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi. Đặc biệt, tại kỳ họp, Quốc hội đã thực hiện công tác nhân sự rất quan trọng, đó là bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; phê chuẩn ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được thực hiện nghiêm túc, đạt chất lượng cao, với cách đặt vấn đề đúng, trúng, sắc sảo của đại biểu Quốc hội và việc trả lời chân thành, trách nhiệm của các vị bộ trưởng, trưởng ngành, các Phó thủ tướng, thành viên Chính phủ, được cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao.
Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Ảnh: qdnd.vn
Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật, đã xem xét, thông qua 21 nghị quyết. Trong đó, tại nghị quyết của kỳ họp, Quốc hội đã thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Quốc hội thống nhất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025).
Tại kỳ họp, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng được cử tri, nhân dân và các doanh nghiệp rất quan tâm vì liên quan tới lợi ích sát sườn của các cá nhân trong xã hội, tới hoạt động của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế.
Trong nửa đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý II-2024 ước tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,42%. 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD. Tổng kim ngạch thương mại là 368,53 tỷ USD, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 14,5 và 17% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay không còn tình trạng thiếu điện, bảo đảm ổn định sản xuất, tiêu dùng dù nhu cầu cao. Tốc độ tiêu thụ tăng giúp giảm hàng tổn kho, là tín hiệu tích cực cho sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn nhất định do nhu cầu trên thị trường trong nước và thế giới nhìn chung còn yếu. Thấu hiểu khó khăn ấy là nút thắt của nền kinh tế, Quốc hội đã quyết định tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số hàng hóa, dịch vụ đến hết năm 2024. Việc giảm 2% thuế VAT sẽ giúp người dân tiết kiệm được chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt, mang lại tác động về tâm lý, giúp kích cầu, tăng tiêu dùng.
Tại Kỳ họp thứ bảy, các dự án luật liên quan tới lĩnh vực quân sự, quốc phòng được các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao. Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được Quốc hội thông qua chiều 27/6 với 100% đại biểu có mặt tán thành. Dự án Luật Phòng không nhân dân mới được thảo luận lần đầu nhưng đã được đại biểu Quốc hội đánh giá cao về công tác chuẩn bị nội dung và được đồng tình cao về tính cấp thiết phải ban hành luật này. Điều này cho thấy cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị các dự án luật rất công phu, kỹ lưỡng, đạt chất lượng cao. Đồng thời, qua đây cũng cho thấy tình cảm, niềm tin của các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân đối với các nội dung liên quan tới Quân đội ta.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình quốc tế có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2021-2026. Do đó, các bộ, ngành cần chủ động có các văn bản hướng dẫn để đưa ngay các luật mới được Quốc hội thông qua vào cuộc sống cho kịp thời gian, tiến độ. Cả hệ thống hành chính từ Trung ương tới các địa phương cho đến các cử tri, nhân dân cần tập trung thực hiện tốt các luật và nghị quyết của Quốc hội, tạo thành một động lực mới nhằm hoàn thành những mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Đại tướng Phan Văn Giang hội đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cam-pu-chia - ( 24-11-24 10:00 )
- Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia - ( 24-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 171: Hội nghị Quân chính năm 2024 - ( 23-11-24 05:00 )
- Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân đào tạo nhận thức chung Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 - ( 23-11-24 05:00 )
- Học viện Hải quân: Bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức hải quân Khóa 30 - ( 23-11-24 01:00 )