Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VPQH
Nỗ lực vượt khó
Trình bày báo cáo của Chính phủ về Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế-xã hội (KTXH) năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so với dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đối tác lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt. Xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Trong khi đó, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng đến các quốc gia trên nhiều phương diện. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1929-1933.
Ở trong nước, nước ta được kế thừa thành tựu 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập nội tại. Đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, sạt lở, lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020.
Nước ta đã kiểm soát, khống chế dịch bệnh Covid-19 trong khi dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao và cho rằng Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá “Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác”.
Tăng trưởng cả năm ước đạt 2-3%
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2-3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.
Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo IMF, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu.
Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. “Như vậy, năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Thủ tướng nói.
Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VPQH
Mục tiêu năm 2021 tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6%
Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới.
Chính phủ trình Quốc hội các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2021 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...
Một số đề nghị của Ủy ban Kinh tế
Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 và 5 năm 2016-2020; Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021; định hướng giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với kết quả đạt được như báo cáo của Chính phủ.
Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn kết quả đạt được và hạn chế của năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Trong đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung các giải pháp thực hiện mục tiêu phòng, chống đại dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2020 và giai đoạn tiếp theo; báo cáo rõ hơn về công tác xây dựng quy hoạch và phương án bảo đảm an ninh năng lượng; báo cáo thêm về việc ứng phó, vận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ và công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thương mại điện tử; đánh giá rõ thêm về khả năng thu, tình hình hụt thu ngân sách nhà nước và việc giảm chi theo quy định và mức bội chi hợp lý, những tác động đến nợ công, kinh tế vĩ mô; báo cáo cụ thể hơn về tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; tình trạng một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi…
Theo QĐND điện tử