Việt Nam hoan nghênh nỗ lực bảo đảm hòa bình trên biển Đông của G7

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê, ngày 27-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, tổ chức tại tỉnh Mi-ê, Nhật Bản. Đây là lần đầu Việt Nam được mời tham dự hội nghị, đánh dấu sự ghi nhận đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Tại hội nghị, thảo luận về chủ đề Ổn định và Thịnh vượng tại châu Á, các đại biểu lắng nghe phát biểu của 4 diễn giả đặc biệt là Thủ tướng Lào, Tổng thống In-đô-nê-xi-a, Tổng thống Xri Lan-ca và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Ảnh: TTXVN

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của các nước G7 và các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là quyết định của Nhật Bản mở rộng lĩnh vực và phạm vi hỗ trợ của sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu Á. Thủ tướng cũng cám ơn các nước G7 và các tổ chức quốc tế, trong đó có ADB đã hỗ trợ Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông và thông qua Uỷ hội Mê Kông quốc tế kêu gọi các đối tác phát triển tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam và các nước Mê Kông tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng chia sẻ những quan ngại của các nước G7 và các nước ASEAN về các thách thức đối với hoà bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông. Thủ tướng kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

* Nhân dịp này, chiều 27-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm đền I-xê tại Mi-ê, Nhật Bản.

* Chiều 27-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc gặp Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn, Tổng thống Hoa Kỳ Ba-rắc Ô-ba-ma, Thủ tướng I-ta-li-a Mát-tê-ô Ren-di, Chủ tịch WB Gim I-âng Kim, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ, Thủ tướng Ca-na-đa Giớt-xtin Tru-đô, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Giăng Clốt Giăng-cơ và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đô-nan Tu-xcơ.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  mong muốn các nước và các đối tác ủng hộ Việt Nam tăng cường vai trò và trách nhiệm tại các tổ chức quốc tế, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quan trọng ở khu vực và trên thế giới, trong đó có việc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 và ứng cử vào vị trí Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) nhiệm kỳ 2017-2021.

* Ngày 27-5, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) khẳng định tăng cường hợp tác để đối phó với sự tăng trưởng không bền vững của kinh tế toàn cầu cũng như bảo đảm an ninh hàng hải, đặc biệt là ở biển Đông.

Trong tuyên bố kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G7 kéo dài 2 ngày tại Nhật Bản, các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại về các nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới, đồng thời cam kết tìm kiếm sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững.

Đặc biệt, các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên các vùng biển ở châu Á. Tuyên bố của G7 nêu rõ “sự quan ngại về tình hình ở các vùng biển Hoa Đông và biển Đông”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của việc xử lý và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp”.

Lãnh đạo G7 cũng nhắc lại rằng việc giải quyết các tranh chấp nên diễn ra một cách hòa bình, tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng những tuyên bố chủ quyền nên được đưa ra căn cứ vào luật pháp quốc tế và các nước nên kiềm chế “các hành động đơn phương có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng”, đồng thời “tránh sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép nhằm tìm cách đạt được những tuyên bố về chủ quyền”.

Theo TTXVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn