Ứng phó với bão số 3: Hải Phòng, Nam Định di dời dân đến nơi tránh bão an toàn
Theo báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, ngoài các giải pháp phòng, chống bão số 3, các địa phương đã có phương án và thực hiện di dời hơn 11.000 người đến nơi tránh bão an toàn.
Đây là các hộ dân thuộc khu vực trũng thấp ven biển, các chung cư cũ yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Như tại quận Lê Chân, mặc dù là quận trung tâm thành phố Hải Phòng nhưng chính quyền địa phương đã phải di dời hơn 560 hộ dân đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Trọng Đại, phát ngôn viên Ủy ban nhân dân quận Lê Chân cho biết: Các hộ dân phải di dời trên địa bàn quận chủ yếu là các hộ cư trú trong các khu nhà tập thể cũ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn; các hộ dân đang ở khu nhà tạm, cấp 4 cũ khác. Đến 14 giờ ngày 19-8, các phường sẽ di dời nốt các hộ dân còn lại đến nơi an toàn.
Theo báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, đến 19 giờ ngày 18-8 các phương tiện địa phương vào nơi trú tránh an toàn. Đến 5 giờ ngày 19-8, đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, di dời số lồng bè, chòi canh và người trên các lồng bè, chòi canh vào nơi trú tránh bão. Các địa phương tổ chức lực lượng khơi thông dòng chảy, giải tỏa vật cản trên các tuyến kênh trục chính, tăng cường hiệu quả tiêu nước. Các trạm bơm tiêu úng trên toàn hệ thống đã được vận hành thử đảm bảo sẵn sàng hoạt động. Các Công ty khai thác công trình thủy lợi đã chủ động hạ thấp mực nước đệm trong hệ thống, nhằm giảm lượng nước cần tiêu khi có mưa lớn trong bão. Công tác bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, đến 9 giờ ngày 19-8, các địa phương đã tổ chức hoành triệt 25 cửa khẩu qua đê và 31 cống xung yếu.
Tàu thuyền của ngư dân huyện Thái Thụy (Thái Bình) tránh trú bão tại bến neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn thị trấn Diêm Điền. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN.
Các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố có kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài các vật tư, phương tiện, hơn 38.000 người đã được huy động sẵn sàng xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
* Ngày 19-8, tại Nam Định bão số 3 đã gây mưa to, gió giật cấp 4, cấp 5, vùng biển biển động mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của bão, các địa phương trong tỉnh phối hợp với lực lượng biên phòng đang khẩn trương di dời dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Đến trưa 19-8, toàn bộ 881 lao động trên 732 chòi canh ngao, lều chòi nuôi trồng thủy sản bên ngoài đê biển tỉnh Nam Định đã vào bờ an toàn.
Huyện Giao Thủy đã di dời trên 1.500 hộ với trên 4.000 người trong các ngôi nhà yếu, nhà tạm sang các nhà cao tầng, kiên cố. Huyện Nghĩa Hưng đã sơ tán 281 hộ ở vùng nuôi trồng thủy sản đê Cồn Xanh thuộc 4 xã Nam Điền, Nghĩa Hải, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thành vào trong đê. Huyện Hải Hậu đã thông báo cho các xã ven biển chủ động di dân ở những vùng có khả năng ngập lụt như: xóm Gò, xã Hải Đông, khu du lịch Thịnh Long, thị trấn Thịnh Long trước 13 giờ ngày 19-8.
Các địa phương đã kêu gọi tất cả hơn 2.000 tàu thuyền với trên 5.200 lao động đánh bắt cá vào bờ trú ẩn an toàn. 16 tàu với 60 ngư dân đánh bắt xa bờ tại vùng biển ngoài tỉnh cũng đã được thông báo vào bờ.
Dù trời đang mưa lớn nhưng tại các vị trí đê kè bị sụt, sạt lở trong cơn bão số 1 vừa qua như kè Quy Phú, Mặt Lăng, Phú Ân, Cồn Ba, Cồn Tư đê hữu sông Hồng thuộc các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy và đê bối Ngọc Lâm, huyện Nghĩa Hưng, chính quyền địa phương cùng đơn vị thi công đang huy động lực lượng khẩn trương gia cố đê, phấn đấu hoàn thành trước 13 giờ ngày 19-8.
* Do ảnh hưởng của bão số 3, từ 19 giờ ngày 18-8 trên địa bàn tỉnh Sơn La liên tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa tại Mộc Châu là 129mm, Yên Châu 53mm, Bắc Yên 70mm, Chiềng Mai (Mai Sơn) 44mm, Km46 là 91mm; xảy ra lũ cấp báo động III trên suối Nậm Pàn huyện Mai Sơn, lũ cấp báo động I trên suối Nậm La, thành phố Sơn La.
Mưa lũ đã khiến một người chết là ông Mùa Bả Súa, sinh năm 1968, Bí thư Chi bộ bản Phá Thóng, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp. Hiện, nhiều tuyến quốc lộ và tỉnh lộ tỉnh Sơn La xuất hiện nhiều điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông. Cụ thể tại Quốc lộ 4G do sụt khối lượng lớn tại 2 điểm km40+800 và km108+350 khiến giao thông ách tắc; tuyến Quốc lộ 6 (Hà Nội - Sơn La - Điện Biên) bị tắc nhiều đoạn, ở đoạn qua huyện Yên Châu bị ách tắc từ rạng sáng 19-8, hiện chưa thông tuyến, các phương tiện không thể di chuyển được. Ngoài ra trên các tuyến Quốc lộ 279, 4G, 37, đường tỉnh 105, 112... cũng có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở.
Hiện, các đơn vị quản lý đường bộ đã huy động phương tiện thực hiện san gạt đất tại các điểm ách tắc để đảm bảo thông đường trong thời gian nhanh nhất. Đồng thời, phân công cán bộ kiểm tra, rà soát trên các tuyến giao thông để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo - ( 27-11-24 08:00 )
- Trung tâm Xử lý tin ra đa triển khai nhiệm vụ năm 2025 - ( 27-11-24 08:00 )
- Trung đoàn 251: Hội nghị Quân chính năm 2024 - ( 27-11-24 08:00 )
- Vùng 1: Bế mạc lớp tập huấn cán bộ mới về đơn vị nhận công tác - ( 27-11-24 08:00 )
- Giao nhiệm vụ cho đội tuyển tham gia hội thi giảng viên các học viện, nhà trường quân đội năm 2024 - ( 26-11-24 07:00 )